Dự báo lạm phát của Mỹ đã đi chệch hướng trong năm nay, liệu năm sau có thể đúng?
Thời điểm này năm ngoái, các nhà kinh tế dự đoán rằng lạm phát sẽ nhanh chóng dịu bớt vào năm 2022 khi các nút thắt chuỗi cung ứng được tháo gỡ, người tiêu dùng chuyển từ mua sắm hàng hoá sang dịch vụ và gói hỗ trợ COVID cạn kiệt. Giờ đây, các nhà kinh tế cũng dự báo điều tương tự cho năm 2023, viện dẫn nhiều lý do giống nhau.
Tuy nhiên, dự đoán về lạm phát trong năm nay không đúng. Dù tốc độ tăng giá đã bắt đầu chậm lại một chút, lạm phát vẫn đang ở gần mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Các chuyên gia kỳ vọng số liệu lạm phát tháng 11 - dự kiến công bố hôm nay (ngày 13/12) - sẽ tiếp tục chững lại. Họ cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng khoảng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đó đặt ra câu hỏi: Mỹ có nên lạc quan vào dự đoán lạm phát có phần lạc quan cho năm tới hay không?
“Có lý do để tin rằng lạm phát năm nay sẽ hạ nhiệt so với năm ngoái,” Jason Furman, một nhà kinh tế từ Harvard, người hoài nghi về những dự báo năm ngoái về việc lạm phát sẽ nhanh chóng trở lại mức bình thường cho biết. Tuy nhiên, “nếu bạn tiếp thu tất cả tin tức tốt và bỏ qua những tin xấu thì đó là một sai lầm”.
Các nhà kinh tế nhận thấy lạm phát sẽ giảm đáng kể trong những tháng tới. Song, sau một năm với nhiều kỳ vọng không thành, họ không dự báo mức giảm mạnh như tháng 12 năm ngoái.
Thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI). các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát cho rằng PCEPI lõi sẽ giảm xuống 2,5% vào cuối năm 2022. Thực tế là, chỉ số này hiện đã tăng lên mức 5%, gấp đôi tốc độ đó.
Năm nay, các nhà dự báo kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt xuống còn 3% vào cuối năm 2023.
Ước tính của Fed cũng đi theo mô hình tương tự. Tháng 12 năm ngoái, các quan chức dự đoán lạm phát lõi sẽ kết thúc năm 2022 ở mức 2,7%. Dự báo hồi tháng 9 của Fed cho thấy đà tăng giá sẽ chững về mức 3,1% vào cuối năm 2023. Tại cuộc họp chính sách tháng 12, giới chức Fed sẽ công bố một loạt dự báo lạm phát mới cho năm 2023.
Chuỗi cung ứng đang hồi phục
Một lý do để tin rằng lạm phát sẽ dịu bớt trong năm 2023 là chuỗi cung ứng.
Vào thời điểm này năm ngoái, các nhà kinh tế đã hy vọng rằng những nút thắt trong hoạt động vận tải và sản xuất hàng hoá toàn cầu sẽ sớm được giải quyết; người tiêu dùng sẽ chuyển từ chi tiêu cho hàng hoá sang dịch vụ; và sự kết hợp này sẽ giúp cung - cầu cân bằng trở lại, cản đà tăng của giá cả.
Dự đoán đó quả thực đã thành hiện thực, nhưng chỉ xảy ra một cách từ từ. Sự phục hồi của chuỗi cung ứng cũng mất nhiều thời gian hơn để tác động đến giá tiêu dùng.
Sau nhiều tháng để chuỗi cung ứng phục hồi, người tiêu dùng giờ đã dần cảm nhận được lợi ích. Giá ô tô đã qua sử dụng đã bắt đầu giảm đáng kể trong dữ liệu lạm phát tháng 10, giá nội thất và hàng may mặc cũng đi xuống. Dự kiến giá cả sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023.
“Còn quá sớm để tuyên bố rằng lạm phát hàng hoá đã bị dập tắt, nhưng nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, giá hàng hoá sẽ bắt đầu tạo ra áp lực suy giảm lên lạm phát trong những tháng tới”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu gần đây.
Fed đang cố hạ nhiệt nhu cầu
Nếu chỉ mỗi giá hàng hoá sụt giảm thì Mỹ không thể quay trở lại giai đoạn lạm phát thấp như trước, bởi giá dịch vụ đang tăng nhanh. Chi phí cho dịch vụ, từ bữa ăn nhà hàng đến tiền thuê nhà hàng tháng, chiếm khoảng một nửa lạm phát tiêu dùng tháng 10, theo tính toán của Bloomberg. Cách đây một năm, tỷ lệ này chỉ vào khoảng một phần ba.
Nhiều loại lạm phát dịch vụ có mối liên hệ chặt chẽ với những gì đang xảy ra trên thị trường lao động. Đối với các doanh nghiệp như tiệm làm tóc và chuỗi nhà hàng, việc trả lương cho nhân viên đang là chi phí chính (hoặc có thể là lớn nhất) trong quá trình kinh doanh. Khi nhân công khan hiếm và tiền lương tăng nhanh, doanh nghiệp thường sẽ phải tăng giá bán để cố gắng trang trải chi phí lao động đắt đỏ hơn.
Điều đó đồng nghĩa rằng tỷ lệ thất nghiệp rất thấp hiện nay và tốc độ tăng trưởng tiền lương nhanh bất thường có thể khiến lạm phát duy trì ở mức cao, dù thị trường việc làm không phải là động lực lớn khơi mào lạm phát ban đầu. Đây là lúc chính sách của Fed có thể phát huy tác dụng. Doanh nghiệp chỉ có thể tính giá cao hơn nếu khách hàng có thể và sẵn lòng chi trả. Fed có thể ngăn phản ứng dây chuyền này bằng cách nâng lãi suất để hạ nhu cầu.
Các nhà hoạch định tại Fed đã tăng lãi suất từ mức gần 0% hồi đầu năm 2022 lên gần 4% và dự kiến sẽ thực hiện một đợt tăng 50 điểm cơ bản trong tuần này. Các động thái của Fed sẽ khiến chi phí đi vay vọt lên cao hơn. Người dân Mỹ sẽ vất vả hơn nếu muốn vay tiền mua nhà hoặc mở rộng kinh doanh.
Tác động của các đợt tăng lãi suất đang lan truyền khắp nền kinh tế Mỹ. Doanh số bán nhà thấp hơn có thể khiến doanh nghiệp xây dựng và chế tạo giảm tuyển dụng, từ đó hạn chế hoạt động chi tiêu tiêu dùng. Khi thị trường việc làm và tăng trưởng tiền lương cùng chững lại, nhu cầu được kỳ vọng sẽ yếu đi, từ ra ngoài ăn tối cho đến du lịch hàng không.
Goldman Sachs dự đoán: “Tăng trưởng tiền lương chậm hơn sẽ làm giảm áp lực lên lạm phát dịch vụ”. Song, họ lưu ý rằng mọi thứ cần thời gian.
Biến số lớn
Thách thức cho công việc dự báo là nhiều yếu tố thúc đẩy lạm phát lại thường xuất hiện rất bất ngờ. Các nhà kinh tế năm 2021 hẳn không thể đoán được rằng Nga sẽ tấn công Ukraine vào đầu năm 2022, qua đó kéo giá lương thực và nhiên liệu tăng mạnh.
Tương tự, thật khó để đoán xem điều gì có thể xảy ra trên sân khấu địa chính trị vào năm tới. Xung đột leo thang ở châu Âu có thể gây áp lực mới lên giá khí đốt. Sự trở lại của người tiêu dùng Trung Quốc sẽ nhiều năm phong toả có thể kích thích sự cạnh tranh trên thị trường hàng hoá toàn cầu.
Và đơn giản là mọi thứ có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để trở lại bình thường. Đó là một phần câu chuyện đã xảy ra với lạm phát trong năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận