menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Thị Trương

Dự án Five Star West Lake không qua đấu giá, kẽ hở gây thất thoát ngân sách Nhà nước

Dự án 167 Thụy Khuê (Five Star West Lake) do Tập đoàn GFS làm chủ đầu tư không đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, là kẽ hở gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách Nhà nước

Điều này được Thanh tra Chính phủ nêu ra tại thông báo kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay, việc chuyển đổi, chuyển nhượng, nhà đất của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP Hà Nội giai đoạn 2003-2016 vừa công bố.

Theo đó, về việc triển khai thực hiện công tác di dời và chuyển mục đích sử dụng đất, Thanh tra Chính phủ kết luận, theo quy định tại Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất cũ phải di dời được phép hợp tác đầu tư với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, do không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể, nên các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước khi đưa vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.

Thanh tra Chính phủ kết luận, ngoài một số doanh nghiệp khi lựa chọn nhà đầu tư đưa lợi thế đất để đấu giá đã thu về cho Nhà nước số tiền lớn thì còn nhiều đơn vị lại không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) nên thu được thấp như: Dự án số 1 Phùng Chí Kiên, 365A Minh Khai, 69 Vũ Trọng Phụng, 47 Nguyễn Tuân, 108 Nguyễn Trãi, 44 Yên Phụ, đặc biệt là dự án 167 Thụy Khuê.

Theo cơ quan thanh tra, việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách Nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa.

Liên quan đến dự án 167 Thụy Khuê, theo tìm hiểu của phóng viên, khu đất trước đây do Công ty TNHH MTV Giầy Thụy Khuê thuộc UBND TP Hà Nội thuê đất với mục đích sản xuất. Năm 2014, công ty cổ phần hóa trở thành Công ty Cổ phần Giầy Thụy Khuê.

Khu đất 167 Thụy Khuê sau đó được giao cho Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất làm chủ đầu tư triển khai dự án Five Star West Lake, với quy mô 14 tầng nổi, 3 tầng hầm, có 32 căn để bán và 38 căn hộ dịch vụ. Dự án này quảng bá có vị trí "kim cương" 167 Thụy Khuê - 162 Hoàng Hoa Thám (Tây Hồ, Hà Nội).

Theo đánh giá của giới chuyên gia, với vị trí đắc địa thì rất nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn cũng muốn sở hữu khu đất. Vì vậy, nếu dự án được đấu giá lựa chọn nhà đầu tư khi chuyển mục đích sử dụng đất sẽ mang lại nguồn thu ngân sách khá lớn.

Các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực tài chính mạnh như Vingroup, FLC, Bitexco... thì họ sẵn sàng đầu tư. Trong khi đó, một doanh nghiệp chưa có nhiều tiếng tăm như Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất lại được lựa chọn.

Trong một báo cáo của Bộ Tài chính gửi Chính phủ năm 2017 cho thấy, khu đất 167 Thụy Khuê của Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất (đất cũ của Công ty Cổ phần Giầy Thụy Khuê) đã không tổ chức đấu giá theo quy định, trong danh sách 60 trường hợp doanh nghiệp Nhà nước được cơ quan nhà Nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Sau khi xem xét báo cáo của Bộ Tài chính, thời điểm đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (nay là Chủ tịch Quốc hội) đã yêu cầu Bộ này chuyển danh sách 60 trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất cho Thanh tra Chính phủ tham khảo, phục vụ công tác thanh tra quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra 2017 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Chủ đầu tư là ai?

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất (thường được gọi là Tập đoàn GFS) được lập ra năm 1997 khi đó là Trung tâm Quan hệ quốc tế - Đầu tư, thành viên của Tổng công ty Công trình giao thông 8 (Cienco 8) thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Dự án Five Star West Lake không qua đấu giá, kẽ hở gây thất thoát ngân sách Nhà nước

Ông Phạm Thành Công là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS. (Ảnh: Internet)

Sau khi được cổ phần hóa vào năm 2005, Tập đoàn GFS đã chuyển đổi hoạt động theo mô hình đầu tư chuyên nghiệp. Cuối năm 2019, tập đoàn này đã có tổng cộng 12 đơn vị thành viên, hoạt động trong ba lĩnh vực chính là tài chính, bất động sản, năng lượng.

Hiện nay, pháp nhân trung tâm của Tập đoàn GFS là Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất, có trụ sở chính tại số 508 đường Trường Chinh, quận Đống Đa, TP Hà Nội.

Được biết, ông Phạm Thành Công là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty, với tỷ lệ sở hữu 34,63% cổ phần. Ông Công cũng đồng thời giữ chức danh lãnh đạo của nhiều đơn vị thành viên trong hệ thống Tập đoàn GFS.

Doanh nghiệp này lấn sân vào mảng bất động sản vào năm 2014 với dự án đầu tay là Five Star Garden. Sau đó, Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất tiếp tục triển khai các dự án như Five Star Mỹ Đình, Five Star West Lake, Five Star Residence…

Về tình hình tài chính kinh doanh, trong giai đoạn 2017-2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất lần lượt ở mức 631 tỷ đồng, 508 tỷ đồng và 463 tỷ đồng, mặc dù doanh thu cao song giá vốn chiếm gần hết nên lợi nhuận gộp chỉ đạt lần lượt 7,7 tỷ đồng, 5,3 tỷ đồng và 3,6 tỷ đồng qua các năm.

Bù lại, công ty ghi nhận khoản doanh thu tài chính khá cao, nhưng cũng sụt giảm qua từng năm. Cụ thể, năm 2017 doanh thu tài chính đạt 378,8 tỷ đồng, sang năm 2018 đạt 127,6 tỷ đồng và năm 2019 ở mức 127,8 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận của Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất cũng giảm mạnh từ 328,6 tỷ đồng xuống 68 tỷ đồng rồi chỉ còn 10,4 tỷ đồng trong giai đoạn 2017-2019.

Đáng chú ý, không chỉ kinh doanh sụt giảm mà công ty còn gặp khó khăn về dòng tiền. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong giai đoạn 2017-2019, dòng tiền kinh doanh của công ty chỉ dương vào năm 2017, trong khi năm 2018 âm 278 tỷ đồng và năm 2019 âm 51 tỷ đồng.

Về cơ cấu tài sản, trong giai đoạn 2017-2019, tổng tài sản của Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất tăng từ 1.825 tỷ đồng lên 2.353 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả của công ty trong cùng giai đoạn cũng trên tăng mạnh từ 1.283 tỷ đồng lên 1.707 tỷ đồng; trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ ở mức từ 541 tỷ đồng tăng lên 646 tỷ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại