24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Yến
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự báo giá dầu thời ông Trump

Khi ông Donald Trump nắm quyền Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ trước, giá dầu giảm khá mạnh do chính sách ưu tiên phát triển ngành năng lượng hóa thạch, nhưng nhiệm kỳ này, diễn biến giá dầu có thể khác.

Trong suốt quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, ông Trump luôn nhấn mạnh mục tiêu độc lập về năng lượng, cam kết sẽ đưa nước Mỹ dẫn đầu trở lại về kinh tế với những dự án mở rộng mạnh mẽ về nhiên liệu hóa thạch.

Sau khi ông Trump đắc cử, các chuyên gia phân tích của Citi Bank nhận định, Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng cường đầu tư vào ngành dầu khí, một trong những biện pháp mà ông Trump có thể áp dụng là nới lỏng các quy định môi trường và các luật lệ về khoan dầu mỏ, giúp giảm chi phí khai thác dầu.

Thực tế, trong nhiệm kỳ Tổng thống trước (2016 - 2020), ông Trump đã giảm bớt các quy định nghiêm ngặt đối với ngành công nghiệp dầu khí, giúp các công ty dầu mỏ, đặc biệt là công ty khai thác dầu đá phiến tăng cường sản lượng. Nếu ông tiếp tục theo đuổi chính sách này ở nhiệm kỳ tới, nguồn cung dầu có thể tăng lên, dẫn đến áp lực giảm giá trên thị trường toàn cầu.

Những phỏng đoán về việc đẩy mạnh ngành dầu khí Mỹ được củng cố khi vừa qua, ông Trump thông báo chọn Chris Wright, Giám đốc điều hành Công ty Dịch vụ dầu khí Liberty Energy (tập trung vào dầu đá phiến) làm Bộ trưởng Năng lượng. Ông này được kỳ vọng sẽ ủng hộ kế hoạch của ông Trump nhằm tối đa hóa sản lượng dầu khí, thúc đẩy sản lượng điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng đang tăng.

Dựa trên dữ liệu từ 1.769 công ty, chiếm 95% sản lượng dầu khí toàn cầu, Tổ chức phi chính phủ Urgewald công bố tại Hội nghị COP29 ở Baku, Azerbaijan rằng, ngành dầu khí thế giới đã chi trung bình 61,1 tỷ USD mỗi năm từ năm 2022 đến năm 2024 cho hoạt động thăm dò. Khoản đầu tư này diễn ra trong bối cảnh năm 2023 ghi nhận mức sản lượng kỷ lục, với 55,5 tỷ thùng dầu tương đương.

Theo Urgewald, 578 công ty lớn nhất trong ngành, bao gồm Saudi Aramco, Qatar Energy, ExxonMobil, Petrobras và TotalEnergies, đang lên kế hoạch khai thác thêm 239,3 tỷ thùng dầu tương đương trong vòng 7 năm tới.

Một số nhà phân tích cho rằng, nguồn cung dầu khí sẽ tăng lên đáng kể, bản thân các thành viên của OPEC+ cũng có thể gia tăng sản lượng nhằm gia tăng thị phần, dù việc này có thể khiến giá dầu giảm. Citi Bank dự báo, giá dầu có thể lùi xuống 60 USD/thùng trong năm 2025 (giá dầu Brent bình quân từ đầu năm 2024 đến nay là 80 USD/thùng, hiện dao động quanh mức 73 USD/thùng).

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, giá dầu năm 2025 có thể hồi phục nhờ ông Trump ủng hộ tăng cường sử dụng năng lượng hoá thạch và triển vọng kinh tế hồi phục.

Cụ thể, khả năng cao là ông Trump sẽ bỏ bớt các chính sách phát triển xe điện, đồng thời hỗ trợ các công ty dầu khí trong nước. GDP của Mỹ được đóng góp phần lớn từ năng lượng, nên dự kiến ông Trump sẽ ưu tiên chính sách phát triển ngành năng lượng hoá thạch như giảm thuế, nới lỏng các quy định dầu khí, thậm chí rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, việc OPEC+ tăng sản lượng chỉ nằm trong suy đoán của thị trường. Nhìn lại từ năm 2022 đến nay, OPEC+ luôn duy trì sản lượng thấp nhằm thúc đẩy giá dầu và tăng ngân sách của mình. Với sức cầu tiêu thụ tăng trong bối cảnh kinh tế hồi phục hiện nay, cộng với việc nước tiêu thụ dầu lớn nhất là Trung Quốc chỉ tiêu thụ dầu của Nga và OPEC+, thị phần không dễ rơi vào tay Mỹ.

“OPEC+ chỉ có mục tiêu duy nhất là duy trì giá dầu tăng. Với tình hình hiện nay, OPEC+ vẫn duy trì sản lượng thấp vì giá dầu đang giảm. Do đó, đến khi giá dầu tăng lên đến mức đủ bền vững thì có khả năng OPEC+ mới tăng sản lượng. Việc ông Trump tăng sản lượng dầu đá phiến cũng chỉ bán cho châu Âu, không thể tốt bằng bán cho Trung Quốc, nên OPEC+ không sợ mất khách hàng, chưa kể kinh tế Trung Quốc cũng đang hồi phục”, ông Minh nói.

Báo cáo của Hãng nghiên cứu năng lượng Rystad Energy củng cố quan điểm này của ông Minh khi cho rằng, OPEC+ không quá lo ngại về tăng trưởng sản lượng của các nước ngoài OPEC, vì sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã chững lại và tăng trưởng hiện nay thấp hơn mức trung bình lịch sử. Thêm vào đó, dầu đá phiến của Mỹ nhẹ hơn gây ra khó khăn cho các nhà máy lọc dầu tại Mỹ và châu Âu, trong khi nhu cầu của thị trường hóa dầu suy yếu.

“Nói chung, OPEC+ đang ở vị thế mạnh, kiểm soát loại dầu chất lượng tốt và nắm giữ các tài sản chế biến quan trọng ở Trung Đông, với cổ phần tại các thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc”, Rystad Energy nhận xét.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
68.83 +0.06 (+0.08%)
72.87 +0.06 (+0.08%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả