24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Duyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dự án điện khí LNG Cà Ná: Cần chọn nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm

Dự án điện khí LNG là dự án phức tạp, gồm nhiều giai đoạn với nhiều cấu phần luôn biến động và có nhiều rủi ro. Bởi vậy, ngay từ khâu lựa chọn nhà đầu tư cần chọn nhà đầu tư có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm.

Khó khăn của điện khí LNG

Trong những năm gần đây, các dự án điện từ khí LNG tại Việt Nam được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.

Khi đề nghị bổ sung Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng 4.500 MW tại Quảng Trị vào Quy hoạch điện hiện hành vào ngày 30/12/2020, Bộ Công thương cũng cho hay, tới hết tháng 11/2020, tổng công suất các nguồn điện khí LNG đã được bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2030 là khoảng 16.400 MW.

Được điểm danh có Nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 (1.500 MW), Nhiệt điện Sơn Mỹ I, II (4.500 MW), Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (3.200 MW), Trung tâm Điện lực Long Sơn (1.200 - 1.500 MW), Trung tâm Điện lực Cà Ná (1.500 MW), Nhiệt điện Long An I (1.500 MW), Nhà máy Điện Hiệp Phước (1.200 MW) và Nhiệt điện Quảng Ninh (1.500 MW).

Dự án điện khí LNG Cà Ná: Cần chọn nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm
Khu vực xây dựng Dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW. Ảnh: Báo Thanh Niên

Việc thực hiện dự án điện khí LNG không hề dễ dàng và chứa đựng rất nhiều rủi ro. Một báo cáo của Công ty Luật quốc tế Watson Farley & Williams xuất bản hồi tháng 10/2020 đã đưa ra 13 danh mục rủi ro mà nhà đầu tư dự án nhiệt điện khí LNG phải đối mặt và các công cụ giảm thiểu rủi ro tương ứng. Báo cáo nhấn mạnh, đây là những dự án phức tạp, bao gồm nhiều giai đoạn, nhiều cấu phần luôn biến động, nhiều rủi ro ở tất cả các khâu triển khai.

Hồi tháng 1/2021, Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA) cũng đã có công bố báo cáo đánh giá, một số nhà đầu tư đã đặt ra những mục tiêu tham vọng về mốc thời gian hoàn thành các giai đoạn triển khai dự án LNG, bất chấp tính phức tạp của những dự án này nói chung.

IEEFA nhận xét: "Sự thật đây là những dự án gồm nhiều giai đoạn, với nhiều cấu phần luôn biến động, nhiều rủi ro ở khâu thượng nguồn, hạ nguồn, rủi ro đối tác, rủi ro trong quá trình thi công...". Các dự án nhiệt điện khí khi triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nhiệt điện than, vốn đã phải đối mặt với tình trạng chậm tiến độ triền miên.

Ngoài ra, IEEFA cho rằng giá điện khí chắc chắn sẽ không hề rẻ. Điều này đã được các cơ quan chức năng và một số chủ đầu tư dự án thừa nhận một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong một số trường hợp, cảnh báo này được ngầm hiểu dưới lời kêu gọi hình thành cơ chế giá điện vận hành theo thị trường với chi phí nhiên liệu chuyển cho bên tiêu thụ chi trả, hoặc thông qua việc vận động sử dụng điện tiết kiệm bằng cách đề xuất tăng giá bán lẻ điện.

"Trên thế giới, các chuyên gia đều đồng thuận rằng chi phí biên của điện mặt trời, điện gió và các giải pháp pin tích trữ sẽ ngày càng giảm trong dài hạn, trong khi điều này không thể xảy ra với LNG và nhiệt điện khí LNG", báo cáo nêu.

Tại Việt Nam, trong 9 dự án đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện hiện tại, có 5 dự án đã có chủ đầu tư và có thể tiến đến bước đàm phán hợp đồng PPA với EVN. Trong khi nhiều dự án lớn như LNG Long Sơn, LNG Cà Ná, LNG Long An và LNG Quảng Ninh vẫn chưa công bố chủ đầu tư chính thức.

Bên cạnh đó, việc thu xếp vốn cho các dự án cũng không dễ dàng, bởi các dự án điện độc lập (IPP) hiện không có bảo lãnh Chính phủ. Các tổ chức tài chính khi cho vay yêu cầu dự án phải đáp ứng các yêu cầu về môi trường hoặc tương đương với tiêu chuẩn quốc tế.

Trong Công thư mới gửi Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ này làm rõ số liệu quy hoạch, tính khả thi và hiệu quả của phát triển điện khí LNG đến năm 2030 khi Dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra phương án phát triển loại năng lượng này đến năm 2030 là 23.900 MW, chiếm 16,4% tổng nguồn điện. Trong Dự thảo Quy hoạch, Bộ Công Thương đã giải thích tương đối khả thi với các số liệu tính toán đưa ra việc quy hoạch nguồn điện khí là phù hợp. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Công Thương, nhu cầu nhập khẩu LNG như trong Dự thảo là khoảng 14 - 18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỷ m3 vào năm 2045. Con số này cao hơn mục tiêu cụ thể tại Nghị quyết số 55-NQ/TW là đủ năng lực nhập khẩu LNG khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045.

Mặt khác, do xung đột Nga - Ukraine, giá đầu vào LNG nhập khẩu dao động trong phạm vi 15 - 20cent/kW trong khi giá điện thương phẩm hiện chỉ có 6 - 7 cent/kW, nên Thủ tướng cho rằng sẽ là trở ngại trong tương lai đối với việc ký kết các hợp đồng mua bán điện (PPA) giữa chủ đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì Tập đoàn sẽ phải mua đắt bán rẻ.

Bên cạnh đó, việc phụ thuộc tới 16,4% vào nguồn khí LNG nhập khẩu vào năm 2030 sẽ đặt chúng ta vào rủi ro nhập khẩu giá khí cao khi có sự biến động địa chính trị trong khu vực và quốc tế. Trong khi đó, xét về bản chất, LNG vẫn là năng lượng hóa thạch, chỉ giảm phát C02 50% so với nhiệt điện than…

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương cân nhắc, xem xét thận trọng về tỷ lệ điện khí LNG nhập khẩu đến 16,4% vào năm 2030 có khả thi và an toàn hay không, có trái tinh thần Nghị quyết 55 hay không.

Nhìn về điện khí LNG Cà Ná

Ngày 12/2/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 48/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về đề nghị bổ sung Trung tâm điện khí LNG Cà Ná vào quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Tại thông báo này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Ninh Thuận về việc giao địa phương chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà máy điện khí LNG thuộc Trung tâm điện khí LNG Cà Ná, đảm bảo các yêu cầu công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho đất nước. Việc này được thực hiện sau khi dự án được chính thức phê duyệt bổ sung quy hoạch và Bộ Công Thương có trách nhiệm giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện.

Ngày 12/12/2020, Sở KHĐT tỉnh Ninh Thuận có thông báo số 4125/TB-SKHĐT, thông báo mời quan tâm dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW.

Sau đó, thông tin từ tỉnh Ninh Thuận, đến nay, có 5 nhà đầu tư được công nhận đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW.

Đó là Liên danh Korea Consortium gồm Tổng công ty Năng lượng Hanwha - Tổng công ty Khí Hàn Quốc - Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc. Nhà đầu tư thứ 2 là Công ty Gulf MP Company Limited. Nhà đầu tư thứ 3 là Tập đoàn Jera Company Inc. Nhà đầu tư thứ 4 là liên danh Công ty Total Gaz Electricite Holding France - Công ty Novatek Gas & Power Asia Pte - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) - Công ty Siemens Energy AG - Công ty cổ phần Zarubezhneft. Nhà đầu tư thứ 5 là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam.

Theo dự kiến của tỉnh Ninh Thuận, cuối tháng 12/2021, tỉnh này sẽ phát hành hồ sơ mời thầu dự án LNG Cà Ná.

Thế nhưng, đến nay đã là tháng 6/2022 vẫn chưa thấy tỉnh Ninh Thuận công bố hồ sơ mời thàu. Điều này cho thấy, tính phức tạp của dự án điện khí LNG ngay từ khâu chuẩn bị mời thầu, chưa kể đến quá trình đàm phán, thực hiện dự án về sau.

Dự án LNG Cà Ná là dự án lớn được sự quan tâm sát sao từ Chính phủ đến các bộ, ngành.

Ngày 23/8/2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 69/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ về lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW.

Tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong quá trình lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận phải phối hợp chặt chẽ và thống nhất với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt nam về các tiêu chí và giải pháp kỹ thuật cần thiết để lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực quản lý, tài chính, kinh nghiệm, kỹ thuật – công nghệ tiên tiến, hiện đại và tối ưu nhất theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tháng 6/2020, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản số 4048/BCT-ĐL về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến dự án LNG Cà Ná gửi UBND tỉnh Ninh Thuận.

Theo văn bản số 4048, tiêu chí đầu tiên về yêu cầu năng lực và kinh nghiệm đối với nhà đầu tư thực hiện dự án LNG Cà Ná là “Có kinh nghiệm thực hiện chuỗi các dự án khí – điện LNG có quy mô, công suất tương tự”. Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Công Thương lại đưa tiêu chí này lên hàng đầu trong phần yêu cầu năng lực và kinh nghiệm đối với nhà đầu tư.

Với tiêu chí này, gần như không có nhà đầu tư nào trong nước đáp ứng được. Bởi dự án khí – điện LNG có quy mô tương tự dự án LNG Cà Ná, vẫn đang còn nhiều vướng mắc chưa thể triển khai.

Như Báo cáo của IEEFA hồi tháng 1/2021 đã nêu, quan sát kỹ các diễn biến trên thị trường thời gian qua cho thấy, các đề xuất dự án LNG đình đám nhất đa phần thuộc các nhà đầu tư có ít kinh nghiệm và năng lực tài chính không rõ ràng. “Các đơn vị đứng sau các dự án như LNG Bạc Liêu với vốn đầu tư 4 tỷ USD hay LNG Chân Mây với vốn đầu tư 6 tỷ USD đều là những doanh nghiệp mới được thành lập trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây. Những doanh nghiệp này do một vài cá nhân sở hữu, điều hành và dường như thiếu các cổ đông tổ chức có kinh nghiệm trong ngành dầu khí hoặc điện lực”, Báo cáo viết.

Tại dự án LNG Bạc Liêu do Công ty Delta Offshore Energy Pte.Ltd (của Singapore làm chủ đầu tư và Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC) và các đối tác. Dự án có tổng công suất 3.200MW, tổng nguồn vốn đầu tư tương đương 4 tỷ USD, được UBND tỉnh Bạc Liêu trao Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ ngày 21/1/2020. Thế nhưng, đến nay dự án này vẫn đang phát sinh những vướng mắc và chưa thể khởi công xây dựng.

Một dự án LNG khác là LNG Nhơn Trạch 3 và 4, công suất 1.500MW. Dự án trước đây do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, để giảm áp lực cho PVN trong việc thu xếp vốn cho các dự án, Tập đoàn đã đề xuất giao dự án LNG Nhơn Trạch 3 và 4 cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) thực hiện. PV Power là nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, với 4 nhà máy điện khí đang vận hành, hơn 15 năm kinh nghiệm đầu tư và vận hành các dự án điện, cùng đội ngũ nhân sự kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và vận hành. Thế nhưng, PV Power cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc tại dự án LNG Nhơn Trạch 3 và 4.

Dự án LNG Cà Ná là dự án lớn của tỉnh Ninh Thuận. Để dự án có thể triển khai suôn sẻ, thuận lợi, yếu tố tài chính và kinh nghiệm thực hiện chuỗi dự án điện khí LNG không thể tách rời trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả