Dòng vốn chảy vào bảo hiểm nhân thọ sẽ sôi động trở lại?
Nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ mạnh tay tăng vốn, "khởi động" năm 2020 trong bối cảnh thị trường tài chính - ngân hàng có nhiều diễn biến phức tạp vì sự lan rộng của dịch Covid-19.
Ngày 30-3, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD) công bố tăng vốn điều lệ từ 3.675 tỉ đồng lên hơn 13.937 tỉ đồng, trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam tính theo vốn điều lệ.
“Việt Nam là một trong những thị trường bảo hiểm phát triển nhanh nhất ở châu Á, và FWD rất vui mừng được khẳng định sự đầu tư mạnh mẽ của chúng tôi thông qua việc gia tăng vốn điều lệ này. Điều này cũng cho thấy sự cam kết mức trách nhiệm đối với khách hàng và đối tác, từ đó giúp tăng cường sự mở rộng và khả năng tiếp cận của công ty trên toàn quốc”, thông cáo công ty dẫn lời ông Huỳnh Hữu Khang, Tổng Giám đốc FWD Việt Nam.
Trước khi tăng mạnh vốn, tháng 11 năm ngoái, năm ngoái FWD cũng tạo “cú nổ” lớn trên thị trường bảo hiểm nhân thọ bằng thương vụ ký hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm 15 năm với Vietcombank, đồng thời mua lại liên doanh Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cardif (VCLI - Vietcombank nắm 45% và BNP Paribas Cardif nắm 55%). Giá trị thương vụ cho đến nay vẫn chưa tiết lộ, nhưng theo Bloomberg khi đó có thể lên đến 400 triệu đô la.
Thành lập năm 2016, FWD Việt Nam “chào sân” bằng thương vụ mua lại Công ty bảo hiểm nhân thọ Great Eastern Life Việt Nam, với trị giá 48,2 triệu đô la Mỹ. FWD định hướng phát triển theo hướng bán lẻ hiện đại dựa vào công nghệ số và chiến lược thương hiệu khác biệt.
Không chỉ có FWD Việt Nam mà rất nhiều các công ty bảo hiểm khác cũng tăng vốn, giúp tăng năng lực tài chính để mở rộng thị phần tại thị trường Việt Nam.
Chẳng hạn, đầu năm 2020, Sun Life Việt Nam tăng vốn lên gần gấp đôi, từ mức 2.570 lên 5.070 tỉ đồng. Trong công bố của mình, hãng bảo hiểm từ Canada cho biết việc tăng vốn nằm ttrong kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam, trong đó có việc hợp tác với ngân hàng TPBank để phân phối độc quyền qua kênh Bancassurance trong 15 năm. Trước đó, đầu năm 2017, Tập đoàn Sun Life hoàn tất việc mua lại phần vốn góp còn lại trong PVI Sun Life, là một liên doanh với Công ty cổ phần PVI. Sau đó, công ty chính thức giới thiệu thương hiệu Sun Life Việt Nam.
Vào tháng 12-2019, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life) chi thêm 4.012 tỉ đồng mua thêm hơn 41 triệu cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt (nâng tỷ lệ sở hữu từ 17,48% lên 22,09%). Tập đoàn Bảo Việt sở hữu Tổng công ty Bảo hiểm nhân thọ Bảo Việt, cạnh tranh trực tiếp với các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài.
Dù vậy, thị trường trong năm ngoái cũng ghi nhận sự trầm lắng, trái với sự mở màn năm 2020 khá sôi động qua các đợt tăng vốn mạnh của 2 công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài kể trên.
Trong khi đó, vào năm 2018, đã có rất nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã tăng mạnh vốn, gần như đồng loạt trên thị trường với rất nhiều thương hiệu, chẳng hạn như Manulife Việt Nam, Hanwha Life Việt Nam, Cathay Life Việt Nam, Prudential Việt Nam, Aviva Việt Nam.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2019. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, uớc tính doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2019 đạt 160.200 tỉ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ đạt 107.800 tỉ đồng, tăng 25,1%.
Còn đến quí 1 năm nay, tình hình trở nên phức tạp hơn khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo đó nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ chạy đua giới thiệu sản phẩm mới. "Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quí 1-2020 tăng trưởng khá với nhiều sản phẩm bảo hiểm phong phú đáp ứng nhu cầu của người dân trước tình hình dịch bệnh", Tổng cục Thống kê nhận định.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam được đánh giá cao vì tỷ lệ người tham gia bảo hiểm vẫn còn thấp, khoảng 10-11% quy mô dân số, trong khi nhiều thị trường phát triển khác có thể lên tới 50%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận