Dòng tiền từ các quỹ bị động và chủ động sẽ "dậy sóng"
Bà Lê Hồng Liên- Giám đốc Nghiên cứu Khách hàng tổ chức của CTCK Maybank Kimeng Việt Nam cho rằng, dòng tiền của các quỹ bị động và chủ động sẽ "lên ngôi".
Bà Lê Hồng Liên cho biết năm qua, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ có lợi từ cơ hội nâng hạng. Nhưng thực tế việc nâng hạng đã chưa đến và thị trường cũng không hoàn toàn khởi sắc, mặc dù khép lại năm Kỷ Hợi, thị trường đã có những phiên giao dịch khá ngọt lành.
Đúng là chúng ta chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp như kỳ vọng ban đầu trong năm qua và một vài yêu cầu của các đơn vị đánh giá (MSCI hay Futse Russell) cần được đáp ứng. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng thị trường đã bỏ qua và gần như chưa phản ánh những tiến bộ tích cực, có thể nói là vượt bậc trong 2 năm qua, cũng như việc định giá chung của thị trường hay của nhiều cổ phiếu đã trở nên rất hấp dẫn.
Với việc thị trường Kuwait ra khỏi MSCI Frontier Markets Index vào tháng 5/2019, chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước một cơ hội rất lớn từ dòng tiền của các quỹ bị động (ETF Tracking MSCI Frontier Markets Index) và quỹ chủ động (như các quỹ tập trung vào thị trường cận biên, thị trường mới nổi, ASEAN...).
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tâm lý thị trường trong nửa đầu năm nay có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi virus Corona đang lây lan rất nhanh. Nhớ rằng hồi tháng 11/2002 đến tháng 7/2003 khi dịch SARS xảy ra, phần lớn các thị trường đều giảm 10-20% trước khi hồi phục ở mức cao hơn khi dịch xảy ra.
Bà Lê Hồng Liên - Giám đốc Nghiên cứu Khách hàng tổ chức của CTCK Maybank Kimeng Vietnam
- Theo ghi nhận, vốn hóa thị trường/ GDP theo cách tính mới có sự suy giảm, trong khi vốn ngoại cũng có những thay đổi nhất định. Liệu đây có là những tín hiệu báo trước khó khăn của năm nay?
Không, chúng tôi không thấy nhà đầu tư nước ngoài nào nói việc vốn hoá thị trường/GDP giảm làm ảnh hưởng việc đầu tư của họ tại Việt Nam. Họ quan tâm nhiều hơn đến: (1) room cho nhà đầu tư nước ngoài, (2) rút ngắn T+, (3) thanh khoản và minh bạch của thị trường.
- Vậy MBKE nhìn nhận như thế nào về cơ hội, triển vọng, thách thức của thị trường trong năm Canh Tý? Và đâu là những yếu tố cần lưu ý, đặc biệt từ góc nhìn của khối ngoại?
Chúng tôi kỳ vọng vốn ngoại tích cực vào thị trường niêm yết tại Việt Nam. Hiện tại dù các chương trình cổ phần hóa trọng điểm đã được yêu cầu báo cáo hàng quý nhưng chúng tôi chưa thực sự thấy nhiều tiến triển. Chúng tôi rất hy vọng việc cổ phần hóa sẽ diễn ra, hoặc ít nhất khởi động và thông tin với nhà đầu tư trong nửa sau của năm 2020. Khác với FDI, dòng vốn ngoại bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố mà nhà đầu tư nước ngoài hết sức quan tâm như đã nêu.
Vì vậy, có thể nói ở góc độ của nhà đầu tư nước ngoài, họ không quá quan tâm vào ngành nghề nào mà chỉ mong muốn lựa chọn và đầu tư được những cổ phiếu tốt (có cơ bản tốt, có thanh khoản tốt và minh bạch). Chính vì vậy, những cổ phiếu vốn hoá lớn, đầu ngành nói chung đạt được những tiêu chí này.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhận thấy khối ngoại có tầm nhìn dài hơi hơn (3- 5 năm) khá ưa thích các cổ phiếu tiêu dùng, logistics và những cổ phiếu hưởng lợi từ việc dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, lo ngại dịch cúm viêm phổi cấp do virus Corona nếu không sớm dập tắt, có thể ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung. Đây sẽ là một biến số ngoài tầm kiểm soát, dự báo của bất kỳ tổ chức đầu tư nào.
Trước mắt, với kinh tế Trung Quốc, đây không chỉ là một đại dịch mà còn là một đòn tác động mạnh vào đất nước đứng đầu về dân số toàn cầu, đang chịu những ảnh hưởng nhất định của thương chiến kéo dài trước đó và cả khối nợ quy mô lớn 40.000 tỷ USD.
Tác hại của virus Corona theo đó, có thể tác động tiêu cực đến cả các lĩnh vực hàng không, bán lẻ, logistics, du lịch lẫn tiêu dùng. Và tương tự như Trung Quốc, những quốc gia có mối quan hệ kinh tế giao thương lớn với Trung Quốc cũng sẽ chịu tác động không ít.
Trong năm 2020, các chuyên gia và tổ chức kinh tế đã nhận định vô cùng tích cực về triển vọng cất cánh cao hơn nữa của ngành hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, nếu hệ quả Corona không thay đổi, dự báo có thể sẽ đảo chiều và lan rộng tới các ngành du lịch và liên quan dịch vụ du lịch; cũng như làm chậm lại mục tiêu đạt 20,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm nay.
Cảm ơn bà đã phân tích!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận