Dự án Khu đô thị Gia Lâm (Hà Nội): Vì sao VIDIFI xin rút?
Mới đây, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đơn vị này thoái số vốn 97,6 tỷ đồng đã góp vào doanh nghiệp đầu tư Dự án Khu đô thị Gia Lâm và chuyển nhượng toàn bộ quyền góp vốn hơn 2.700 tỷ đồng của VIDIFI vào dự án này.
VIDIFI được giao phối hợp triển khai Dự án Khu đô thị Gia Lâm nhằm hoàn vốn cho dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Lê Tiên
VIDIFI cho biết, Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Thường trực Chính phủ quyết định giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì huy động vốn và thành lập VIDIFI để thực hiện hợp đồng BOT theo cơ chế thí điểm quy định tại Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007. Dự án được khởi công ngày 19/5/2008 và hoàn thành, đưa vào khai thác toàn bộ ngày 5/12/2015.
Về phương án tài chính của Dự án, Nhà nước tham gia 30 - 50% tổng vốn đầu tư, phần còn lại do Nhà đầu tư tham gia vốn và được hoàn vốn đầu tư bằng thu phí. Tuy nhiên, năm 2007, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, không thể bố trí vốn nhà nước để tham gia Dự án ngay từ đầu theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, đối với phần tham gia trực tiếp của Nhà nước (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng – GPMB là 4.069 tỷ đồng), tháng 5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho VIDIFI vay VDB để chuyển toàn bộ số tiền này cho các địa phương thực hiện GPMB từ năm 2008 - 2010. Do không thể bố trí vốn ngay, Nhà nước bố trí hoàn trả dần khoản tiền bồi thường GPMB, trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Đối với khoản vay nước ngoài 300 triệu USD, Chính phủ bảo lãnh cho VDB vay vốn và cho VIDIFI vay lại để thực hiện Dự án. Nhà nước sẽ trả dần các khoản nợ gốc của các khoản vay trên khi đến hạn theo hợp đồng vay (thời gian từ 13 - 30 năm). Còn một phần vốn tham gia của Nhà nước vào Dự án được bố trí từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các khu đô thị, khu công nghiệp được hình thành sau khi xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ cho phép VIDIFI được sử dụng 4.723 tỷ đồng tiền sử dụng đất của Dự án Khu đô thị Gia Lâm để hoàn vốn đầu tư Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Từ khi Dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khởi công đến nay đã hơn 10 năm, các khoản Nhà nước cam kết hoàn trả cho Nhà đầu tư vẫn chưa được thực hiện. Hiện VIDIFI đang phải tiếp tục vay VDB các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước theo cam kết với lãi suất bình quân 10%/năm. Tính đến cuối năm 2018, chi phí lãi vay phát sinh thêm do các khoản hỗ trợ của Nhà nước chưa thực hiện ước khoảng 800 tỷ đồng.
Để hoàn vốn cho dự án BOT nêu trên, VIDIFI đã phối hợp với đối tác để triển khai Dự án Khu đô thị Gia Lâm, thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Gia Lâm, vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án là 18.706 tỷ đồng, vốn góp của VIDIFI là 15%, tương ứng 2.806 tỷ đồng nhưng VIDIFI mới chỉ góp 97,7 tỷ đồng, số vốn điều lệ VIDIFI cần phải góp thêm là 2.708 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc VIDIFI, VIDIFI không có tiền để góp vốn điều lệ bổ sung vào doanh nghiệp dự án và đã báo cáo việc này với VDB (cổ đông chi phối chiếm 96,97% vốn điều lệ của VIDIFI). Tuy nhiên, VDB cũng không có vốn để tiếp tục góp vào VIDIFI. Do VIDIFI không góp đủ vốn điều lệ mà theo quy định hiện hành, nếu để một thời gian nhất định, VIDIFI không góp vốn thì sẽ mất quyền góp vốn và nếu không báo cáo các cấp về việc chuyển nhượng quyền góp vốn thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của VIDIFI.
Đại diện VIDIFI cũng cho biết, năng lực và khả năng tài chính trong giai đoạn hiện nay của VIDIFI rất khó khăn, không đáp ứng đủ điều kiện để tiếp tục tham gia góp vốn đối với dự án có tổng mức đầu tư rất lớn. Do đó, việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp và quyền góp vốn của VIDIFI tại doanh nghiệp dự án nêu trên là cần thiết. Trong điều kiện hiện nay, VIDIFI không thể đánh giá và đề xuất cụ thể tính hiệu quả của việc tiếp tục tham gia cũng như phương án thoái vốn. Lý do là việc đánh giá, phân tích hiệu quả khi tiếp tục tham gia hoặc thoái vốn phụ thuộc vào tính chất đặc thù của các dự án bất động sản, phụ thuộc nhiều vào thị trường, phụ thuộc vào phương thức triển khai của chủ đầu tư. Và đặc biệt là VIDIFI không có vốn nên không nhất thiết phải đánh giá tính hiệu quả của việc thoái vốn. Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương, việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp và quyền góp vốn sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về doanh nghiệp, điều lệ của VIDIFI và pháp luật có liên quan, trên nguyên tắc đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận