Dự báo 2020: Kinh tế toàn cầu trước những thách thức khó lường
Sau một năm môi trường kinh doanh toàn cầu bị chi phối bởi các vấn đề kinh tế vĩ mô và nhân tố địa chính trị, triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 có thể vẫn chịu tác động của những yếu tố tương tự.
Đáng chú ý, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong năm nay và những căng thẳng tiềm tàng tại nhiều nơi trên toàn cầu có khả năng tạo ra những biến động kinh tế thậm chí còn lớn hơn năm 2019.
Tại khu vực Trung Đông, thách thức lớn nhất sẽ là duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế, bên cạnh những rủi ro, đặc biệt là đối với các thị trường năng lượng trong bối cảnh khu vực này vẫn tồn tại những bất ổn chính trị đáng kể. Tin tốt là tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ được cải thiện trong năm 2020.
Cả Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều kỳ vọng kinh tế thế giới có thể tăng trưởng quanh ngưỡng 3%, tức là cao hơn một chút so với năm 2019, chủ yếu nhờ hiệu ứng tích cực từ chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới.
Tuy nhiên, trong báo cáo triển vọng mới công bố của IMF, định chế tài chính quốc tế này cũng chỉ ra một số rủi ro bất định có thể đe dọa thị trường toàn cầu, từ sự suy giảm tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi, nguy cơ chiến tranh thương mại cho đến tình trạng nợ công cao. Đối với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt, nhân tố "giá dầu" sẽ giữ vai trò chủ chốt trong dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Những ngày đầu năm 2020, giá dầu đã tăng 3% và có lúc vượt ngưỡng 70 USD/thùng sau vụ việc Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, bị Mỹ không kích ám sát ở thủ đô Baghdad (Iraq). Thị trường năng lượng lúc đó lo ngại nguy cơ gián đoạn tiếp theo đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô từ nhóm các nền kinh tế thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).
Nhiều nhà phân tích năng lượng đã nhận định về viễn cảnh giá dầu cán mốc 90 USD/thùng tại thời điểm đó. Tuy nhiên, một khi tình hình căng thẳng được kiểm soát thì giá "vàng đen" đã nhanh chóng hạ nhiệt. Giá dầu thấp hơn kỳ vọng cũng có nghĩa là nguồn thu đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu "vàng đen" cũng ít hơn.
Tăng trưởng kinh tế của Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, dự báo sẽ đạt 2,3% trong năm 2020 dựa trên giả định giá dầu dao động quanh mức 60 USD/thùng. Giới phân tích kỳ vọng rằng khu vực kinh tế phi dầu mỏ của Saudi Arabia sẽ mở rộng nhanh chóng và tiến dần tới trở thành đầu tàu tăng trưởng của vương quốc này trong tương lai.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu khó dự đoán cũng là yếu tố tương tự xảy ra trong nền kinh tế toàn cầu suốt năm 2019. Đó còn là chưa kể những diễn biến tiếp theo trong giai đoạn đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm ngăn ngừa một cuộc chiến thương mại song phương. Nếu hai nước không thể dàn xếp được vấn đề thuế quan, thì điều đó sẽ lại tác động đến hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu.
Dư luận quốc tế hiện đang theo dõi sát sao tình hình sau khi Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một tại Washington (Mỹ). Mặc dù thỏa thuận này được nồng nhiệt chào đón, nhưng dư luận cho rằng đây có lẽ chỉ được coi là "thời kỳ đình chiến" tương đối ngắn ngủi trong căng thẳng Mỹ-Trung dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Bên cạnh đó, không có gì đảm bảo rằng thỏa thuận giai đoạn một này sẽ được tuân thủ triệt để, đặc biệt là khi nước Mỹ đang tiến dần tới cuộc bầu cử tổng thống hết sức quan trọng.
Nếu căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh không thể được giải quyết, cuộc đối đầu giữa hai nước có khả năng chuyển sang một mặt trận mới như quyền sở hữu trí tuệ hoặc bảo vệ công nghệ. Chuyên gia dự báo rủi ro toàn cầu Ian Bremmer đã dự đoán rằng ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc dàn xếp được một phần hàng rào thuế quan vào cuối năm 2019, thì mối quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn khó có thể cân bằng trong năm 2020.
Đối với khu vực Trung Đông, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài có khả năng khiến nguồn dầu thô từ khu vực này chuyển hướng nhiều hơn tới Trung Quốc và phần còn lại của châu Á, trong bối cảnh Mỹ cũng đang tự chủ nguồn dầu mỏ của mình. Tuy nhiên, lợi ích này khó có thể giúp các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ tại Vùng Vịnh bù đắp những tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất từ sự suy giảm của trao đổi thương mại toàn cầu.
Tại châu Âu, "lục địa già" được dự báo sẽ phải đối mặt giai đoạn đầy thách thức khi nước Anh sẽ theo đuổi Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), bằng mọi giá trong năm 2020, trong bối cảnh chưa có thỏa thuận kinh tế nào được ký kết giữa Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson và các đối tác châu Âu. Dù kết quả thế nào, thật khó để tìm ra những yếu tố tích cực cho các nền kinh tế châu Âu.
Nhiều nền kinh tế chủ chốt khác trên thế giới cũng phải đối mặt với một năm 2020 bất định. Argentina đang phải vật lộn với thâm hụt ngân sách khổng lồ và kinh tế suy giảm, Thổ Nhĩ Kỳ dường như bị kìm hãm bởi gánh nặng tài chính, trong khi Nhật Bản vẫn đang phải vật lộn với di sản tăng trưởng thấp và giảm phát vốn đã kéo dài nhiều năm qua.
Ngoài ra, một số nhà phân tích còn lo ngại trước tình trạng nợ cao trên quy mô toàn cầu. Đáng chú ý, các khoản vay tích lũy đã tăng gấp ba lần kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Đây là một tín hiệu đáng báo động trong dài hạn đối với sự ổn định tài chính toàn cầu, đặc biệt đối với những nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn tài chính và cũng là một "chủ nợ" lớn như Trung Quốc.
Do đó, kinh tế khu vực Trung Đông nói riêng và toàn cầu nói chung sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong năm 2020. Các nhà hoạch định chính sách hy vọng những căng thẳng khu vực sẽ không làm trầm trọng thêm sức ép mà thế giới đang phải cố gắng vượt qua ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận