Dự báo tín dụng và cung tiền sẽ tăng mạnh trong quý IV/2023
Trong bối cảnh lãi suất đã về mức thấp kỷ lục, lượng tiền lớn sẽ đưa ra thị trường vào cuối năm 2023 đầu 2024 với khả năng hấp thụ vốn tốt, khi đó các doanh nghiệp sẽ là những đối tượng hưởng lợi lớn.
Tình hình vĩ mô ngày càng vững chắc
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2023 cho thấy, vĩ mô của Việt Nam đã trở lại nhưng chậm rãi và có sự chắc chắn, bền bỉ.
Thứ nhất, lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang trở lại một cách từ từ và chưa có dấu hiệu nhanh, mạnh. Ví dụ sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm 2023 toàn ngành tăng 0,5%, thì trong 11 tháng đã tăng lên 1%, nghĩa là riêng tháng 11 đã tăng rất mạnh kéo tăng trưởng toàn ngành lên gấp đôi.
Về sản xuất và phân phối điện, trong vài tháng vừa qua nổi lên thông tin là thiếu điện dẫn đến sự lo ngại từ các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam. Tuy nhiên đến tháng 11 này, tình hình điện đã trở lại tốt hơn, một trong những nguyên nhân chủ yếu là một số nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam đã qua giai đoạn bảo trì và quay trở lại hoạt động, đơn cử như NT2, QTP hay PVC.
Họ đồng loạt bảo trì vào giai đoạn tháng 8-9-10, vì về cơ bản đây là giai đoạn mưa nhiều hàng năm, nước thủy điện dồi dào nên các công ty nhiệt điện thường lựa chọn thời gian này để bảo trì bảo dưỡng. Sau đó đến quý IV, khi lượng nước mưa vừa giảm trở lại mới bắt đầu đưa vào hoạt động.
Với lĩnh vực chế biến chế tạo cũng bắt đầu khởi sắc, trong 10 tháng tăng 0,5% nhưng 11 tháng đã tăng 1,1%, cho thấy việc chế biến chế tạo của các doanh nghiệp FDI đã thúc đẩy tăng trưởng trong tháng 11 rất khả quan. Chúng tôi đánh giá sản xuất đang trở lại một cách từ từ, không “sốc” nhưng có dấu hiệu của sự bền vững.
Thứ hai, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đã cải thiện nhẹ, các doanh nghiệp thành lập mới đã tăng từ 131.777 doanh nghiệp trong 10 tháng lên 146.044 doanh nghiệp trong 11 tháng. Ngược lại, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng chậm dần, chứng tỏ thị trường đã đang nhen nhóm những cơ hội để họ có thể khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp và triển khai hoạt động kinh doanh. Xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì và có thể mạnh mẽ hơn vào khoảng quý II/2024 khi các chính sách vĩ mô sẽ tác động mạnh trực tiếp đối với nền kinh tế hơn.
Thứ ba, hoạt động đầu tư là điểm sáng lớn nhất trong bức tranh vĩ mô tại Việt Nam trong 11 tháng. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 28,85 tỷ USD tăng 14,8% là mức tăng kỷ lục trong lịch sử. Tương tự, tổng vốn FDI thực hiện cũng đạt 20,25 tỷ USD tăng 2,9%.
Nếu xét 6 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký và thực hiện đều giảm thì sau khi Việt Nam ký kết nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, mới đây là với Nhật Bản và trong tương lai có thể là Úc sẽ góp phần giúp Việt Nam trở thành “thỏi nam châm” thu hút nguồn vốn FDI.
Có thể thấy, FDI là những doanh nghiệp đầu tư với kỳ vọng dài hạn, bởi vì khi vào Việt Nam, các doanh nghiệp FDI phải thuê bất động sản, mở nhà xưởng, xây dựng nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh, nên họ thường có tầm nhìn tối thiểu 20 - 50 năm trở lên. Điều đó cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đồng thời Việt Nam cũng là một trong những nước hiếm hoi trên thế giới có thu hút FDI vẫn tăng trong bối cảnh hiện nay. Chúng tôi đánh giá, việc giải ngân vốn FDI tăng sẽ có tác động tích cực, từ từ và tác động mạnh nhất là sau khoảng 3 - 4 quý từ thời điểm giải ngân.
Cụ thể, sau khi hoàn thành việc thuê đất, xây dựng nhà máy, nhập khẩu máy móc thiết bị, sản xuất kinh doanh, tạo sản phẩm và từ đó làm tăng giá trị xuất nhập khẩu nhiều hơn. Qua đó, tác động khá sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam vào khoảng giữa năm 2024 trở đi.
Thứ tư, tổng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong 11 tháng ước đạt 549,1 nghìn tỷ đồng là mức khá nhanh so với 10 tháng đầu năm chỉ đạt 479,3 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1%. Đây chính là động lực quan trọng cho nền kinh tế của chúng ta đó là trong bối cảnh các lĩnh vực khác còn chậm.
Năm 2023 dự kiến là một năm đầu tư công, đầu tư vốn từ ngân sách Nhà nước tăng kỷ lục và nó cũng sẽ tác động tương tự như khu vực FDI. Mặc dù có độ trễ nhưng độ trễ của đầu tư công thường ngắn hơn, khoảng từ 1-3 quý là đã phát huy tác dụng. Chính vì vậy, thị trường có thể tin tưởng năm 2024 là một năm trở lại của nền kinh tế đầy triển vọng.
Thứ năm, theo báo cáo, tình hình lạm phát của Việt Nam rất ổn định, bất chấp giá điện tăng hơn 4% trong tháng 11 vừa qua. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 so với tháng trước tăng 0,25% và tháng 11/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%, CPI bình quân 11 tháng 2023 so với cùng kỳ năm trước là 3,22%. Đây là mức vẫn dưới rất xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra, cho thấy Việt Nam đang quản lý tốt về ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Chỉ còn một tháng nữa là năm tài chính 2023 kết thúc, chúng tôi cho rằng lạm phát cả năm nay sẽ chỉ đạt khoảng 3,5%, là mức thuận lợi cho các nước như Việt Nam có thể ổn định kinh tế và tăng tốc phát triển kinh doanh.
Lượng tiền lớn sẽ đưa ra thị trường
Trên thị trường tài chính, ước tính tín dụng và cung tiền sẽ khá cao mặc dù các con số chưa được công bố bởi Ngân hàng Nhà nước cũng như Chính phủ.
Trong bối cảnh tình hình lãi suất đã về mức thấp kỷ lục, thì lượng tiền lớn sẽ ra thị trường vào cuối năm 2023 đầu năm 2024 với khả năng hấp thụ vốn tốt
Tuy nhiên, sau khi trao đổi với các bên từ ngân hàng, đến các cơ quan quản lý, chúng tôi nhận thấy tín dụng đến hết tháng 11/2023 tăng trưởng có thể đạt 9-9,3%, so với mức chỉ 6,98% trong 9 tháng đầu năm 2023. Đồng thời ước đạt cả năm tăng trưởng tín dụng sẽ trên 12%, bởi vì đây chính là giai đoạn bắt đầu lãi suất rất thấp được đưa ra thị trường.
Một số doanh nghiệp chia sẻ họ đã có thể vay vốn cho sản xuất kinh doanh của ngân hàng Vietcombank với lãi suất chỉ hơn 6% một năm, còn khu vực dân cư vay mua nhà tại ngân hàng này cũng ở mức lãi suất khoảng 7-7,5% một năm.
Trong bối cảnh tình hình lãi suất đã về mức thấp kỷ lục, thì lượng tiền lớn sẽ ra thị trường vào cuối năm 2023 đầu năm 2024 với khả năng hấp thụ vốn tốt. Khi đó các doanh nghiệp sẽ là những đối tượng hưởng lợi lớn và thúc đẩy kết quả kinh doanh tăng mạnh.
Đối với thị trường chứng khoán, theo thống kê gần cuối tháng 11, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết công bố đã tăng nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm 2022, đánh dấu mốc đảo chiều kết quả kinh doanh từ quý 4/2022 đến nay.
Dự báo kết quả kinh doanh quý 4/2023 có thể tăng từ 20 - 35% so với cùng kỳ năm trước nhờ việc các chính sách đã thẩm thấu vào nền kinh tế và nền tảng quý IV/2022 rất thấp. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà tăng trong năm 2024, chúng tôi dự báo mức tăng trưởng 20 - 30% so với năm 2023.
Tuy nhiên chúng ta cần phải bám sát chặt chẽ vì các yếu tố kinh tế vĩ mô, chính trị thế giới vẫn hết sức phức tạp, luôn luôn vận động, có thể làm đảo ngược tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận