Dự báo 2022 : Chứng khoán tiếp tục leo đỉnh hay quay đầu ?
Trong năm 2021, chỉ số VN-Index liên tục xô ngã mọi kỷ lục trước đây và đạt được đỉnh mới là 1.500,8 điểm. Với mức đỉnh lịch sử này, VN-Index đã tăng gần 36% so với cuối năm 2020.
Đồng thời, chỉ số HNX-Index cũng vượt đỉnh lịch sử với mức cao nhất 468,73 điểm, tăng 232% so với cuối năm 2020. Bối cảnh này đặt chứng khoán ở ngã 3 khó đoán định, sẽ tiếp tục đi lên hay quay đầu sau một năm tăng trưởng nóng?
Nhiều ngành trở lại đường đua
Song song đó, thanh khoản của thị trường chứng khoán cũng lập kỷ lục mới với trị giá hơn 56.300 tỉ đồng và số lượng nhà đầu tư mới tham gia giao dịch cũng tăng mạnh. Liệu bức tranh đầy màu sáng này có lặp lại trong năm mới hay không?
Trao đổi với Thanh Niên, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital nhận định nếu tính đến ngày 24.12.2021, VN-Index đã tăng trưởng 33,8%, lọt vào top những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất bất chấp Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Một số quỹ mở nội địa đầu tư cổ phiếu như VESAF, VEOF cũng đã đạt được mức sinh lời ấn tượng 64,6% và 54,3% tại ngày 24.12.2021. Có thể nói năm 2021 là một trong những năm thành công và sôi động nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó ông cho rằng năm 2022, thị trường sẽ tiếp tục duy trì đà tăng này với dự báo tăng trưởng EPS (thu nhập trên cổ phiếu) trung bình của các công ty niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ đạt mức 20% so với năm trước, đồng thời mức định giá P/E của VN-Index sẽ giảm từ 17x trong năm 2021 xuống 14x trong năm 2022. Trong đó, động lực tăng trưởng lợi nhuận của VN-Index chủ yếu sẽ đến từ các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ và hàng không...
“Đây là những ngành chịu tác động mạnh nhất bởi đại dịch trong thời gian vừa qua và có khả năng phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong năm 2022”, ông Andy Ho nhấn mạnh. Phân tích cụ thể hơn, đối với ngân hàng, giá cổ phiếu của nhóm ngành này đã phản ánh được hết các dự báo về nợ xấu và các ngân hàng cũng đã tích cực xử lý trích lập các loại nợ xấu này trong năm 2021, do đó lĩnh vực này sẽ hồi phục tốt trong năm 2022. Còn với ngành bất động sản, trong khoảng thời gian giãn cách xã hội chịu tác động lớn khi các chủ đầu tư không thể mở bán các dự án. Năm 2022, dưới tác động của lạm phát cũng như việc lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp, các chủ đầu tư uy tín sẽ dễ dàng mở bán thành công các dự án với mức giá tốt và tiến hành ghi nhận lợi nhuận khả quan. Hơn nữa, phần lớn gói kích thích kinh tế đang được Chính phủ xây dựng và đề xuất dự kiến sẽ được chi cho phát triển cơ sở hạ tầng, việc này sẽ góp phần giúp các dự án được tiêu thụ tốt. Song song đó, bán lẻ và hàng không cũng sẽ là các điểm sáng trong năm 2022. Các công ty trong hai lĩnh vực này gần như đã chạm đáy lợi nhuận trong năm 2021 và đang dần phục hồi nhờ chính sách tái mở cửa của Chính phủ từ cuối năm. Sau thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nhu cầu mua sắm và đi lại của người dân sẽ tăng mạnh trở lại do đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các công ty trong ngành bán lẻ và hàng không trong năm tới.
Năm 2021 chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán gia tăng kỷ lục. Thống kê đến hết tháng 11.2021, tổng số tài khoản chứng khoán là 4,08 triệu trong khi thời điểm cuối năm 2020 mới là 2,77 triệu tài khoản. Như vậy, riêng trong 11 tháng của năm 2021, đã có hơn 1,31 triệu tài khoản mở mới, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở 1,306 triệu tài khoản. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước 11 tháng cũng gấp 3,3 lần số lượng trong cả năm 2020.
Nhưng thị trường sẽ phải điều chỉnh?
Cũng có quan điểm tích cực, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng thị trường chứng khoán năm 2022 có nền tảng thuận lợi hơn. Trong năm 2021, chỉ có quý 1/2021 là thuận lợi xuất phát từ việc tăng khá cao của GDP quý 3/2020 và quý 4/2020. Thế nhưng từ quý 2/2021 và đến quý 3/2021, kinh tế đi xuống mạnh và chỉ mới phục hồi nhẹ trong quý 4/2021. Kinh tế 2021 khá khó khăn nhưng hiện nay, các dự báo đều cho thấy kinh tế của thế giới cũng đang trong quá trình đi lên. Điều đó giúp các doanh nghiệp hướng đến xuất khẩu tốt hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng từng bước mở cửa lại hàng không, khôi phục du lịch… Nhìn chung, kinh tế của Việt Nam từng bước đi lên và đây là nền tảng rất tốt cho chứng khoán. Song song đó, vẫn có những dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào một số lĩnh vực trong nước như bất động sản công nghiệp và sau đó lan tỏa sang bất động sản thương mại. Vì vậy vị chuyên gia này cũng nhận định ngân hàng và bất động sản sẽ có tiến triển tốt trong năm sau. Ngoài ra, một yếu tố khác không thể bỏ qua là Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2022 để tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế. Từ đó dòng tiền được đưa vào nền kinh tế nói chung sẽ gia tăng.
Nhưng TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh: Dù nền tảng kinh tế vĩ mô tốt hơn thì không chắc rằng thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh. Bởi thị trường đã phản ánh hết những kỳ vọng cho điều đó trong năm 2021. Giá nhiều cổ phiếu đã tăng gấp 4 - 5 lần, thậm chí tăng đến 7 - 8 lần trong khi hoạt động của doanh nghiệp không thay đổi so với năm 2019 - là thời điểm trước khi có đại dịch Covid-19. Như vậy động lực giúp thị trường tăng mạnh trong năm 2021 là do nhà đầu tư đổ tiền vào với kỳ vọng cao và “tham lam” chứ không phải từ nền tảng của doanh nghiệp hay nền kinh tế. Ví dụ, trong quá khứ thị trường chứng khoán năm 2017 đã tăng khá cao nhưng đến năm 2018 khi kinh tế phát triển mạnh hơn thì lại quay đầu đi xuống. Chính vì vậy ông dự báo thị trường sẽ có một đợt điều chỉnh từ mạnh đến rất mạnh vào cuối quý 1/2022 hoặc trong quý 2/2022.
“Nhiều cổ phiếu đã tăng giá quá cao, bất thường so với hoạt động của doanh nghiệp. Mức giá hiện nay đã phản ánh hết kỳ vọng về sự hồi phục và phát triển của kinh tế sau đại dịch. Vì vậy năm mới kinh tế sẽ từng bước đi lên nhưng thị trường chứng khoán sẽ phải có sự điều chỉnh để phù hợp với nền kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng. Sau đó mới có thể đi tiếp với các nền tảng của kinh tế vĩ mô”, TS Đinh Thế Hiển chia sẻ thêm.
Quy mô thị trường cổ phiếu đã tăng mạnh, đạt 122,2% GDP vào ngày 12.11.2021 (tính GDP năm 2020). Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm 2020 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025, vốn hóa của chứng khoán đạt 120% GDP vào năm 2025. Như vậy, với mức vốn hóa trên, mục tiêu của đề án đã hoàn thành trước 4 năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận