Đồng tiền BRICS sẽ qua mặt đồng USD, đối trọng với phương Tây, Nhóm mới nổi dự định ‘chơi lớn’?
Liên minh BRICS đã sẵn sàng ra quyết định về việc hình thành một loại tiền tệ mới ngay tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8 tới. Với quy mô kinh tế không thua kém Mỹ và mỗi thành viên BRICS ủng hộ sáng kiến này vì những lý do khác nhau, đồng tiền BRICS được kỳ vọng soán ngôi đồng USD.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) sẽ diễn ra vào ngày 22-24/8 tại Johannesburg, Nam Phi. Nước chủ nhà Nam Phi đã công bố về sự hiện diện của lãnh đạo các nước thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Tổng thống Nga Putin sẽ tham dự trực tuyến, phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp BRICS (ngày 22/8) và dự cuộc họp nhóm BRICS+ (ngày 24/8).
Những lý do thực dụng riêng của BRICS
BRICS đang tích cực xem xét đẩy mạnh các giao dịch nội bộ bằng đồng nội tệ. Không chỉ khuyến khích sử dụng đồng nội tệ, hay các loại tiền tệ ngoài đồng USD, trong các giao dịch tài chính và thương mại quốc tế giữa các nước BRICS, cũng như các đối tác thương mại khác, hồi tháng Tư, các thành viên BRICS đã chính thức công bố kế hoạch giới thiệu một loại tiền riêng của họ.
Một đồng tiền riêng của Nhóm BRICS được kỳ vọng sẽ không chỉ thúc đẩy thương mại nội khối mà còn loại bỏ được chi phí chuyển đổi USD cao trong các giao dịch quốc tế.
Bước đầu tiên, các quốc gia thành viên do Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đầu đã bắt đầu triển khai các thỏa thuận thương mại song phương bằng đồng nội tệ. Sau khi quá trình chuyển đổi sang giao dịch tiền tệ quốc gia được thực hiện, BRICS sẽ tích cực xem xét lưu hành một loại tiền kỹ thuật số hoặc một loại tiền thay thế.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia BRICS ủng hộ sáng kiến đồng tiền BRICS này vì những lý do khác nhau. Trong đó, Nga và Trung Quốc đang đi đầu trong động thái phi USD hóa không chỉ vì lợi ích kinh tế. Moscow đang cố gắng tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, cũng như việc bị loại khỏi Hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, bằng cách thách thức hệ thống tài chính do đồng USD thống trị, trong khi Bắc Kinh đang thúc đẩy đồng Nhân dân tệ như một giải pháp thay thế. Vì hơn 17% dự trữ ngoại hối của Nga là bằng Nhân dân tệ, nên nước này có xu hướng giao dịch bằng Nhân dân tệ nhiều hơn.
Mặt khác, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil có những lý do thực dụng riêng để ủng hộ động thái này. Sự thống trị của đồng USD trong các giao dịch quốc tế giảm đi sẽ giúp các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm đồng USD dễ dàng hơn trong việc trả các khoản nợ của họ cho các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng được đặt ra về loại tiền tệ mới là liệu BRICS có đáp ứng đủ các tiêu chí cần thiết để xây dựng một loại tiền tệ toàn cầu so với Mỹ hay không?
Theo Ngân hàng Thanh toán quốc tế, đồng USD là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất, chiếm gần 90% giao dịch ngoại hối toàn cầu. Một trong những lý do khiến USD trở thành đồng tiền thống trị là do Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, với GDP khoảng 25,46 nghìn tỷ USD, tức là 24% GDP của thế giới.
Thu nhập quốc dân của một quốc gia càng lớn thì nhu cầu về tài sản của quốc gia đó càng lớn, dẫn đến nhu cầu nắm giữ đồng tiền của quốc gia đó càng lớn. Xét về mặt này, khối BRICS có GDP hơn 32,72 nghìn tỷ USD, tức là 31,59% GDP thế giới. Như vậy, BRICS dự kiến quy mô sức mạnh kinh tế lớn hơn nhiều so với Mỹ.
Không chỉ có như vậy, Danh sách các quốc gia sẵn sàng tham gia liên minh BRICS và chấp nhận đồng tiền mới đang tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây. Từ một nhóm 19 quốc gia vào tháng 4/2023, tổng số quốc gia có thể thách thức đồng USD trên trường thế giới đã lên tới 41 vào cuối tháng 6/2023. Như vậy, chỉ trong hai tháng qua đã có thêm 22 quốc gia mới bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS+ và từ bỏ đồng USD.
Điều đáng chú ý là các quốc gia đang phát triển muốn chấp nhận loại tiền tệ mới của BRICS đến từ các châu lục từ Á, Phi và Đông Âu. Belarus là quốc gia đầu tiên ở Đông Âu bày tỏ mong muốn chấp nhận đồng tiền mới của BRICS. Mặt khác, Pháp cũng thể hiện sự quan tâm đến việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi sắp tới.
Tuy nhiên, trong khi Nga và Trung Quốc đang thuyết phục các nước tiến tới mục tiêu loại bỏ uy thế của đồng USD, bằng cách khuyến khích các đối tác chấp nhận đồng tiền sắp hình thành của BRICS và loại bỏ dần đồng USD trong các giao dịch xuyên biên giới, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina lại thẳng thắn rằng, “việc tạo ra một loại tiền tệ mới cho các giao dịch quốc tế không đơn giản chút nào”.
Khẳng định, việc tạo ra một loại tiền tệ mới cho thương mại toàn cầu “sẽ khá khó thực hiện”, bà Elvira Nabiullina chỉ ra, đồng tiền BRICS cần sự đồng ý của nhiều bên liên quan để tiến lên phía trước. Hiện tại, không chỉ là việc ra mắt tiền tệ, cơ sở hạ tầng thanh toán cơ bản để hỗ trợ các giao dịch toàn cầu cũng rất quan trọng, nhưng hiện vẫn chưa được triển khai.
Mô hình hội nhập mới của kinh tế thế giới?
Hiện tại, trước Hội nghị thượng đỉnh BRICS, sự kiện gây chú ý không chỉ là việc nhóm này muốn hình thành một đồng tiên riêng, mà Danh sách các quốc gia sẵn sàng tham gia liên minh cũng ngày một dài hơn.
Trong hơn hai thập kỷ qua, sự trỗi dậy của Trung Quốc và rộng hơn là các nước BRICS được cho là yếu tố sẽ thay đổi cán cân kinh tế và mở ra một kỷ nguyên mới về hội nhập kinh tế thế giới.
Vậy Nhóm BRICS đã làm được những gì để có thể đối trọng với Mỹ và phương Tây?
BRICS hiện là một nhóm quy tụ các nền kinh tế lớn mới nổi trên thế giới. Bốn quốc gia BRICS nằm trong top 10 của bảng xếp hạng các quốc gia hàng đầu trên thế giới. Theo báo cáo được công bố trên Countercurrents.org, chỉ riêng nhóm này cũng đã chiếm 41% dân số thế giới, gần 31,5% GDP toàn cầu và hơn 16% thị phần thương mại thế giới.
Thời gian qua, các nước BRICS đã khẳng định là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Suốt một khoảng thời gian, họ đã cùng nhau thảo luận về các vấn đề quan trọng theo 3 cột trụ là an ninh chính trị, kinh tế - tài chính và giao lưu nhân dân. Tham vọng của họ là sử dụng sức mạnh chung để đối trọng với phương Tây.
Thông tin mới nhất được Đại sứ Anil Sooklal - nhà ngoại giao cấp cao của Nam Phi phụ trách về các mối quan hệ với BRICS đưa ra tại một buổi họp báo rằng, hiện có hơn 40 quốc gia bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi. Tất nhiên, xét trên từng phương diện, mỗi quốc gia sẽ có những ưu tiên và đặt kỳ vọng riêng về BRICS, nhưng điều đó cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng từ nhóm này.
Các nhà quan sát cho rằng, nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia ở châu Phi, coi đây là một tổ chức có thể thách thức cấu trúc quản trị toàn cầu do Mỹ và EU chi phối. BRICS trở nên hấp dẫn như một nền tảng mới cho hội nhập và tài trợ phát triển. Như cách nói của ông Anil Sooklal, "BRICS đại diện cho thế giới của tương lai và Nam bán cầu đã trỗi dậy, ngày càng có ảnh hưởng lớn”.
Nhiều quốc gia châu Phi, như Ai Cập, Ethiopia, Zimbabwe, Algeria, Nigeria, Sudan và Tunisia đã coi Hội nghị thượng đỉnh BRICS là cơ hội lớn để bày tỏ sự quan tâm gia nhập BRICS. Một số nền kinh tế ở Mỹ Latinh, Trung Đông và Đông Âu cũng có mong muốn trở thành thành viên, chẳng hạn như Saudi Arabia, Belarus, Iran, Mexico, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và Venezuela...
Quay lại năm 2017, Nhà kinh tế trưởng Yaroslav Lissovolik của Ngân hàng Phát triển Âu - Á, từng đánh giá, một khối BRICS+ rất có thể trở thành một mô hình hội nhập mới cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo phân tích của ông Lissovolik, quá trình hội nhập trước đây diễn ra trong phạm vi khu vực, còn BRICS đem đến một cách thức hội nhập đa dạng, chuyển động không ngừng hướng tới việc thiết lập quan hệ thân thiện giữa các châu lục và các khu vực trên thế giới.
Theo Nhà kinh tế này, "BRICS+" là một sáng kiến quan trọng không chỉ nhằm mở rộng căn bản khối và bao gồm các nền kinh tế phát triển lớn nhất, mà còn để tăng cường sự mở cửa và tiếp cận của các nước ở thế giới đang phát triển đối với tiến trình hội nhập.
Các nước BRICS hiện diện ở gần như tất cả các khu vực chủ chốt của thế giới, nên việc mở rộng khối sẽ tạo ra một cơ chế cho việc trao đổi thương mại và các ưu tiên riêng trong đầu tư.
Để tận dụng vị thế của liên minh, ông Yaroslav Lissovolik cũng cho rằng, các nước thành viên BRICS+ nên thành lập liên minh tại các tổ chức đa phương lớn như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... để tự bảo vệ các lợi ích và thương lượng với các nước phát triển về tự do hóa thương mại và đầu tư.
Tuy nhiên, cha đẻ của tên gọi “BRICS” (người đầu tiên gọi tên Nhóm là BRIC trong một bài viết năm 2001 - khi chưa có Nam Phi tham gia) - chuyên gia kinh tế Jim O’Neil, cựu Chủ tịch Goldman Sachs Asset Management và cũng là cựu Bộ trưởng Tài chính Anh cho rằng, Nhóm này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, ngoại trừ Trung Quốc. Theo đánh giá của vị chuyên gia này, thành tích của Trung Quốc là nổi trội hơn cả; nhưng động lực kinh tế của Ấn Độ đang chững lại trong những năm gần đây; trong khi đó, Nga và Brazil đã có 10 năm đầu tốt đẹp, nhưng nửa sau lại không đạt được các mục tiêu tăng trưởng; Nam Phi cũng phải đối diện với nhiều bất ổn nội bộ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận