Đồng USD vẫn là “vua”
Xu hướng giảm của tỷ trọng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu có thể sớm dừng lại, thậm chí đảo ngược...
Sau hai thập kỷ tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm dần xuống dưới mức 60%, các yếu tố kinh tế, tài chính và địa chính trị đang bắt đầu hội tụ để xu hướng này ít nhất tạm ngừng trong vài năm tới và thậm chí có thể đảo ngược - theo một bài viết của hãng tin Reuters.
Bài báo nói rằng điều này đã được thể hiện qua kết quả một cuộc khảo sát hàng năm với sự tham gia của các ngân hàng trung ương và các nhà quản lý dự trữ ngoại hối quốc gia, thực hiện bởi Diễn đàn Các định chế tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF). Kết quả khảo sát này cũng phù hợp với các nghiên cứu và phân tích gần đây đến từ các chuyên gia và tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực dự trữ ngoại hối.
Sự nổi lên của đồng euro và việc Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã làm suy yếu địa vị đồng tiền dự trữ của USD. Ngoài ra, mong muốn đa dạng hoá dự trữ ngoại hối là một nhân tố khác có thể khiến cho đồng bạc xanh không bao giờ lấy lại được quyền lực tuyệt đối trước kia.
Nhu cầu tăng dự trữ USD
Tuy nhiên, theo cuộc khảo sát “Nhà đầu tư công toàn cầu 2024” của OMFIF, với sự tham gia của 73 ngân hàng trung ương nắm số dự trữ ngoại hối tổng cộng 5,4 nghìn tỷ USD, có một tỷ lệ ròng 18% các nhà quản lý ngoại hối cho biết có kế hoạch tăng dự trữ USD trong 12-24 tháng tới. Tỷ lệ này cao gấp hai lần rưỡi so với số đưa ra câu trả lời tương tự đối với đồng tiền ở vị trí thứ hai là đồng euro. Một tỷ lệ ròng 7% số nhà quản lý ngoại hối được khảo sát cho biết có ý định tăng dự trữ bằng đồng tiền chung châu Âu.
Đáng chú ý hơn là tỷ lệ các nhà quản lý có ý định tăng dự trữ USD đã tăng gấp 3 lần so với con số ròng 6% trong cuộc khảo sát năm ngoái. Điều này cho thấy một sự chuyển biến tích cực mạnh mẽ trong tâm lý của các nhà quản lý ngoại hối đối với đồng USD.
Ngoài ra, đồng USD tiếp tục giữ vị trí là đồng tiền chủ chốt với tỷ trọng áp đảo trong thương mại quốc tế, tính giá hàng hoá và các dòng chảy tài chính. Đồng thời, thị trường nợ của Mỹ có độ sâu thanh khoản mà không một thị trường nào khác trên thế giới có thể sánh được. Trong khi đó, cuộc khảo sát của OMFIF cho thấy 27% số nhà quản lý dự trữ ngoại hối được hỏi nói rằng mục tiêu đầu tư quan trọng nhất của họ trong năm nay là đảm bảo tính thanh khoản, tăng từ mức 20% trong cuộc khảo sát của năm ngoái.
Bên cạnh đó, các yếu tố chu kỳ đang ngày càng có lợi hơn cho đồng USD, bao gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế và tỷ suất lợi nhuận ở Mỹ đang tương đối cao so với ở các nền kinh tế phát triển khác, và xu thế này có khả năng sẽ duy trì trong khoảng 2 năm tới.
Nhưng chính điều này sẽ báo hiệu một sự dịch chuyển trong quan điểm của các ngân hàng trung ương. Trong một bài đăng hôm 29/5, các nhà kinh tế của Fed chi nhánh New York lập luận rằng mức lợi nhuận tương đối của các tài sản quốc gia không không phải là một yếu tố quan trọng quyết định tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối.
Từ cuộc khảo sát của OMFIF, phân tích của Fed New York và các phân tích khác, có thể thấy rằng sự gia tăng của căng thẳng địa chính trị toàn cầu và nhu cầu thanh khoản mới là những yếu tố sẽ thu hút các nhà quản lý dự trữ ngoại hối tìm đến với đồng USD nhiều hơn so với bất kỳ một đồng tiền nào khác.
“Để tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối giảm xuống, tỷ trọng của một đồng tiền khác phải tăng lên. Câu hỏi đặt ra là đó sẽ là đồng tiền nào? Đồng tiền nào khác là một đồng tiền toàn cầu thực sự?” giáo sư kinh tế Hiro Ito của Đại học bang Portland, một tác giả nổi tiếng chuyen viết về dự trữ ngoại hối và các dòng vốn toàn cầu, phát biểu.
“Sự thống trị của đồng USD là rất mạnh. Không có đồng tiền mạnh thứ hai nào, và chắc chắn không có đồng tiền mạnh thứ ba, thứ tư hay thứ năm”, ông Ito nói.
Yếu tố địa chính trị
Cuộc tranh luận xung quanh địa vị đồng tiền dự trữ của USD thường gắn với những kịch bản “ngày tận thế” về sự sụp đổ của đồng tiền này và nền kinh tế Mỹ, nhưng lại ít đề cập đến việc đồng euro không thể giành được một vị thế lớn hơn nhân sự suy giảm vị thế của USD. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về thành phần dự trữ ngoại hối toàn cầu (Cofer), tỷ trọng của đồng euro trong 12 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối toàn cầu vào năm 2023 chỉ đạt dưới 20%, bằng mức ở thời điểm năm 2015 và đã giảm từ mức đỉnh 28% vào năm 2009.
Vấn đề địa chính trị cũng chắc chắn là một yếu tố mà các ngân hàng trung ương không thể không tính đến. Việc phương Tây đóng băng tài sản Nga và áp các biện pháp trừng phạt lên Nga liên quan tới cuộc chiến tranh Nga-Ukraine sẽ có ảnh hưởng đến đồng euro nhiều hơn so với đồng USD, bởi Moscow đã bán hết trái phiếu kho bạc Mỹ và giảm mạnh tỷ trọng đồng USD trong dự trữ ngoại hối của mình trước khi chiến tranh xảy ra, và hầu hết dự trữ của Nga ở nước ngoài là nằm ở châu Âu chứ không phải ở Mỹ.
Tương tự, giả sử Trung Quốc bị đóng băng tài sản ở nước ngoài là một khả năng, liệu các quốc gia ở châu Á hay các nơi khác có muốn nắm dự trữ bằng đồng nhân dân tệ? Đó là còn chưa tính tới việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn.
Một nghiên cứu của Fed New York hồi tháng 3 phát hiện thấy rằng các quốc gia có khoảng cách trong quan hệ chính trị với Mỹ, và có khả năng cao hơn trở thành đối tượng của các biện pháp trừng phạt tài chính, có khuynh hướng có tỷ trọng đồng USD cao hơn trong dự trữ ngoại hối. Chính những quốc gia đã có dự trữ ngoại hối lớn, vượt xa nhu cầu thanh khoản trong trường hợp khẩn cấp và đã có tỷ trọng lớn đồng USD trong dự trư ngoại hối, là những nước dễ đa dạng hoá khỏi đồng USD vì lý do địa chính trị.
Theo nghiên cứu nói trên, mức giảm 7 điểm phần trăm về tỷ trọng của USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu từ năm 2015 đến 2021 chủ yếu do sự cắt giảm dự trữ USD của một nhóm nhỏ các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự suy giảm này còn do việc Thuỵ Sỹ tăng dự trữ đồng euro do Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) mua vào đồng euro thông qua can thiệp vào thị trường ngoại hối.
“Bởi vậy, không có chuyện các quốc gia đang ồ ạt dịch chuyển khỏi đồng USD”, nghiên cứu của Fed New York khẳng định, và cho biết thêm rằng trong số 55 quốc gia nằm trong nghiên cứu này, có 31 nước tăng tỷ trọng dự trữ USD trong khoảng thời gian đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận