Dòng tiền đổi khẩu vị từ Midcaps sang mã vốn hóa lớn
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tìm kiếm cơ hội.
Giai đoạn cuối tháng 3/2021 tới nay là giai đoạn thị trường chứng kiến sự phân hoá tương đối mạnh khi dòng tiền tập trung nhóm cổ phiếu trụ kéo chỉ số, ngược lại các cổ phiếu Midcaps và Smallcaps lại có dấu hiệu bị bán mạnh và thậm chí giảm điểm. Điều này càng làm rõ hơn sự phân hoá của thị trường khi dòng tiền chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu trụ mà điển hình là nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép.
Nếu nhìn rộng hơn trong vòng 1 năm trở lại đây, điều này đã không diễn ra khi hầu như chỉ số VN30 chỉ giao dịch với điểm số thấp hơn chỉ số VN-Index và đặc biệt dòng tiền có dấu hiệu lan rộng ra nhiều nhóm ngành và cổ phiếu, điều này giúp nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu dễ dàng hơn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Midcaps.
Nhìn một chu kỳ dài hơn 10 năm từ 2012 tới nay, chỉ có giai đoạn 2012-2015 là chỉ số VN30 giao dịch với điểm số trên chỉ số VN-Index, đây là giai đoạn nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008. Tuy nhiên, khoảng cách giữa hai chỉ số dần co hẹp sau đó.
Cụ thể, khoảng cách lớn nhất giữa hai chỉ số xuất hiện tháng 12/2012 khi chỉ số VN30 cao hơn chỉ số VN-Index là 79 điểm, tức cao hơn 18,2%. Tuy nhiên, sau đó khoảng cách dần co hẹp lại, tháng 3/2014 cao hơn 80 điểm, tức cao hơn 13,3%; tháng 3/2015 còn cao hơn 27 điểm, tức cao hơn 4,6% và tới năm 2016 thì chính thức có điểm số thấp hơn chỉ số VN-Index.
Như vậy có thể thấy, nếu xét thuần túy về độ rộng giữa 2 chỉ số thì giai đoạn hiện tại chưa phải là kỷ lục. Mặc dù chỉ số VN30 đang giao dịch về điểm số cao hơn 135,43 điểm, cao nhất về mức tuyệt đối, nhưng VN30 chỉ cao hơn 10,3% so với chỉ số VN-Index, tức là thấp hơn giai đoạn 2012 khi khoảng cách này lên tới 18,2%.
Ở chiều ngược lại, khoảng cách lớn nhất mà chỉ số VN-Index cao hơn VN30 hình thành trong giai đoạn tháng 6/2019 khi đó chỉ số VN-Index cao hơn 90 điểm, tức cao hơn 10,4%.
Theo Yuanta Việt Nam, dòng tiền đã lan tỏa sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, nhưng vẫn ở mức thấp cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại các nhóm cổ phiếu này. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép có dấu hiệu hạ nhiệt cho thấy dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa trong ngắn hạn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp (dưới 40%). Đồng thời, các nhà đầu tư chưa nên sử dụng đòn bẩy cao ở giai đoạn hiện tại.
Theo đồ thị tuần, công ty chứng khoán này cho biết họ vẫn đánh giá rủi ro trung hạn của thị trường vẫn ở mức cao cho nên thị trường có thể sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Tuy vậy, xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn vẫn duy trì nắm giữ và hạn chế gia tăng tỉ trọng cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận