Dự báo lợi nhuận ngân hàng quý 1/2021 tăng 'ngoạn mục'
Trong báo cáo mới đây, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của nhóm ngân hàng niêm yết được nghiên cứu sẽ tăng từ 55% - 65% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong báo cáo cập nhật tăng trưởng ngành ngân hàng quý 1/2021, SSI kỳ vọng ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng vượt trội so với các ngành khác trong quý 1/2021 nhờ tỷ suất lợi nhuận tương đối hấp dẫn và triển vọng tín dụng được cải thiện khi hầu hết các ngân hàng đã đẩy nhanh xóa nợ xấu và tăng cường trích lập dự phòng bao nợ xấu trong quý 4/2020.
Tại ngày 31/12/2020, LLCR (Tỷ lệ cho vay khả thi) trung bình của các ngân hàng đạt mức cao nhất trong ba năm qua. SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của nhóm ngân hàng được nghiên cứu sẽ tăng khoảng 55% -65% so với cùng kỳ.
Trong đó, các ngân hàng thương mại quốc doanh có khả năng sẽ đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục hơn nữa, tăng khoảng 75% -85% so với cùng kỳ khi các ngân hàng này đã tăng cường trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề. Các ngân hàng thương mại cổ phần dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 45% -55% so với cùng kỳ.
SSI cũng ước tính rằng, tăng trưởng tín dụng nhóm ngân hàng này trong quý 1 sẽ tăng 15% so với cùng kỳ. Hai ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tốt nhất trong 2 tháng đầu năm là MBB và VIB.
SSI cho rằng, NIM quý 1/2021 sẽ được cải thiện, tăng 0,15% so với cùng kỳ 2020; thu nhập phí ở mức thấp ở hầu hết các ngân hàng trong quý 1/2020, ngoại trừ TCB, BID và VIB; Áp lực trích lập dự phòng thấp so với quý 1/2020 ở một số ngân hàng VCB, MBB và CTG.
Dự báo cả năm 2021, SSI cho rằng, lợi nhuận trước thuế ước tính sẽ đạt mức tăng trưởng ấn tượng là tăng 24% so với năm 2020, được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng tăng 15%, chi phí tín dụng giảm 0,22%.
Năm 2020 ghi nhận 10 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất gồm: Vietcombank (23.045 tỷ đồng), Vietinbank (16.450 tỷ đồng), Techcombank (15.800 tỷ đồng), VPBank (13.019 tỷ đồng), Agribank (12.869 tỷ đồng), MBBank (10.688 tỷ đồng), ACB (9.596 tỷ đồng), BIDV (9.017 tỷ đồng), HDBank (5.818 tỷ đồng) và VIB (5.801 tỷ đồng).
Trong 10 ngân hàng trên, mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 so với năm 2019 từ cao xuống thấp lần lượt: VIB (tăng 42%), Vietinbank (tăng 40%), ACB (tăng 27,7%), VPBank (tăng 26%), Techcombank (tăng 23%); HDBank (tăng 16%), MBBank (tăng 6,4%); VCB (giảm 0,8%); BIDV (giảm 14%).
Đáng chú ý, trong năm 2020, có tới 19/27 ngân hàng được thống kê tăng chi phí dự phòng rủi ro so với năm 2019. Đây được coi là một trong những 'lợi thế' cho lợi nhuận ngân hàng trong năm 2021. Trong top 10 ngân hàng nêu trên, ACB là nhà băng tăng mạnh nhất với mức trích lập 941 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với năm trước. Đứng vị trí thứ 2 là Techcombank với 2.611 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần. VIB ghi nhận 950 tỷ đồng, tăng 50%; Vietcombank ghi nhận 9.917 tỷ đồng, tăng 46%; HDBank ghi nhận 1.788 tỷ đồng, tăng 39%.
Thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020, 10 ngân hàng có chi phí dự phòng rủi ro lớn nhất năm 2020 gồm BIDV (23.125 tỷ đồng), VPBank (14.621 tỷ đồng), Vietinbank (12.148 tỷ đồng), Vietcombank (9.917 tỷ đồng), MBB (6.118 tỷ đồng), SHB (4.534 tỷ đồng), Sacombank (2.916 tỷ đồng), Techcombank (2.611 tỷ đồng), HDBank (1.788 tỷ đồng), TPBank (1.783 tỷ đồng).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận