Đồng USD có thể giữ giá ngay cả khi Fed tiếp tục hạ lãi suất
Không có gì đảm bảo chắc chắn xu hướng mất giá của USD. Sự phục hồi mạnh mẽ của đồng tiền này trong tuần vừa rồi là một bằng chứng...
Các nhà đầu cơ giá xuống đồng USD đang cân nhắc một yếu tố quan trọng là tương quan sức mạnh giữa các nền kinh tế trên thế giới, trong bối cảnh việc các ngân hàng trung ương điều chỉnh lãi suất dẫn tới những thay đổi lớn trên thị trường tiền tệ toàn cầu.
Hôm thứ Sáu vừa rồi, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác có lúc đạt 102,69 điểm, cao nhất trong 7 tuần. Chỉ số chốt phiên ở mức 102,49 điểm, tăng 2,1% cả tuần, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2022.
Động lực cho USD tăng giá trong tuần vừa rồi là việc giới đầu cơ giảm mạnh đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11, đồng thời đặt cược gần 100% vào khả năng Fed chọn mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Sự dịch chuyển kỳ vọng lãi suất theo chiều hướng này càng được đẩy nhanh vào hôm thứ Sáu, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 9 khả quan hơn nhiều so với kỳ vọng.
So với đồng yên Nhật Bản, USD chốt tuần ở mức 149,02 yên đổi 1 USD, mức cao nhất kể từ ngày 16/8.
Trước khi tăng trong tuần vừa rồi, đồng USD đã rớt giá chóng mặt trong quý 3, khi triển vọng Fed xoay trục chính sách tiền tệ và việc Fed chọn mức giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần hạ đầu tiên gây áp lực giảm mạnh lên tỷ giá đồng bạc xanh. Mức giảm 4,8% của Dollar Index trong qúy 3 đồng nghĩa quý giảm giá mạnh nhất của đồng tiền này trong gần 2 năm.
NHỮNG YẾU TỐ GIỮ GIÁ USD
Việc tỷ giá USD sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới sẽ tùy thuộc nhiều vào sự chênh lệch lãi suất giữa các nền kinh tế.
Trong mấy năm qua, lãi suất ở Mỹ đã duy trì ở trạng thái cao hơn so với lãi suất ở phần lớn các nền kinh tế phát triển khác, qua đó làm gia tăng sức hút của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Nhưng bức tranh lãi suất toàn cầu đang có sự thay đổi, khi Fed và phần lớn các ngân hàng trung ương khác đang tiến hành giảm lãi suất để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Các nhà đầu cơ đặt cược vào sự mất giá của đồng USD tin rằng chênh lệch lãi suất giữa USD với các đồng tiền khác sẽ thu hẹp. Dữ liệu gần đây từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) cho thấy giá trị ròng của vị thế bán khống đồng USD trên thị trường tương lai ở Mỹ đạt mức 14,1 tỷ USD, cao nhất trong khoảng 1 năm.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, không có gì đảm bảo chắc chắn xu hướng mất giá của USD. Sự phục hồi mạnh mẽ của đồng tiền này trong tuần vừa rồi là một bằng chứng.
Nguyên nhân nằm ở việc nền kinh tế Mỹ đang mạnh hơn tương đối so với các nền kinh tế lớn khác sẽ hạn chế tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed. Cùng với đó, bầu cử tổng thống ở Mỹ và mối lo địa chính trị có thể sẽ khiến thị trường tài chính biến động trong thời gian tới, và đồng USD sẽ được giới đầu tư mua vào như một tài sản an toàn.
“Sẽ không có chuyện nhà đầu tư bán USD để mua những tài sản khác. Họ sẽ kén chọn hơn một chút”, nhà quản lý danh mục Jack McIntyre của công ty Brandywine Global nhận định với Reuters.
Những ngày gần đây, đã xuất hiện một số diễn biến đặt ra rủi ro đối với các nhà bán khống USD. Chẳng hạn, vào hôm thứ Năm, USD tăng giá mạnh so với bảng Anh sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tuyên bố có thể giảm lãi suất mạnh tay hơn nếu áp lực lạm phát tiếp tục yếu đi.
Hôm thứ Tư, số liệu thống kê từ eurozone cho thấy lạm phát ở khu vực này trong tháng 9 đã giảm xuống dưới mức 2% lần đầu tiên kể từ giữa năm 2021. Điều này củng cố khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 10, từ đó đặt ra áp lực mất giá đối với euro.
Liên quan tới đồng, tân Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tuần vừa rồi đã khiến thị trường tài chính sửng sốt khi tuyên bố rằng nền kinh tế của đất nước mặt trời mọc chưa sẵn sàng cho việc tăng thêm lãi suất. Trước đó, ông Ishiba thường bày tỏ sự ủng hộ với việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bình thường hóa chính sách tiền tệ sau nhiều năm áp dụng mức lãi suất siêu thấp.
ĐỒNG YÊN SẼ TIẾP TỤC TĂNG GIÁ?
Tuy nhiên, bản báo cáo việc làm tháng 9 của Mỹ mới thực sự là một cú huých lớn đối với đồng USD.
Báo cáo từ Cục Thống kê lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ cho thấy số lượng việc làm mới được tạo ra trong khu vực phi nông nghiệp trong tháng 9 đạt 254.000 công việc, vượt xa mức dự báo 150.000 công việc mới mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ còn 4,1% thay vì giữ nguyên ở mức 4,2% như dự báo.
Trước khi báo cáo được công bố, thị trường đặt cược khả năng 30% Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11. Nhưng sau khi báo cáo được công bố, thị trường chỉ còn đặt cược 2,6% vào khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tới. Khả năng Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm đã tăng lên mức 97,4% - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.
Chưa kể, đồng USD còn đang được nâng đỡ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro khi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông leo thang trong tuần vừa rồi. Hôm thứ Sáu, lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei nói rằng Tehran và các đồng minh trong khu vực sẽ không lùi bước trong cuộc đối đầu với Israel. Hôm thứ Ba, Iran đã phóng tên lửa đạn đạo vào Israel để trả đũa việc Israel hạ sát thủ lĩnh Sayyed Hassan Nasrallah của phiến quân Hezbollah.
Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chiến lược gia và nhà phân tích dự báo đồng USD sẽ vững giá trong những tháng tới. Đối với đồng euro, kết quả khảo sát dự báo vùng tỷ giá 1,11 USD đổi 1 euro hiện nay có thể được duy trì cho tới cuối tháng 3/2025. Trong vòng 1 năm sau đó, đồng euro có thể tăng giá lên mức 1,13 USD đổi 1 euro.
Cũng theo cuộc khảo sát này, yên Nhật - đồng tiền đã tăng giá 11 % so với USD kể từ tháng 7 tới nay - sẽ là đồng tiền tăng giá mạnh nhất so với USD trong số các đồng tiền chủ chốt. Trong vòng 1 năm tới, đồng yên được cho là sẽ tăng thêm hơn 6% so với USD, đạt mức 136 yên đổi 1 USD.
Tuy BOJ phát tín hiệu trì hoãn đợt tăng lãi suất tiếp theo, khoảng cách lãi suất thu hẹp giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn đang hỗ trợ tỷ giá đồng yên. Theo dữ liệu của CFTC, giá trị ròng của vị thế đầu cơ giá lên đồng yên so với USD trên thị trường tương lai ở Mỹ đang ở mức 5,8 tỷ USD.
“Với việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu bắt đầu giảm lãi suất, đồng tiền hưởng lợi nhiều nhất về tỷ giá so với USD có thể sẽ là đồng yên”, nhà quản lý danh mục Natsumi Matsuba của công ty Russell Investments nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận