Dự báo lãi suất 2023 sẽ còn tăng
Các chuyên gia dự báo lãi suất trong năm nay sẽ tiếp tục leo cao trong nửa đầu năm, sau đó giảm dần trong nửa cuối năm.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho biết, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao. Tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 6,1- 8,3%/năm, thậm chí có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11%/năm (số tiền giá trị lớn từ 1 tỷ đồng trở lên)…
Việc lãi suất huy động tăng nhanh, kéo lãi suất cho vay tăng theo. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện dao động từ 10-12%/năm đối với doanh nghiệp, với cá nhân còn cao hơn. Lãi vay tăng quá cao sẽ khiến người dân, doanh nghiệp dè dặt trong việc vay vốn để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Do đó, xét về dài hạn, việc tăng lãi suất tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) trong 8 tháng đầu năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng nhanh. Tuy nhiên, đến tháng 9/2022, khi áp lực lạm phát quá lớn, USD tăng giá mạnh, NHNN buộc phải tăng lãi suất. Lạm phát cơ bản tháng 12/2022 dự báo tăng trên 5,2% gây sức ép lớn lên lạm phát năm 2023. NHNN cho biết, sẽ sử dụng các công cụ tỷ giá, lãi suất, tín dụng một cách thận trọng để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ kinh tế phục hồi và bảo đảm an toàn hệ thống.
Trong bối cảnh lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược xu hướng chung. Do đó, cơ quan quản lý sẽ phải nỗ lực hơn nữa để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng thời gian tới, nhất là khi lạm phát lõi có dấu hiệu tăng.
Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc WiGroup - đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu và giải pháp công nghệ tài chính tại Việt Nam cho hay, hiện tại, dòng tiền đang chịu áp lực lớn, tổng cung tiền trong nền kinh tế giảm nhẹ trong năm 2022 - điều chưa từng xuất hiện trong 20 năm qua. Trong khi đó, cung tiền cần tăng 12-13% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn do chênh lệch lớn giữa cho vay và huy động. Số liệu NHNN cho thấy, tính đến 21/12/2022, tín dụng tăng 12,87% so với cuối năm 2021, trong khi huy động vốn chỉ tăng 6%.
Theo ông Báu, một số tổ chức quốc tế đưa ra nhận định kém lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2023, dấu hiệu đầu tiên là số lượng đơn hàng của doanh nghiệp giảm từ cuối năm 2022. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố để cơ quan quản lý cân nhắc hỗ trợ thị trường tiền tệ để kích thích phát triển, do đó bức tranh kinh tế 2023 sẽ vẫn có những gam màu sáng, lãi suất dự báo bắt đầu giảm từ quý II/2023. Tương tự, lạm phát năm 2023 sẽ theo xu hướng tăng trong những tháng đầu năm, trước khi giảm dần sau đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận