Dự án trồng hoa cây cảnh "biến tướng" thành khu du lịch Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay
Dự án trồng hoa cây cảnh tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) của Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay đã bị chuyển thành Khu du lịch sinh thái đặt tên là "Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay", trái với mục đích sử dụng đất được phê duyệt.
Xây dựng nhiều công trình trên đất nông nghiệp
Như Dân Việt đã thông tin, 21 hộ dân ở xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội) đang kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi lại đất nông nghiệp cho thuê, giờ đã bị chuyển thành một phần Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Khu du lịch Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay do Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay triển khai xây dựng, thuộc địa phận thôn Bốt Đá, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ.
Đến nay, Dự án triển khai nhiều công trình, bao gồm khu nhà điều hành, kết cấu nhà khung 2 tầng, tường gạch chỉ, sàn bê tông cốt thép, mái lợp tôn), kè bờ sông, xây dựng khu vực nhà tạm bằng gỗ.
Theo quan sát của phóng viên, những công trình nhà điều hành, nhà hàng, bể bơi, phòng nghỉ, phòng ăn… đã được xây dựng kiên cố.
Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay được xây dựng nhiều khu chức năng kinh doanh du lịch và lưu trú. Ảnh: PL
Xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và sử dụng đất không đúng mục đích là một trong những hành vi bị cấm theo Điều 12 Luật đất đai. Nếu vi phạm, sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi: Sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích theo khoản 3, khoản 4 Điều 6 Nghị định 102/2014/NĐ-CP: Mức phạt tiền có thể từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tùy từng mức độ vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả. Với công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ngoài bị xử phạt hành chính, công trình còn bị tháo dỡ để khôi phục tình trạng ban đầu của mảnh đất. |
Trong vai khách du lịch tới tham quan, chúng tôi mua vé vào cổng Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay với giá 50.000 đồng/người.
Đặt vấn đề về việc đi khảo sát, để sắp tới đưa đoàn của cơ quan 200 người tới tham quan qua đêm, một cán bộ phòng kinh doanh cho biết: "Nếu tính cả tiền phòng, tiền ăn trong vòng 2 ngày tổng chi phí là khoảng hơn 200 triệu đồng".
Cụ thể, vị này cho biết tiền 1 phòng 2 giường ngày thường là 1,5 triệu đồng, cuối tuần là 2,5 triệu đồng/đêm, tiền ăn mỗi bữa trung bình 250.000 đồng/người.
Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, chỉ đón tiếp được khoảng dưới 100 người, vì chỉ có hơn 20 phòng ngủ và 2 phòng sinh hoạt cộng đồng, riêng phòng sinh hoạt cộng đồng thì có đủ karaoke, điều hoà và ngủ tập thể được 30 người.
Toàn bộ các hoạt động của Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay có đầy đủ khu ăn, uống, lưu trú, vui chơi như một khu du lịch.
Nhưng trên thực tế, mục đích sử dụng đất của dự án được UBND huyện Phúc Thọ (TP.Hà Nội) phê duyệt là để làm dự án trồng hoa cây cảnh. Theo Điều 12 Luật Đất đai, việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và sử dụng đất không đúng mục đích là một trong những hành vi bị cấm.
Lối đi từ cổng vào Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay. Ảnh: PL
Biến tướng từ dự án trồng hoa
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Đức Minh – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay cho biết: Năm 2009, được bà Đ.T.B và ông Đ.V.Đ mời tham gia đầu tư tại Dự án trồng hoa cây cảnh ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ.
Theo tài liệu của ông Nguyễn Đức Minh cung cấp, ngày 4/9/2009, UBND huyện Phúc Thọ có Quyết định số 1813/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết Dự án trồng hoa cây cảnh khu đất Tân Bồi xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội.
Nếu xây dựng sai Quy hoạch hoặc thiết kế được duyệt sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng. |
Chủ đầu tư lập quy hoạch là UBND xã Hiệp Thuận và đơn vị lập quy hoạch là Công ty TNHH tư vấn giám sát xây dựng công trình Hải Hưng.
Địa điểm quy hoạch xây dựng: Quy hoạch chi tiết dự án trồng hoa cây cảnh khu Tân Bồi, xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ nằm trên phần đất canh tác khu Tân Bồi, xã Hiệp Thuận, giáp đường Hiệp Thuận – Sấu Giá.
Mục tiêu, nhiệm vụ của quy hoạch: Quy hoạch xây dựng dự án trồng cây cảnh khu đất Tân Bồi sẽ tạo lên vườn hoa và cây cảnh. Cung cấp các sản phẩm hoa, cây cảnh cho thị trường thủ đô và cả nước, hợp đồng xuất khẩu.
Quy mô đầu tư xây dựng của dự án này là 9.400m2 với tổng mức đầu tư là hơn 4,1 tỷ đồng.
Nhưng như đã nêu ở trên, nhiều công trình phục vụ du lịch, ăn uống, nghỉ ngơi đã được xây dựng ở nơi được quy hoạch làm Dự án trồng hoa cây cảnh, không đúng mục đích sử dụng đất.
Nhìn từ trên cao, "Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay" lấn ra cả lòng sông Đáy. Ảnh: Trịnh Trọng
Có được ưu đãi tiền thuê đất?
Ông Nguyễn Đức Minh – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay còn cung cấp cho phóng viên một Hợp đồng thuê đất số 06 ngày 12/11/2017 do ông Đặng Văn Nghĩa Trưởng phòng TNMT huyện Phúc Thọ làm đại diện ký với bên thuê đất là ông Đ.V.Đ, người đại diện cho những người thừa kế theo pháp luật của bà Đ.T.B (do bà B đã mất).
Cụ thể, UBND huyện Phúc Thọ đã cho ông Đ.V.Đ thuê 9.400 m2 đất để sử dụng vào mục đích: Thực hiện xây dựng vườn trồng hoa và cây cảnh. Thời gian thuê đất: 50 năm kể từ ngày UBND ký quyết định cho thuê đất, từ 15/12/2009 đến ngày 15/12/2059.
Bên thuê đất có trách nhiệm trả tiền thuê đất theo quy định: Tiền thuê đất từ ngày 01/01/2015 là 790 đồng/m2/năm; Thời gian quy đổi tiền bồi thường hỗ trợ GPMB ứng trước sang thời gian thuê đất đến hết ngày 15/12/2059. Như vậy, ông Đ.V.Đ không phải thực hiện nộp tiền thuê đất đến hết ngày 15/12/2059.
Điều 3 cũng nêu rõ, việc sử dụng đất trên khu đất thuê phải phù hợp với mục đích sử dụng đất đã ghi trong Điều 1 của Hợp đồng này.
Ông Nguyễn Đức Minh – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay cho biết bể bơi cũng xây dựng bằng vật liệu ghép nên có thể tháo ra. Ảnh: Trịnh Trọng
Tuy nhiên theo hồ sơ của Dân Việt, diện tích dự án hiện tại đã thuê thêm đất nông nghiệp của 21 hộ dân khoảng hơn 5.000 m2 và được "biến tướng" thành khu du lịch mang tên "Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay" có hoạt động kinh doanh du lịch, ăn uống, lưu trú.
Ông Nguyễn Đức Minh cung cấp cho phóng viên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Phòng đăng ký kinh doanh của Sở KHĐT Hà Nội cấp, mang tên Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay, đăng ký lần đầu là 16/10/2018 và đăng ký thay đổi lần 1 là 23/6/2021. Chủ sở hữu doanh nghiệp này chính là ông Nguyễn Đức Minh với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Minh còn cung cấp cho phóng viên một Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh do Phòng tài chính - Kế hoạch huyện Phúc Thọ cấp, đăng ký lần đầu vào ngày 4/3/2021. Trong đó có nêu tên ngành nghề là quán cà phê, giải khát, nhà hàng, quán ăn, hàng ăn uống, trồng hoa hàng năm, bán buôn hoa và cây cảnh, nhà nghỉ kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày. |
Liên quan tới nội dung khu du lịch sinh thái Hoa Bay đã đủ điều kiện kinh doanh lưu trú chưa, phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tâm – Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận và Trưởng công an xã Hiệp Thuận, ông Tâm cho biết sẽ cho xác minh lại và trả lời phóng viên sau.
Ông Nguyễn Xuân Tâm – Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận chỉ xác nhận Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay hoạt động có đăng ký kinh doanh.
Tuy nhiên, kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch là loại hình kinh doanh có điều kiện. Do đó, với các thủ tục đăng ký kinh doanh thì Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay cũng chưa đủ điều kiện để kinh doanh lưu trú qua đêm và bán vé ở cổng vào tham quan khu du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Tâm – Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận xác nhận tại dự án có các công trình ở ngoài diện tích được phép xây dựng và UBND xã Hiệp Thuận đã lập biên bản, đang trong quá trình xử lý.
Trong đó, việc xây dựng cột và khu vực khoảng 600m2 để chụp ảnh thuộc đất nông nghiệp thuê của người dân là công trình xây dựng sai phép. Còn lại, các công trình khác ông Tâm không nhắc tới. Ngay cả khu bể bơi, ông Tâm cũng cho rằng, đơn vị chỉ làm bằng chất liệu tạm.
Khi phóng viên hỏi về các biên bản xử lý vi phạm từ trước tới nay của UBND xã Hiệp Thuận đối với "Vườn Sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay" thì ông Nguyễn Xuân Tâm – Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận lấy lý do là liên quan tới quản lý của nhiều cơ quan chức năng như UBND huyện, Chi Cục đê điều và PCLB…không có sự cho phép của các đơn vị này thì không thể cung cấp.
Phóng viên Dân Việt cũng đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Phúc Thọ và Chi Cục đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội để làm rõ dự án này có được cơ quan chức năng cấp phép kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú không cũng như những phản ánh lấn chiếm dòng chảy sông Đáy nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ các đơn vị trên.
Trách nhiệm của UBND xã Hiệp Thuận và của UBND huyện Phúc Thọ đối với những sai phạm trên, rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để xác minh làm rõ.
Dân Việt sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc tới bạn đọc.
Luật sư Hoàng Ngọc, Văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm và cộng sự, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, đối với Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay nếu có mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú qua đêm thì ngoài Giấy phép đăng ký kinh doanh cần đáp ứng đủ điều kiện khác. Cụ thể, ngoài Đăng ký kinh doanh ra cần có: Người đứng đầu quản lý theo pháp luật hoặc của cơ sở phải có chứng chỉ và qua lớp học về kinh doanh dịch vụ, du lịch, lưu trú; Đảm bảo với cơ quan quản lý có danh sách những người làm trong cơ sở hoặc bộ phận ngành, nghề kinh doanh của cơ sở; Biên bản kiểm tra của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy; Sơ đồ cơ sở kinh doanh lưu trú, phòng trọ. Đặc biệt, phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ lưu trú qua đêm. Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. Trong khi đó, như PV đã nêu, Khu du lịch này hiện đang mời chào khách sử dụng dịch vụ lưu trú qua đêm. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận