Dự án cầu đường dài hơn 800m nối 2 tỉnh nhưng sau 2 năm vẫn ngổn ngang
Để liên kết vùng, tạo thuận lợi vận chuyển hàng hóa, giúp người dân đi lại dễ dàng, tỉnh Bình Dương và Tây Ninh thống nhất phối hợp triển khai dự án cầu đường có chiều dài hơn 800m với tổng kinh phí gần 370 tỉ đồng. Dự án dự kiến sau 15 tháng triển khai sẽ hoàn thành nhưng đến nay còn ngổn ngang không chỉ gây bức xúc trong dư luận, đến lãnh đạo địa phương cũng phải “lắc đầu ngao ngán”.
Theo đó, Dự án xây dựng đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh được phê duyệt cuối năm 2019, đến giữa năm 2020 thì khởi công xây dựng. Đây là công trình giao thông cấp II có quy mô 6 làn xe với mặt cắt ngang 25,5m, cùng dải an toàn, lề bộ hành, gờ chắn bánh và lan can. Công trình được xây dựng tại huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) và huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh).
Dự án có chiều dài 800,39m, phần đường dẫn phía tỉnh Bình Dương dài 377,7m; phần đường dẫn phía tỉnh Tây Ninh dài 92,2m. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 369,98 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 288,717 tỉ đồng. Phần đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, có vận tốc thiết kế 80km/h. Phần cầu được bê tông cốt thép dự ứng lực, tuổi thọ thiết kế 100 năm.
Vào thời điểm khởi công dự án, lãnh đạo hai tỉnh đánh giá, việc dự án ra đời có ý nghĩa rất quan trọng. Dự án tạo bước đột phá trong kết nối vùng, thúc đẩy phát triển không chỉ hai địa phương mà còn cả khu vực Đông Nam Bộ.
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi trong chuyến đi khảo sát tất cả các công trình đầu tư công trên địa bàn, đã trực tiếp đến dự án cầu đường nối Bình Dương và Tây Ninh.
Sau khi kiểm tra, ông Lợi nói rằng đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 nên có ý nghĩa rất lớn nhưng tiến độ thi công chậm khiến ông không hài lòng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, ban đầu, dự án dự kiến thi công trong 15 tháng sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn còn ngổn ngang. “Trễ thì đã trễ rồi, nhưng không được trễ nữa, phải làm ngày, làm đêm, không hẹn lần đến lần khác nữa, gấp rút thi công nhưng đừng quên rằng phải đảm bảo công trình đạt kỹ thuật như đã phê duyệt”, lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Nói về lý do chậm trễ dự án, phía đơn vị thi công cho rằng, có hai cản trở lớn nhất là ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thời tiết mưa nhiều. Hiện tại, phần đường dẫn phía tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành 80% và phía tỉnh Bình Dương đã hoàn thành 60%. Do đó, đơn vị thi công hứa đến đầu tháng 9/2022 sẽ hoàn thành toàn bộ. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận