menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thị Khánh Linh

Dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm 2021

Việt Nam đang nổi lên là quốc gia thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hấp dẫn nhất ở châu Á. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng tích cực do Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu châu Á (Asia Society) và Trung tâm Nghiên cứu APEC tại Đại học RMIT của Úc nhấn mạnh Việt Nam là “một đối tác kinh tế hoàn hảo của Australia”, và là “sự lựa chọn nổi bật để các doanh nghiệp Úc xem xét như một thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư kinh doanh. Việt Nam sẽ giúp đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác kinh tế và chuỗi cung ứng của Úc”.

Tổng quan tình hình đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam năm 2020

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 toàn cầu đã làm chậm lại dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu do việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng, việc chuyển vốn, trang thiết bị giữa Việt Nam và các nước khác bị gián đoạn, trì hoãn.

Dù tác động của dịch bệnh COVID-19 là vô cùng nặng nề đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong năm 2020, đầu tư nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục xuất siêu 32,1 tỷ USD (kể cả dầu thô). Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh một cách mạnh mẽ, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Theo Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 11 tháng năm 2020 của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, tính đến 20/11/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,43 tỷ USD, bằng 83,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,2 tỷ USD, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính lũy kế đến ngày 20/11/2020, cả nước có 32.915 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 382,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 229,1 tỷ USD, bằng 59,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 17,2 tỷ USD, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cũng chỉ ra các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,7 tỷ USD, chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 4,9 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 3,8 tỷ USD và 1,5 tỷ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác.

Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cho biết, đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trên 60 tỉnh, thành phố của cả nước. Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký đạt trên 3,8 tỷ USD, chiếm 14,4% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ 3 với 3,2 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư . Tiếp theo lần lượt là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng,…

Nếu xét theo số lượng dự án mới thì TP Hồ Chí Minh dẫn đầu (865 dự án); Hà Nội đứng thứ hai (470 dự án); Bắc Ninh đứng thứ ba (136 dự án),….

Một số dự án lớn trong 11 tháng năm 2020 gồm có Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ; Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại Bà Rịa – Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ, Dự án Khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây (Hàn Quốc) tại Hà Nội, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 774 triệu USD; Dự án Pegatron Việt Nam (Đài Loan), vốn đầu tư 481 triệu USD với mục tiêu sản xuất thiết bị chơi game, phụ kiện điện thoại, loa thông minh, bộ điều khiển game; các loại máy tính tại Hải Phòng; Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại Tây Ninh.

Dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm 2021
Việt Nam là điểm sáng thu hút Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Châu Á. Nguồn: Internet

Dự báo về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 2021

Dựa theo số liệu báo cáo của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư vừa nêu ở trên, có thể thấy đóng góp của khối FDI rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.

Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, khi nền kinh tế của Việt Nam và thế giới đi vào ổn định sau dịch bệnh thì đây sẽ là giai đoạn Việt Nam tăng trưởng cả về xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Các ngành nghề chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, bán lẻ đang tiếp tục thể hiện ưu thế dẫn đầu và là điểm sáng thu hút FDI của Việt Nam.

Tính theo địa bàn đầu tư, các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương… vẫn chiếm áp đảo về dòng vốn FDI đổ về trong năm mới.

Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư trong mắt bạn bè quốc tế để sẵn sàng đón đầu dòng vốn ngoại này. Việt Nam có những lợi thế nhất định như nằm ở vị trí chiến lược trung tâm Châu Á, nền kinh tế và chính trị Việt Nam ổn định, lạm phát thấp, nguồn nhân lực dồi dào. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp ưu đãi về thuế, cơ sở hạ trong cả nước tiếp tục được hoàn thiện, nâng cấp. Thủ tướng cũng đã phê duyệt 19 khu kinh tế ven biển, tổng diện tích khoảng 871.000ha.

Luật Đầu tư 2020 (thay thế cho Luật Đầu tư số 67/2014/QH13) có hiệu lực từ 1.1.2021 cũng có những thay đổi lớn về các chính sách ưu đãi đầu tư, bổ sung những ngành nghề ưu đãi đầu tư mới, chú trọng vào các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ thông tin, dự án khởi nghiệp sáng tạo, năng lượng sạch.

Ngay từ đầu năm 2021, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh các hoạt động đầu tư nước ngoài với các thị trường như Australia, Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Anh, Trung Quốc,…

Các biện pháp để duy trì sức hút đầu tư của Việt Nam

Bên cạnh những lợi thế sẵn có và những rào cản pháp lý đang dần được xoác bỏ, trong giai đoạn 2021-2030, Chính phủ Việt Nam cần có giải pháp tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký với đối tác và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư qua các kênh hiệu quả như Đại sứ quán, Phòng thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp, Tổ chức xúc tiến trong nước và nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; bổ sung các quy định; cải cách mạnh mẽ chính phủ điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ, duy trì và phát triển mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI.

Chính phủ Việt Nam cần quan tâm đến đòi hỏi của các nhà đầu tư Australia, EU và Mỹ về tính công khai, minh bạch, thống nhất về chính sách và luật pháp; bảo đảm quyền sơ hữu trí tuệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại