Dow Jones biến động hơn 700 điểm trong 15 phút
Chỉ số Dow Jones biến động cực mạnh trong ngày thứ Tư (25/03), sau khi tăng 11% trong phiên trước nhờ hy vọng về gói kích thích tài khóa 2.000 tỷ đô.
Mới đây, Nhà Trắng và Thượng viện Mỹ đã tiến tới thỏa thuận về gói kích thích trị giá 2.000 tỷ đô.
Tính tới lúc 21h ngày thứ Tư (25/03), chỉ số Dow Jones đã quay đầu giảm hơn 77 điểm, sau khi tăng hơn 700 điểm lúc mở phiên. S&P 500 đã quay đầu giảm 1,3% sau khi tăng 2,1% vào đầu phiên. Tương tự, Nasdaq Composite giảm 1,67% sau khi tăng 1,6% vào đầu phiên.
Nguồn: CNBC |
Thị trường lại trở về thế giằng co, sau khi Dow Jones tăng hơn 2.100 điểm (hơn 11%) trong ngày thứ Ba (24/03), đánh dấu phiên tăng mạnh nhất về phương diện phần trăm kể từ năm 1933 và phiên tăng điểm tuyệt đối kỷ lục. S&P 500 tăng 9,4% và ghi nhận phiên leo dốc mạnh nhất kể từ tháng 10/2008.
Vào đầu ngày thứ Tư (25/03), Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo ở Thượng Viện đã tiến tới thỏa thuận về gói kích thích 2 ngàn tỷ USD.
“Thưa ông bà, chúng tôi đã hoàn tất thỏa thuận”, Eric Ueland, Giám đốc về các vấn đề lập pháp của Nhà Trắng, cho biết trước lúc 1h sáng (giờ ET).
Ngày thứ Tư (25/03), cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cho biết nền kinh tế Mỹ sẽ nhanh chóng phục hồi sau đà suy thoái “rất mạnh”.
“Nếu không có quá nhiều thiệt hại tới lực lượng lao động, tới doanh nghiệp trong giai đoạn phong tỏa thì chúng ta có thể chứng kiến đà phục hồi khá nhanh chóng”, ông Bernanke cho biết.
Ông nói thêm tình hình hiện tại “giống với một cơn bão tuyết lớn” hơn là cuộc Đại Suy thoái.
Ông cũng thừa nhận Chủ tịch FED đương nhiệm Jerome Powell đã hành động nhanh chóng để giảm thiểu thiệt hại kinh tế từ đại dịch Covid-19. “Tôi nghĩ FED đã cực kỳ chủ động và Jay Powell và cộng sự đã làm việc cực kỳ vất vả và đi trước tình hình. Họ đã cho thấy họ có thể thiết lập hàng loạt chương trình đa dạng để giúp nền kinh tế vận hành trong giai đoạn đóng cửa”.
Dù vậy, một số nhà đầu tư nghĩ rằng tình hình nhiễm virus trên toàn cầu phải được cải thiện trước khi thị trường có thể tạo đáy.
Ông Peter Oppenheimer, Trưởng bộ phận cổ phiếu toàn cầu tại Goldman Sachs, nhận định có 4 “thành tố” giúp ổn định thị trường tại thời điểm này: “(1) tín hiệu cho thấy động thái can thiệp chính sách đủ để ngăn chặn cú sốc kinh tế; (2) tín hiệu cho thấy tỷ lệ lây nhiễm đã đạt đỉnh; (3) tín hiệu cho thấy đà giảm tốc kinh tế đã chậm lại; và (4) mức định giá rẻ”.
“Trên thực tế, chúng tôi tin thị trường cần cả 4 yếu tố trên để ổn định trở lại và trong một số trường hợp, đã có một vài tín hiệu trên xuất hiện”, ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận