24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phương Tùng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự án Nhà máy điện mặt trời "tàn sát" 5,2ha rừng do nhầm lẫn: Cần điều tra xác minh trách nhiệm pháp lý?

Chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đổ lỗi do nhà thầu thi công nhầm lẫn dẫn đến phá 5,26ha đất rừng phòng hộ. Luật sư cho rằng, đây là lý do khó chấp nhận với dự án lớn và vụ phá rừng, có dấu hiệu phạm vào tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai và hủy hoại rừng.

'Nhầm lẫn' phá rừng là điều khó chấp nhận!

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (gồm 3 nhà máy 1, 2, 3) có diện tích 380ha tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), tổng vốn đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng do Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch (thuộc BCG ENERGY - Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) làm chủ đầu tư.

Lãnh đạo Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch thừa nhận, trong quá trình thi công giai đoạn 2 của dự án đã xâm lấn ra ngoài mốc giới được Nhà nước giao đất, khoảng 5,26ha đất rừng phòng hộ tại xã Mỹ An.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc đi lại giữa TP.HCM và Bình Định gặp khó khăn, chủ đầu tư chủ yếu quản lý qua điện thoại, việc thi công trực tiếp giai đoạn 2 của dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ được giao cho các nhà thầu thực hiện.

Trong quá trình thi công, nhà thầu đã "nhầm lẫn" dẫn đến việc chặt phá cây, san ủi rừng phòng hộ, bên ngoài phần đất của dự án.

Dự án Nhà máy điện mặt trời "tàn sát" 5,2ha rừng do nhầm lẫn: Cần điều tra xác minh trách nhiệm pháp lý?
Rừng phòng hộ ở xã Mỹ An bị phá bật gốc, nằm la liệt khiến người dân xót xa. Ảnh: Dũ Tuấn.

Tuy nhiên, người dân xã Mỹ An tỏ ra bức xúc trước việc chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ lấy lý do việc phá 5,26ha rừng phòng hộ là do nhà thầu "nhầm lẫn".

Bởi, theo người dân việc phá rừng diễn ra chủ yếu vào ban đêm, máy móc ầm ầm kéo đến cưa đổ hàng loạt cây phi lao trong khu rừng phòng hộ ven biển.

Sau khi cưa hạ, công nhân tổ chức dọn dẹp cây, lá sạch sẽ tại hiện trường. Mỗi sáng, họ lại phát hiện khu rừng phòng hộ "lộ" thêm một khu đất trống và doanh nghiệp phá rừng kiểu lén lút không thể gọi là nhầm lẫn?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Trần Duyên (Duyên Trần) – Công ty Luật Hợp danh FDVN khẳng định, theo nội dung Báo Dân Việt phản ánh, nếu Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch thừa nhận, trong quá trình thi công giai đoạn 2 của dự án đã xâm lấn ra ngoài mốc giới được Nhà nước giao đất khoảng 5,26ha tại xã Mỹ An và đã chặt phá, san ủi mặt bằng diện tích trên, thì đó là hành vi chặt, phá rừng trái quy định pháp luật và bị nghiêm cấm theo khoản 1 Điều 9, Luật Lâm Nghiệp 2017.

"Việc viện lý do dịch bệnh Covid-19 và cho rằng nhà thầu thi công đã "nhầm lẫn" dẫn đến việc chặt phá cây, san ủi ra bên ngoài phần đất của dự án là khó chấp nhận với một dự án lớn như vậy và vai trò của chủ đầu tư là rất quan trọng", luật sư Duyên Trần cho hay.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đang triển khai gian đoạn 2. CLIP: Dũ Tuấn.

Theo luật sư Duyên Trần, trong trường hợp này, dịch bệnh Covid-19 không được xem là trường hợp bất khả kháng để miễn trừ trách nhiệm của các bên.

Quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, theo nội dung phản ánh của báo, việc lấn chiếm, chặt phá hơn 5ha rừng phòng hộ không phải được thực hiện "một sớm một chiều" mà kéo dài nhiều ngày liền, kể cả ban đêm.

Do đó, đơn vị thi công hoàn toàn có thể nắm thông tin từ phía người dân, báo cáo kiểm tra với chủ đầu tư để xác định lại ranh giới đất được giao. Nhưng, các bên vẫn tiếp tục thực hiện chặt phá rừng, san lấp mặt bằng, dẫn đến nhiều hecta rừng phòng hộ bị "xoá sổ".

Cần xem xét trách nhiệm của các bên là đơn vị thi công, chủ đầu tư, chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ và các cấp quản lý UBND xã, huyện, tỉnh.

Đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công: phải xem xét đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng đất và chặt phá rừng.

Đối với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ, các cấp quản lý: Là các đơn vị quản lý và chịu trách nhiệm đối với rừng phòng hộ nhưng chưa làm tốt công tác bảo vệ rừng.

Mặc dù vụ việc diễn ra khá nghiêm trọng, nhưng chủ rừng không nắm được và không có báo cáo để xử lý kịp thời.

"Vì vậy, cần điều tra xác minh có hay không có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che, dung túng cho hành vi vi phạm hoặc thiếu trách nhiệm dẫn đến việc rừng phòng hộ bị chặt phá. Tùy tính chất mức độ của hành vi, thực tế của sự việc có thể bị xử lý hình sự về các tội danh khác nhau như: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 BLHS, Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 BLHS hoặc các tội khác theo quy định pháp luật", luật sư nhận định.

Dự án Nhà máy điện mặt trời "tàn sát" 5,2ha rừng do nhầm lẫn: Cần điều tra xác minh trách nhiệm pháp lý?
Luật sư Duyên Trần – Công ty Luật Hợp danh FDVN. Ảnh: LC.

Không có cơ sở 'hoán đổi' rừng bị phá trái phép?

Luật sư Duyên Trần – Công ty Luật Hợp danh FDVN cho rằng, việc lấn đất, chặt phá rừng là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật và hậu quả đã gây thiệt hại tới hơn 5ha rừng phòng hộ.

Cần điều tra xác minh các thông tin, để có kết luận cụ thể về vấn đề này, nếu có sự việc trên thì chủ dự án có thể bị xử lý tránh nhiệm pháp lý.

Đặc biệt, nếu có chứng cứ chứng minh rõ ràng các vấn đề thì thậm chí, chủ dự án và các bên liên quan có thể có dấu hiệu đã phạm vào Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai theo Điều 228 và Tội hủy hoại rừng theo quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Tuy nhiên, vấn đề cần phải điều ra, làm rõ các tình tiết, dấu hiệu liên quan mới có thể có những kết luận chính xác.

Hơn 5,2ha rừng phòng hộ ven biển hàng chục năm tuổi bị xâm hại. CLI[: Dũ Tuấn.

Trước việc đại diện chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đề xuất hướng khắc phục, trong phần đất được cấp của dự án còn 11,2ha chưa được doanh nghiệp đụng đến, vẫn còn nguyên. Nếu được lãnh đạo tỉnh Bình Định cho phép, doanh nghiệp xin trả lại 11,2ha này và hoán đổi phần đất 5,26ha vừa bị chặt phá.

Luật sư Duyên Trần cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, Điều 136 Luật Đất đai 2013, rừng phòng hộ chỉ được giao cho tổ chức, cá nhân, rừng phòng hộ chỉ được giao cho tổ chức, cá nhân để quản lý, bảo vệ, trồng rừng, phát triển rừng vì tính chất đặc biệt và quan trọng của nó.

Do đó, việc chủ đầu tư xin trả lại 11,2ha đất đã giao cho doanh nghiệp và hoán đổi phần đất 5,26ha rừng phòng hộ vừa bị chặt phá, không có cơ sở theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, mỗi vị trí đất giao đầu tư dự án dựa trên là đã có tính toán, đặc biệt đây là đất rừng phòng hộ nên vị trí quan trọng, việc đồng ý hay không sẽ thuộc cơ quan đã từng quyết định chủ trương đầu tư, tuy nhiên cần xem xét đến điều kiện môi trường, tài nguyên, sinh thái....

"Không thể khắc phục lỗi của doanh nghiệp bằng cách chạy theo đề xuất doanh nghiệp và không tuân thủ theo quy định của pháp luật. Điều này, sẽ tạo tiền lệ xấu dẫn tới nhiều sai phạm nghiêm trọng sau này", luật sư Duyên Trần nhấn mạnh.

Dự án Nhà máy điện mặt trời "tàn sát" 5,2ha rừng do nhầm lẫn: Cần điều tra xác minh trách nhiệm pháp lý?

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đang triển khai tại xã Mỹ An. Ảnh: Dũ Tuấn.

Luật sư Duyên Trần khẳng định, vai trò của rừng là vô cùng quan trọng, hệ quả của việc phá rừng là khủng khiếp.

Do đó, bất cứ trường hợp vi phạm nào cũng phải cần điều tra, xác minh và xử lý nghiêm, đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi cũng như các cơ quan quản lý. Với các hành vi đã hoàn thành, có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì cần xử lý đúng để đảm bảo pháp luật được thực thi.

Dự án điện mặt trời lớn nhất Bình Định phá rừng do nhầm lẫn?

Năm 2020, dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ được Công ty CP phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch (thuộc BCG ENERGY - Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Bamboo Capital) làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng tại 2 xã Mỹ An và Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ).

Ðây là nhà máy năng lượng mặt trời có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Ðịnh với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 380ha, chia thành 2 giai đoạn bao gồm 3 nhà máy 1, 2 và 3. Cuối năm 2020, giai đoạn 1 của dự án đã được đưa vào vận hành và hiện đang triển khai thi công giai đoạn 2.

Chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ đổ lỗi do nhà thầu thi công nhầm lẫn dẫn đến việc xâm chiếm, phá 5,26ha đất rừng phòng hộ. Vì vậy, đã đình chỉ, buộc dừng công việc đối với nhà thầu thi công gói thầu có xảy ra vi phạm nói trên là Công ty TNHH xây dựng tổng hợp Phước Hưng và đang chờ xử lý của UBND tỉnh Bình Định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả