24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Thu Hiền
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dòng tiền vẫn chảy vào vàng, làm sao để chuyển hóa vào nền kinh tế?

Các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước không thể cấm người dân tích trữ vàng, đầu tư vàng; giải pháp hiệu quả nhất là làm người dân... chán vàng và tìm đến kênh đầu tư, tích lũy khác.

Sau phiên chất vấn Thống đốc Ngân Nhà nước (NHNN) đầu tuần này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được giải pháp chuyển hóa vàng thành tiền để đưa vào sản xuất, kinh doanh.

Tiền rầm rộ đổ vào vàng

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết tâm lý của người dân đổ xô đi giao dịch khiến các tiệm vàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng suốt thời gian qua đón lượng khách rất đông. Vấn đề này khiến cho nguồn cung không đủ, dẫn đến tình trạng xếp hàng, đặt phiếu để mua vàng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, người dân khi đầu tư vào vàng, tiền sẽ "nằm chết" ở đó. Khi nắm giữ vàng, có thể giá trị vàng rất lớn và cũng đồng nghĩa với việc người dân không sử dụng được số tiền đó. Nếu chuyển hóa tài sản này thành VND, lúc đó, người dân sẽ có cơ hội kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực khác, ví dụ như gửi tiền vào ngân hàng, để ngân hàng dùng tiền đó cho vay sản xuất - kinh doanh. Hoặc người dân có thể mua cổ phần, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Dòng tiền vẫn chảy vào vàng, làm sao để chuyển hóa vào nền kinh tế?

Các chuyên gia cho rằng để vàng đừng "chết" trong dân mà "sống" trên thị trường, trước hết là ổn định thị trường vàng, không để giá vàng "nhảy múa", lên xuống hỗn loạn.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người cho rằng cùng với số tiền gửi ngân hàng, lãi suất hiện ở mức khá thấp, có thể không có lời nhiều, trong khi nếu mua vàng đúng thời điểm thì khả năng sinh lời sẽ cao hơn.

Ông Nguyễn Nguyên Trí (Hà Nội) chia sẻ, năm nay, vợ chồng ông đã ngoài 60 tuổi, có tiền lương nên ông bà thường tiết kiệm một phần để đi mua vàng.

“Nói vàng để trong dân là "vàng chết" cũng chưa chính xác, bởi vì có khi để yên trong két lại giữ nguyên giá trị, còn đầu tư chứng khoán hay bất động sản thì vợ chồng tôi không rành, rủi ro mất giá hoặc mất luôn tiền, đó mới là "chết" thật”, ông Trí bày tỏ quan điểm.

Theo một số chuyên gia, đúng là vàng để trong két rất lãng phí, vì không đưa vào làm nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Nhưng để người dân lôi vàng trong két ra không dễ, vì muốn dân mạnh dạn bán vàng đầu tư thì phải có niềm tin vào thị trường.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thị trường vàng trong nước “nóng” một phần do giá vàng thế giới, một phần do cung ít hơn cầu, một phần do yếu tố tâm lý. Thời gian qua, lãi suất tiền gửi thấp nên người dân không muốn gửi vào ngân hàng, trong khi bất động sản đóng băng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro... khiến vàng trở thành kênh trú ẩn của tiền nhàn rỗi.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, sự bế tắc của các kênh đầu tư là nguyên nhân chính khiến dòng tiền rầm rộ chảy vào vàng. Theo TS. Đinh Thế Hiển, để người dân không đổ xô vào vàng, giải pháp quan trọng nhất là giữ được giá trị của đồng nội tệ và khôi phục các kênh đầu tư như bất động sản, trái phiếu…

Cần ổn định thị trường vàng

Một số đại biểu Quốc hội đánh giá, NHNN cho rằng chủ trương chính sách là chống vàng hóa và USD hóa, do đó không khuyến khích người dân nắm giữ vàng, nhất là vàng miếng giá trị cao, nhưng lại không đưa ra được giải pháp.

Ví dụ, gửi tiền vào ngân hàng có lãi suất tốt hơn giữ vàng thì đương nhiên người dân không dại gì mà ôm vàng. Thực tế, sau thời gian lãi suất huy động liên tiếp giảm, hạ xuống mức thấp nhất lịch sử thì các ngân hàng đang đồng loạt tăng trở lại. Tuy nhiên, lãi suất huy động hiện nay vẫn thấp, chưa khuyến khích người dân bán vàng đề đầu tư vào kênh ngân hàng.

Đầu tư vào chứng khoán cũng rất bấp bênh, có giai đoạn tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn chưa ổn định, bền vững. Một trong những nguyên nhân của sự bất ổn này là do chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi khối ngoại. Trong khi đó, khối ngoại lại có chiến lược kinh doanh phụ thuộc vào kinh tế và tài chính thế giới. Chính vì vậy, những chính sách về tài chính tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư nước ngoài.

“Việc phụ thuộc vào biến động của thị trường tài chính thế giới sẽ khiến chứng khoán Việt Nam tuy diễn biến theo hướng tích cực nhưng chưa có sự ổn định bền vững. Bên cạnh đó, không phải nhiều người hiểu biết về kênh đầu tư này”, một chuyên gia cho hay.

Trong khi đó, bất động sản "chết đứng" mấy năm nay. Thị trường vẫn rất trầm lắng khi giá nhà vượt xa tầm tay người tiêu dùng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có sự thanh lọc đáng kể thời gian qua và vẫn là lựa chọn tốt cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, với quy định của Nghị định 65 hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân sẽ khó khăn hơn trong tham gia thị trường này. Nếu muốn đầu tư trái phiếu, đa phần nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ phải tham gia đầu tư qua các quỹ. Điều này cũng không hấp dẫn người dân bán vàng để đầu tư trái phiếu.

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết câu chuyện về vàng được bàn đi bàn lại rất nhiều lần. "Điểm nghẽn" của thị trường vàng chính là Nghị định 24 và cần được tháo gỡ ngay. “Hãy trao lại cho thị trường các quyền năng vốn có của nó. Đó chính là nguồn cung, cầu, tạo điều kiện nhập khẩu, chế tác...", ông Phước nói.

Theo một số chuyên gia, NHNN cũng không thể cấm người dân tích trữ, đầu tư vàng. Giải pháp hiệu quả nhất là làm người dân... chán vàng và tìm đến kênh đầu tư, tích lũy khác.

Để làm được điều này không còn cách nào khác là phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khôi phục thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu… Cùng với đó, một trong các giải pháp quan trọng là ổn định thị trường vàng, phải ngăn chặn được hiện tượng thao túng, làm giá trên thị trường vàng, đó chính là sửa Nghị định 24 quy định về hoạt động kinh doanh vàng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
2,696.90 +27.80 (+1.04%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả