Dòng tiền vẫn chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản trong tuần VN-Index vượt đỉnh
Thị trường chứng khoán biến động tích cực trong tuần từ 25 - 29/10 khi VN-Index vươn lên mức cao nhất mọi thời đại. Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn hút dòng tiền tốt và đồng loạt bứt phá.
Thị trường chứng khoán biến động tích cực trong tuần giao dịch từ 25 - 29/10. Kết thúc tuần, VN-Index tăng 55,03 điểm (+4%) lên 1.444,27 điểm; HNX-Index tăng 20,91 điểm (+5,3%) lên 412,12 điểm. UPCoM-Index tăng 5,02 điểm (5%) lên 105,38 điểm.
Thanh khoản hai sàn niêm yết tăng so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với khoảng 29.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 19,5% lên 131.929 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 17% lên 4,4 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 32,4% lên 17.601 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 13% lên 738 triệu cổ phiếu.
Các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng tốt trong tuần qua. Bất động sản tiếp tục là một trong những nhóm biến động tích cực nhất thị trường chứng khoán. Nhiều phiên giao dịch, nhà đầu tư chứng kiến hàng loạt cổ phiếu bất động sản đua nhau tăng trần.
Thống kê 122 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán tuần qua có đến 103 mã tăng, trong khi chỉ có vỏn vẹn 13 mã giảm.
Đứng đầu danh sách tăng giá là cổ phiếu HU6 của CTCP Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị HUD 6 với mức tăng lên đến 55%. Công ty này mới đây đã thực hiện chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, đơn vị này đặt kế hoạch doanh thu ở mức 55 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3,2 tỷ đồng.
Đứng thứ 2 trong mức tăng giá ở nhóm bất động sản là SGR của Tổng Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn với 34%. Cổ phiếu SGR bứt phá mạnh bất chấp việc kết quả kinh doanh quý III mới công bố không được tốt. Theo đó, doanh nghiệp này lỗ 7,5 tỷ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ vẫn lãi gần 3 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, mức lỗ được nâng lên 11,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi đến 105 tỷ đồng.
Tương tự như SGR, cổ phiếu DRH của DRH Holdings cũng tăng mạnh đến 27% trong tuần qua dù kết quả kinh doanh công bố không được tốt. Theo đó, doanh thu quý III chỉ ở mức 206 triệu đồng, giảm mạnh so với mức 5,4 tỷ đồng của cùng kỳ. Nhờ phần lãi trong công ty liên kết nên đơn vị này vẫn báo lãi sau thuế 1,6 tỷ đồng trong quý III, giảm đến 80% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, DRH đạt 6,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với mức 36,4 tỷ đồng của cùng kỳ.
Ngày 15/11 tới đây, DRH sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường bàn về phương án tăng vốn điều lệ, thay đổi ngành nghề kinh doanh. Theo đó, DRH dự kiến phát hành hơn 63,35 triệu cổ phiếu, trong đó dành 60,35 triệu cổ phiếu tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cp; và 3 triệu cổ phiếu ESOP với giá dự kiến 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện trong năm 2021 hoặc thời gian khác do HĐQT quyết định. Dự kiến sau phát hành, vốn điều lệ của DRH tăng từ 610 tỷ đồng lên 1.243 tỷ đồng. Đồng thời, DRH cũng sẽ loại bỏ ngành nghề kinh doanh là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, quyền sử dụng đất và bán lẻ sách, báo, văn phòng phẩm...
Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như HAR của CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền, PVL của CTCP Đầu tư Nhà Đất Việt, TLD của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long, DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng… cũng đồng loạt tăng giá mạnh.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HRB của CTCP Harec Đầu tư và Thương mại đi ngược xu hướng của nhóm bất động sản khi giảm đến 36,6%. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này là rất thấp nên việc không hòa vào biến động chung cũng là điều không quá khó hiểu.
Cổ phiếu BII của CTCP Louis Land cũng khiến nhiều nhà đầu tư phải thất vọng khi giảm 12% trong tuần vừa qua. Mới đây, BII thông báo đã bán sạch 11,3 triệu cổ phiếu TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức trong ngày 18/10, theo đó BII không còn là cổ đông lớn. Về phía TDH, HĐQT đơn vị này đã thông qua Nghị quyết về việc chấm dứt hợp tác ở một số dự án bất động sản liên quan đến BII. Theo đó, TDH sẽ không còn hợp tác với BII ở 4 dự án, bao gồm: Dự án Khu dân cư Cần Giờ, Dự án Bất động sản tại Nhà văn hóa Long Xuyên (cũ), Dự án trụ sở Công an tỉnh An Giang và cuối cùng là Dự án Phan Văn Hớn - Hóc Môn.
Một cổ phiếu bất động sản khác cũng khiến nhà đầu tư bất ngờ là PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt khi giảm 3% trong tuần VN-Index vươn lên đỉnh cao mới. Quý III, PDR thu về lợi nhuận sau thuế đạt 607 tỷ đồng, tăng 38,3% so với cùng kỳ dù doanh thu giảm. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.109 tỷ đồng, tăng 54,5% và thực hiện được gần 60% chỉ tiêu cả năm.
PDR cũng là cổ phiếu hiếm hoi trong nhóm bất động sản vốn hóa lớn giảm giá. Trong khi đó, các “ông lớn” như VHM của CTCP Vinhomes, VIC của Tập đoàn Vingroup, NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) hay BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp đều đồng loạt tăng mạnh. Trong đó, VHM tăng đến 9,6% và có đóng góp quan trọng nhất giúp VN-Index vượt đỉnh lịch sử. Theo công bố mới đây, VHM lãi ròng quý III 11.167 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, BCM tăng đến 14,8% bất chấp việc báo lãi sau thuế vỏn vẹn 50 tỷ đồng trong quý III, giảm sâu so với số lãi 631 tỷ đồng đạt được quý III năm ngoái. Đây cũng là quý lãi thấp nhất của BCM từ năm 2018 đến nay./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận