Dow Jones tăng điểm nhờ cổ phiếu Boeing, S&P 500 nhích gần đến kỷ lục
Năm nay, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 15%, chủ yếu nhờ FED phát tín hiệu không nâng lãi suất trong 2019...
Chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 đang cao điểm và cũng nhờ cú huých từ cổ phiếu Boeing.
Theo tin từ CNBC, Dow Jones kết thúc phiên với mức tăng 0,26%, đạt 26.452,66 điểm, trong đó dẫn đầu là cổ phiếu Boeing với mức tăng 1,7%.
Cổ phiếu tập đoàn chế tạo máy bay lớn nhất thế giới tăng mạnh sau khi Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) nói trong một báo cáo rằng cập nhật phần mềm mà Boeing đã đề xuất đối với dòng máy bay 737 Max là "phù hợp về mặt vận hành".
Chỉ số Nasdaq tăng 0,3% khi đóng cửa, đạt 8.000,23 điểm.
Dù chỉ tăng 0,05%, đây là phiên đi lên thứ 12 trong 14 phiên trở lại đây của chỉ số S&P 500, nhờ lực tăng của nhóm cổ phiếu tài chính. Chốt ở mức 2.907,06 điểm, S&P 500 đang nhích gần tới 2.940 điểm, mức đóng cửa cao kỷ lục thiết lập vào tháng 9 năm ngoái.
"Chất xúc tác cần thiết để thử đỉnh cao mọi thời đại 2.940 điểm là các báo cáo lợi nhuận", ông jeff Killburg, Giám đốc điều hành của KKM Financial, nhận xét. "Nếu chúng ta tiếp tục đón nhận những báo cáo lợi nhuận vượt dự báo, thì chỉ số có thể lập một kỷ lục mới".
Cổ phiếu công ty dược phẩm Johnson & Johnson tăng 1,1% nhờ kết quả kinh doanh quý 1 tốt hơn dự báo. Cổ phiếu công ty quản lý quỹ BlackRock và ngân hàng Bank of America cũng chốt phiên trong trạng thái "xanh" nhờ lợi nhuận khả quan.
"Một loạt báo cáo tốt vừa được đưa ra. Điều này giúp thị trường giải tỏa bớt những nỗi lo xuất hiện trước khi bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh", ông Killburg nói.
Nhóm cổ phiếu y tế giảm hơn 2% trong phiên này, gây sức ép lên các chỉ số chính, do giới đầu tư lo ngại về đề xuất thay đổi các quy định về bảo hiểm y tế mà các nghị sỹ Dân chủ đang đưa ra trong Quốc hội Mỹ. Cổ phiếu UnitedHealth đóng cửa với mức giảm 4,1%, dù trong phiên có lúc tăng 3% do báo cáo lợi nhuận tốt.
Phiên này, thị trường còn được hỗ trợ bởi phát biểu mềm mỏng của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chủ tịch FED chi nhánh Boston, ông Eric Rosengren nói rằng FED ở thời điểm hiện tại không cần phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. "Chúng tôi cần tiếp tục theo dõi những gì xảy ra về vấn đề ổn định tài chính", ông Rosengren nói.
Chủ tịch FED chi nhánh Chicago thì nói rằng lãi suất FED có thể duy trì ở mức hiện tại cho tới mùa thu 2020. "Đối với tôi, việc đó sẽ giúp hỗ trợ triển vọng lạm phát và đưa lạm phát lên ngưỡng bền vững", ông nói.
Năm nay, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 15%, chủ yếu nhờ FED phát tín hiệu không nâng lãi suất trong 2019. Năm ngoái, FED đã nâng lãi suất 4 lần.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc BlackRock, ông Larry Fink lại tỏ ra lo ngại, vì cho rằng FED và các ngân hàng trung ương khác đã trở nên "mềm mỏng hơn bao giờ hết", mà tiền vẫn chưa vào mạnh thị trường.
"Thị trường đã đi lên, nhưng tiền vẫn chưa vào nhiều. Lượng tiền mặt mà giới đầu tư nắm giữ vẫn đang ở mức kỷ lục. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ và nhà đầu tư tổ chức vẫn thoái vốn khỏi chứng khoán".
Trong một diễn biến khác, hai "ông lớn" công nghệ là Qualcomm và Apple đã nhất trí giải quyết tranh chấp pháp lý về bằng sáng chế. Thông tin này đưa cổ phiếu Qualcomm tăng 23,2%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ 1999.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận