Dòng vốn ngoại đang rời Trung Quốc ra sao?
Vốn ngoại rời Trung Quốc năm nay có thể gấp đôi 2021 khi nhà đầu tư e ngại các chính sách kinh tế, chống dịch, đối ngoại của Bắc Kinh.
Jing’an Century là một khu dân cư với hồ nước và cây cối xanh tốt ở phía bắc Thượng Hải. Lẽ ra nó phải nhộn nhịp hoạt động khi các căn hộ được hoàn thiện. Nhưng việc thành phố 25 triệu dân bị phong tỏa trong hai tháng đã buộc nhà phát triển Yanlord phải dừng xây dựng.
Người mua nhà Trung Quốc trước đó đã gặp khó khăn khi một số nhà phát triển bất động sản lớn nhất nước vỡ nợ trái phiếu. Giờ đến lượt Yanlord - vốn được xem là uy tín - cũng buộc phải thông báo giao nhà trễ hạn. Việc phong tỏa khiến công nhân, vật liệu xây dựng và nhân viên môi giới không thể đến được địa điểm xây dựng. Doanh số bán nhà của Yanlord đã giảm hơn 80% trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc không mới. Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng lo ngại hơn.
Trong hơn một năm, các chính sách của Bắc Kinh đã tác động sâu sắc đến các thị trường toàn cầu, và là một tác động "đau đớn", theo The Economist. Khoảng 2.000 USD giá trị cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong và New York bị "thổi bay". Các kế hoạch IPO mới trên hai sàn này gần như dừng trong năm nay.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Dealogic, các công ty bất động sản của Trung Quốc chỉ bán được 280 triệu USD trái phiếu có lợi suất cao vào năm 2022, giảm so với 15,6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Tại Trung Quốc, giá trị tài sản bằng đồng nhân dân tệ do người nước ngoài nắm giữ đã giảm hơn một triệu nhân dân tệ (150 tỷ USD) trong ba tháng đầu năm 2022, mức giảm lớn nhất từ trước đến nay. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo rằng tổng số vốn 300 tỷ USD sẽ chảy ra khỏi Trung Quốc trong năm nay, tăng từ mức 129 tỷ USD vào năm 2021.
Thị trường nội địa từng là một trong những mấu chốt trong quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Các nhà tài chính phương Tây tăng cường đổ tiền vào vì niềm tin thị trường này sẽ tiếp tục cởi mở và mang lại lợi nhuận cao. Ngay cả khi quan hệ Mỹ - Trung Quốc căng thẳng dưới thời Trump, sự hào hứng của các nhà đầu tư nước ngoài với chứng khoán Trung Quốc không ảnh hưởng.
Thậm chí, khi quan hệ với phương Tây xấu đi, các nhà quản lý ở Bắc Kinh còn bắt đầu xúc tiến các cải cách đã hứa từ lâu, cho phép các tập đoàn tài chính nước ngoài sở hữu hoàn toàn các hoạt động kinh doanh ở đại lục. Và phương Tây đã đáp lại. Năm 2018, MSCI, công ty nghiên cứu đầu tư cung cấp các chỉ số chứng khoán Morgan Stanley Capital International, đã thêm cổ phiếu của Trung Quốc vào chỉ số các thị trường mới nổi hàng đầu của mình, dẫn đến một luồng gió mới vào chứng khoán Trung Quốc.
Từ đầu năm 2017 đến đỉnh điểm vào cuối năm 2021, tỷ lệ người nước ngoài nắm giữ tài sản bằng đồng nhân dân tệ (cổ phiếu, trái phiếu, khoản vay và tiền gửi) đã tăng hơn gấp ba lần, từ khoảng 3 triệu nhân dân tệ lên 10,8 triệu nhân dân tệ.
Niềm vui đó đang nhanh chóng tắt lịm. Hugh Young, Giám đốc công ty quản lý tài sản Aberdeen, cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã quá nhiệt tình với Trung Quốc trong những năm gần đây và chọn cách phớt lờ rủi ro. Giờ đây, khi chứng kiến quan điểm của nước này với khủng hoảng Ukraine, các nhà đầu tư phải cân nhắc lại những rủi ro liên quan.
"Rủi ro chính sách đã tăng lên rõ rệt", Neil Shearing, Nhà kinh tế trưởng của Capital Economics, nhận xét.
Một số nhóm đầu tư hàng đầu đang công khai những quan điểm này. Công ty quản lý tài sản BlackRock, mới đây đã điều chỉnh khuyến nghị chứng khoán Trung Quốc trong 6-12 tháng tới từ "mua thêm" sang "trung lập". Ngân hàng tư nhân Julius Baer, cho biết vào tháng 4 rằng họ đã dừng lời kêu gọi kéo dài 5 năm qua về việc "chứng khoán Trung Quốc là một loại tài sản cốt lõi".
Sự thay đổi này đã góp phần vào việc nước ngoài bán tháo cổ phiếu và trái phiếu. Đà bán trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ cũng được thúc đẩy bởi đồng tiền yếu hơn và lãi suất cao hơn ở Mỹ. Giá trị cổ phiếu do nước ngoài nắm giữ ở Trung Quốc đã giảm gần 20% trong ba tháng đầu năm, tương đương khoảng 755 tỷ nhân dân tệ. Phần lớn sự sụt giảm này được giải thích là do định giá cổ phiếu giảm. Chỉ số CSI300 đã mất hơn 17% kể từ đầu năm.
Khối ngoại cũng đang giảm tỷ lệ nắm giữ tại thị trường chứng khoán Trung Quốc từ khoảng 4,3% vào cuối năm 2021 xuống chỉ còn dưới 4% vào tháng 3. Nhóm nghiên cứu Gavekal tính toán rằng tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại đã giảm khoảng 2% từ đầu năm đến nay. Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất hôm 20/5 có thể khơi dậy tâm lý. Nhưng một số nhà đầu tư kỳ vọng sự rõ ràng hơn về chính sách kinh tế.
Nhiều nhà đầu tư coi năm 2022 là thời điểm định hướng chính sách tương lai Trung Quốc, khi nước này tổ chức Đại hội Đảng vào mùa thu tới. S&P cảnh báo hôm 19/5 rằng các cú sốc chính sách với giáo dục, nhà ở, lao động và phúc lợi xã hội sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm.
Nikolaj Schmidt, Nhà kinh tế quốc tế trưởng của công ty quản lý đầu tư T. Rowe Price, cho rằng giới đầu tư toàn cầu đã nắm bắt chậm tầm quan trọng của những thay đổi chính sách ở Trung Quốc. Theo vị này, không có khả năng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường.
Gene Ma, Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của IIF, dự báo có sự phân hóa ngày càng tăng giữa các nhà đầu tư bên ngoài và những người đã có văn phòng lớn và đang phát triển ở đại lục. Nhiều đơn vị đã hiện diện tại đây vài thập kỷ và đang tiếp tục thuê thêm nhân viên. Ngược lại, các nhà đầu tư tiếp cận thị trường đại lục thông qua Hong Kong có thể tiếp tục giảm tỷ lệ nắm giữ tài sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận