Dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn đang khá tích cực
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đạt 19,12 tỷ USD, thấp hơn 2,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Toàn - Chuyên gia kinh tế – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - cho rằng:
Ông đánh giá như thế nào về kết quả thu hút và giải ngân vốn FDI trong 8 tháng đầu năm vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố?
8 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút được 19,12 tỷ USD vốn FDI, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả này thấp hơn 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng theo tôi vẫn rất khả quan, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Còn tại Việt Nam, thời gian qua chúng ta cũng thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách để phòng, chống Covid-19, gây hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và triển khai dự án tại Việt Nam. Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thu hút FDI những tháng đầu năm 2021.
Đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm có tới 1.135 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt gần 11,33 tỷ USD, dù giảm 36,8% về số dự án nhưng lại tăng 16,3% về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, điều đó chứng tỏ, quy mô dự án FDI năm 2021 đã có sự cải thiện so với 2020. Vốn FDI từ các dự án đăng ký tăng thêm cũng đạt 5 tỷ USD, tăng 2,3%; vốn FDI giải ngân đạt 11,58%, tăng 2%, đây là tín hiệu khá tích cực. Chỉ có vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đạt 2,81 tỷ USD, giảm 43,4% so với cùng kỳ 2020 nhưng mức giảm này cũng đã thấp hơn rất nhiều so với mức giảm 55,8% của 7 tháng đầu năm.
Trong khi các chỉ số vốn FDI đăng ký mới, FDI tăng thêm và vốn giải ngân 8 tháng đầu năm đều tăng thì vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài lại giảm mạnh. Theo ông, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?
Trong thu hút FDI, vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư được đánh giá là dòng vốn giải ngân nhanh nhất, đơn giản nhất vì không phải xin giấy phép, không phải thủ tục triển khai dự án và chỉ mua cổ phần, góp vốn vào các dự án có sẵn, dự án đang hoạt động. Có lẽ vì vậy mà cùng với những đánh giá tích cực về môi trường đầu tư Việt Nam, lượng vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng mạnh trong giai đoạn 2017-2019 với số vốn lần lượt đạt: 6,19 tỷ USD (2017); 9,89 tỷ USD (2018) và 15,47 tỷ USD (2019), sau đó năm 2020 giảm còn 7,47 tỷ USD và 8 tháng đầu năm 2021 đạt 2,81 tỷ USD, giảm 43,4% so với cùng kỳ 2020.
Theo tôi nguyên nhân của sự sụt giảm này có thể do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến đến hoạt động của các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài có ý định mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam cũng ảnh hưởng đến việc nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu môi trường đầu tư và đưa ra quyết định đầu tư nói chung, bao gồm cả góp vốn, mua cổ phần. Bên cạnh đó, do Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đang phải tập trung phòng, chống dịch nên cũng chậm triển khai các chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nên làm giảm sức hấp dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài trong việc góp vốn, mua cổ phần đối với doanh nghiệp trong nước.
Dựa vào tình hình thực tế, ông đánh giá ra sao về triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian tới?
Tôi vẫn giữ quan điểm, việc sụt giảm về thu hút FDI trong một thời gian ngắn chưa nói lên điều gì về xu hướng, nên cũng không thể dựa vào đó để khẳng định FDI vào Việt Nam sẽ giảm. Bởi triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam vẫn rất sáng, chúng ta vừa được đánh giá nằm trong Top 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất thế giới vào năm 2020 do Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa công bố. Đặc biệt, mới đây bà Kamala Harris - Phó Tổng thống Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam, sự kiện cũng đưa ra những thông điệp mạnh mẽ về mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới, trong đó có cả quan hệ về hợp tác đầu tư.
Ngoài ra, so với các quốc gia trong khu vực, hiện Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn với nhiều ưu điểm vượt trội, như: Chế độ chính trị ổn định, quy mô dân số đông với khoảng gần 100 triệu dân, chính sách thu hút đầu tư ngày càng được cải thiện theo hướng tích cực và chi phí đầu tư, thuê nhân công tại Việt Nam vẫn rẻ hơn nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực… Nên Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn mà doanh nghiệp FDI khó có thể bỏ qua.
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều tổ chức nước ngoài cũng cho biết, họ gặp khó khăn trong việc nhập cảnh sang Việt Nam để tìm hiểu và thực thi các dự án đầu tư, điều này cũng khiến FDI đầu tư vào Việt Nam những tháng đầu năm giảm nhẹ. Vì vậy để tháo gỡ những khó khăn này, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng nên xem xét cơ chế, miễn giảm thời gian cách ly đối với những nhà đầu tư nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và có phiếu xét nghiệm âm tính khi vào Việt Nam thực hiện các dự án.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận