24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Anh Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dòng tiền tìm về bluechip?

Các chuyên gia đánh giá rằng trong thời gian tới, nhà đầu tư sẽ dịch chuyển sự chú ý sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, bởi đây là nhóm có đầy đủ tiềm lực tài chính cũng như đủ khả năng để tận dụng được đà phục hồi của nền kinh tế.

Tại Talkshow Phố Tài chính tối ngày 11/4, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích VNDIRECT và ông Võ Thế Vinh, Giám đốc Phân tích CTCK Guotai Junan Việt Nam đánh giá, trước các động thái thanh lọc thị trường từ phía cơ quan quản lý, dòng tiền đang có xu hướng chuyển về các nhóm vốn hóa lớn, có nền tảng kinh doanh tốt và tiềm năng tăng trưởng.

Ông/bà đánh giá như nào về dòng tiền và nhu cầu vay ký quỹ của nhà đầu tư trong quý I?

Bà Trần Khánh Hiền: Quý I vừa qua mặc dù có khá nhiều thông tin tiêu cực nhưng VN-Index vẫn có diễn biến đi ngang và hầu như không có đợt giảm giá mạnh diễn ra. Dư nợ margin, dư nợ ký quỹ hiện tại vẫn chưa thu hẹp, vẫn duy trì ở mức cao và có thể cao hơn một chút so với số liệu cuối năm 2021. Bên cạnh đó, thanh khoản của thị trường giảm nhẹ khoảng 8% so với quý IV/2021. Tuy nhiên, thanh khoản của cả ba sàn vẫn duy trì ở mức trung bình trên 30.000 tỷ đồng/phiên và điều này thể hiện rằng nhà đầu tư vẫn rất kỳ vọng về thị trường chứng khoán và dòng tiền vẫn còn đó, vẫn chưa thoát ra ngoài.
Ông Võ Thế Vinh: Con số dư nợ margin của các công ty chứng khoán vào cuối năm 2021 đạt khoảng 170.000 đến 180.000 tỷ đồng. Tuy nhiên trong quý I/2022, đặc biệt là thời điểm cuối tháng 3 đã có những thông tin liên quan đến một số nhóm cổ phiếu, cùng với động thái của cơ quan quản lý sẽ tác động đến chính sách margin của các công ty chứng khoán nói chung. Ngoài ra thời điểm cuối quý I, một số doanh nghiệp bị lỗ trong báo cáo sẽ bị loại khỏi danh sách cho vay ký quỹ. Căn cứ vào đấy chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng dư nợ margin sẽ không duy trì được đà tăng trưởng như các quý trước mà sẽ duy trì nhích lên một chút khoảng 180.000 tỷ.

Trong quý I, dòng tiền đã tập trung vào những nhóm ngành nào?

Bà Trần Khánh Hiền: Tâm điểm của quý I là nhóm cổ phiếu có vốn hóa trung bình, nhóm Midcap chiếm khoảng 30% tổng thanh khoản của toàn thị trường, trong khi đó nhóm cổ phiếu VN30 chiếm khoảng 32%. Điều này rất khác so với thời điểm năm 2020 - 2021 khi thanh khoản nhóm VN30 chiếm hơn 50% thậm chí có lúc gần 60%. Nhìn chung thanh khoản toàn thị trường có độ giảm nhẹ so với quý IV/2021, chỉ có thanh khoản nhóm cổ phiếu Midcap có sự tăng trưởng 5% so với quý trước.

Giữa các ngành nghề thì nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán vẫn là các nhóm chiếm tỷ trọng giao dịch khá lớn. Tuy nhiên trong quý I, tất cả các nhóm cổ phiếu đều có sự sụt giảm về mặt thanh khoản, duy chỉ có nhóm cổ phiếu dầu khí và nhóm cổ phiếu bán lẻ là các nhóm có độ tăng trưởng về thanh khoản khi giá dầu có sự bứt phá mạnh.

Ông Võ Thế Vinh: Chúng ta nhận thấy rằng dòng tiền vào nhóm bất động sản, trong đấy là các mã bất động sản Midcap chiếm tỷ trọng rất cao. Ngay trong quý I có khá nhiều sự kiện ảnh hưởng, khoảng tháng 1 với đợt đấu giá đất hay một số sự kiện liên quan đến giao dịch của người nội bộ thì đến khoảng cuối tháng 3 các sự kiện này lại tiếp diễn. Điều này tạo ra những phiên giao dịch mang tính chất đột biến của nhóm cổ phiếu Midcap liên quan bất động sản. Và sự thay đổi xuất hiện khi có các động thái thanh lọc của cơ quan quản lý.

Thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã liên tiếp đón nhận các động thái xử phạt, thanh lọc và gia tăng tính minh bạch từ phía cơ quan quản lý. Vậy theo ông/bà dòng tiền trong những quý tới sẽ như thế nào?

Bà Trần Khánh Hiền: Trong ngắn hạn, tâm lý nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên nếu nhìn xa hơn thì đây chính là những thông tin tích cực cho thị trường chứng khoán. Nhìn lại trong quá khứ, việc vi phạm liên quan đến các cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn sẽ khiến thị trường rung lắc ngắn hạn, nhưng sau đó sẽ sớm ổn định và lấy lại được đà tăng trưởng vốn có.

Đây là sự nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc minh bạch hóa thị trường, từ đó sẽ làm tăng cường niềm tin của nhà đầu tư. Đồng thời giúp sân chơi của chúng ta được minh bạch hơn để chuẩn bị cho việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng lên thị trường mới nổi của MSCI và FTSE.

Tôi nghĩ rằng dòng tiền sẽ quay lại với các nhóm cổ phiếu cơ bản, nhóm cổ phiếu thực sự có độ tăng trưởng cũng như độ phục hồi tốt. Còn về thị trường trái phiếu, trong ngắn hạn, sẽ có những ảnh hưởng nhất định khi nhà đầu tư bắt đầu dè dặt hơn. Tuy nhiên tôi nghĩ điều này sẽ giúp cho nhà đầu tư cần phải có độ tỉnh táo để đầu tư vào những doanh nghiệp có sự minh bạch về mặt thông tin cũng như cần có một kế hoạch sử dụng vốn rõ ràng và hiệu quả. Còn về lâu về dài thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở nên minh bạch hơn.

Ông Võ Thế Vinh: Năm 2021 thị trường có rất nhiều kỷ lục như kỷ lục về thanh khoản, kỷ lục về điểm số và trong bối cảnh như vậy, sẽ luôn phát sinh những đối tượng, thành phần muốn trục lợi từ thị trường thông qua các hành vi liên quan đến làm giá. Trong ngắn hạn, với các động thái mạnh tay thì chắc chắn các lực cung cầu ảo này sẽ biến mất và điều đấy sẽ làm giảm thanh khoản tại một số nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, các nhà đầu tư cá nhân cũng sẽ chịu áp lực tâm lý. Dù vậy, sau một đợt điều chỉnh ngắn hạn, mức định giá sẽ trở nên hợp lý hơn, đây sẽ là một cơ hội tốt để cơ cấu lại danh mục.

Đây cũng là thời điểm mùa đại hội cổ đông đang diễn ra, theo ông/bà sự thanh lọc nói trên sẽ giúp cho các doanh nghiệp có chiến lược phát triển thế nào?

Bà Trần Khánh Hiền: Mùa đại hội cổ đông năm nay có thể tổ chức hình thức trực tiếp, điều này sẽ giúp nhà đầu tư có thể tương tác được nhiều hơn đối với ban lãnh đạo của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp cũng có kế hoạch khá ấn tượng trong năm 2022, chẳng hạn như nhóm ngành bất động sản dân cư có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận có thể nói là tăng bằng lần, trong bối cảnh giá nhà ở và thanh khoản thị trường bất động sản dân cư sẽ có mức độ tăng khá mạnh trong năm 2022.
Ông Võ Thế Vinh: Trong mùa đại hội cổ đông năm 2022, các cổ đông sẽ quan tâm đến các kế hoạch của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đã bắt đầu hồi phục, thế nhưng chúng ta đã đối mặt ngay với lạm phát và các vấn đề liên quan đến lãi suất. Do vậy, câu hỏi rất quan trọng đối với ban lãnh đạo lúc này là những bài toán liên quan đến chi phí đầu vào.

Vậy đâu là chiến lược phù hợp cho các nhà đầu tư lúc này?

Bà Trần Khánh Hiền: Trong những quý tiếp theo, nhà đầu tư có thể sẽ dịch chuyển sự chú ý của mình sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đây là nhóm có đầy đủ tiềm lực tài chính cũng như đủ khả năng để tận dụng được đà phục hồi của nền kinh tế. Theo tôi, đã đến lúc nhà đầu tư nên dịch chuyển sự quan tâm của mình đến những nhóm cổ phiếu có sự hưởng lợi dài hơn, chứ không phải chỉ tập trung đầu tư vì những thông tin theo kiểu giá dầu tăng hoặc đầu tư vì giá phân bón, giá nguyên vật liệu cơ bản tăng. Bên cạnh đó, từ tuần cuối cùng của tháng 3, dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, đây là một trong những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và sẽ được hưởng lợi từ những chính sách phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Ông Võ Thế Vinh: Từ nay cho tới cuối năm 2022, chúng ta sẽ cần xác định lại mức sinh lời kỳ vọng hợp lý hơn. Tại các nhóm ngành lớn ở trên thị trường như bán lẻ, ngân hàng, tiêu dùng đều đang ở vùng định giá khá hấp dẫn và đây là nhóm mà nhà đầu tư có thể lựa chọn nắm giữ trong dài hạn.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả