Dự báo đầu ra của ngành da giày sẽ tiếp tục gặp khó
Từ nay đến cuối năm, đầu ra của ngành da giày được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó, bởi phụ thuộc nhiều vào khả năng khống chế dịch của thị trường Mỹ và châu Âu.
Cùng với đó, dù Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực nhưng khả năng tận dụng được cơ hội vẫn là thách thức lớn với đa số doanh nghiệp trong ngành bởi năng lực hạn chế.
Theo TS.Nguyễn Thị Tòng, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, khi sản xuất trong ngành từng bước được hồi phục thì các doanh nghiệp xuất khẩu lại gặp khó khăn về hàng loạt vấn đề.
Cụ thể, vận chuyển hàng, giao hàng xuất khẩu (số lượng container quá khan hiếm) và giá cả thuê container tăng vọt.
Cùng với đó, các doanh nghiệp còn gặp khó trong thu hút lao động làm việc trở lại để thực hiện các đơn hàng, bởi khi cao điểm dịch bệnh, doanh nghiệp buộc phải cho lao động nghỉ viêc, nhiều công nhân bỏ việc hoặc chọn làm việc gần quê hương…
Khó khăn về tài chính phục vụ sản xuất, để duy trì đội ngũ công nhân lao động (chi trả lương theo chế độ khi nghỉ việc, không có nguồn thu) cũng luôn thường trực.
Theo "Báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với một số ngành công nghiệp chính của Việt Nam, đề xuất khuyến nghị chính sách và giải pháp cho phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19" do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) thực hiện (với sự tài trợ từ chính phủ Úc), do yếu kém trong khâu thiết kế, thiếu vốn mua nguyên phụ liệu nên số đông (tới 60 - 70%) các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam chỉ thực hiện phương thức sản xuất gia công thuần túy (CMT).
Doanh nghiệp lệ thuộc vào khách hàng nước ngoài về thiết kế mẫu, nguồn cung nguyên phụ liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia hạn chế vào chuỗi giá trị sản phẩm da giày toàn cầu, chủ yếu sử dụng lao động giá rẻ thực hiện khâu cắt, may, dán sản phẩm.
Có tới trên 70% - 80% các doanh nghiệp da giày đang sản xuất gia công hàng xuất khẩu cho các thương hiệu quốc tế.
Do vậy, khâu thiết kế, phát triển sản phẩm thường do người đặt hàng gia công (người mua/nhà nhập khẩu) là các chủ thương hiệu, các tập đoàn bán lẻ thực hiện, họ ấn định số lượng đặt hàng và chỉ định loại và nguồn cung nguyên phụ liệu cần sử dụng để sản xuất.
Khoảng 30% số doanh nghiệp còn lại là các doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp FDI thực hiện phương thức sản xuất OEM (FOB) tự tìm mua nguyên phụ liệu.
Cũng giống như dệt may, ngành da giày phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.
Cụ thể theo Báo cáo nói trên, nếu ước tính chi phí cho nguyên phụ liệu chiếm 70% chi phí sản xuất sản phẩm da giày thì ước tính phần nguyên phụ liệu nhập khẩu chiếm 60% tổng chi phí để nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Đối với hàng da giày gia công xuất khẩu, Việt Nam lệ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu do khách hàng nước ngoài chỉ định.
Hầu hết giả da, da thuộc, vải chất lượng cao và phụ liệu làm hàng xuất khẩu đều phải nhập khẩu. Sản xuất da thuộc trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu, chủ yếu để sản xuất sản phẩm cho tiêu thụ nội địa.
Đây cũng là lý do khi đại dịch Covid-19 xảy ra các doanh nghiệp sản xuất da giày cũng gặp khó khăn kép từ cả hai phía thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu bị gián đoạn tại các thị trường xuất khẩu chính nhất là thị trường Mỹ, châu Âu.
Trong khi đó, với quy mô sản xuất lớn và có thị trường đầu ra ổn định nên doanh nghiệp FDI đã chủ động tham gia chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu, hầu hết tự tìm nguồn cung nguyên phụ liệu để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng và xuất khẩu theo phương thức OEM (FOB), chiếm tới 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Hơn 70% doanh nghiệp còn lại chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, giá trị xuất khẩu chiếm hơn 20%.
Gần 2/3 giá trị rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, lợi thế về nguồn vốn, năng lực sản xuất và thị trường.
Trích dẫn kết quả trong Báo cáo nói trên, bà Nguyễn Thúy Hiền cho biết, năng lực thiết kế mẫu mã của các doanh nghiệp da giày Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của thị trường nước ngoài còn hết sức hạn chế.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của da giày Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc (chiếm trên 80%).
Nhưng dù khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp trong nước được các chuyên gia nói trên đánh giá là khó có thể nhận được giá trị nhiều từ các ưu đãi về thuế từ các Hiệp định thương mại, vì hầu hết đang gia công cho doanh nghiệp nước ngoài.
Hay với CPTPP có một số thị trường được dự đoán là tiềm năng với doanh nghiệp Việt (Canada, Mexico…) nhưng các thị trường này không biết đến sản phẩm của Việt Nam nhiều mà quen sử dụng các thương hiệu da giày từ các thị trường khác.
Toàn ngành da giày, túi xách Việt Nam với hơn 1.700 doanh nghiệp thì có tới 85% doanh nghiệp hạn chế về vốn, kỹ thuật công nghệ, không chủ động được nguồn nguyên phụ liệu nên các doanh nghiệp da giày vẫn chưa thể tận dụng ngay các lợi thế EVFTA.
Cũng giống như ngành dệt may, ngành da giày luôn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ra thị trường thế giới trong nhiều năm gần đây.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2016 -2019, lần lượt là 3,5%; 7,1%; 10,4%, 10%.
Đến hết năm 2018, toàn ngành da- giày sử dụng khoảng 1,3 triệu lao động trực tiếp, tăng 10% so với năm 2010 (chưa kể số lao động tại các cơ sở sản xuất làng nghề), chiếm khoảng 9% lực lượng lao động công nghiệp cả nước và chiếm 17% trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Trong đó, sản xuất giày dép chiếm trên 87%; sản xuất da thuộc chiếm 0,65% và sản xuất cặp- túi- ví chiếm 12,34% tổng số lao động toàn ngành.
Tỷ lệ lao động nữ trong ngành da- giày khoảng 75% (trong khi toàn ngành công nghiệp là 55-57%).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận