24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Chung Chính
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đồng thuận giảm lãi suất cho vay: Góc nhìn từ chính sách và thực tế

Vừa qua, nhiều ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất vay cho khách hàng hiện hữu. Tuy nhiên nhiều vấn đề được các chuyên gia đặt ra là liệu chính sách này có đến được với doanh nghiệp và nếu được thì sẽ bền vững hay không cũng như những ảnh hưởng đến ngân hàng như thế nào trong thời gian tới.

Ngày 12/07/2021, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức cuộc họp với 16 tổ chức tín dụng (TCTD) để thống nhất việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất là trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.

Sau cuộc họp, Sacombank đã công bố ngay chính sách giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay tại Sacombank thuộc các ngành nghề chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng - khách sạn - nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…, đồng thời tiếp tục ưu đãi/miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay.

Sacombank cũng đang triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá đến 10,000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn ưu đãi được Ngân hàng áp dụng từ ngày 18/06/2021 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước.

Hay như ACB thông báo sẽ xem xét điều chỉnh lãi suất cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có hợp đồng vay khi hợp đồng đến hạn thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian 15/07 – 15/10/2021. Cùng với chính sách xem xét giảm lãi suất cho vay, ACB còn đồng thời triển khai thêm gói vay ưu đãi 10,000 tỷ đồng với mức lãi suất tối thiểu 6%/năm cho doanh nghiệp và 7%/năm cho cá nhân từ nay đến 31/10/2021.

Agribank cũng vừa phát đi thông báo tiếp tục giảm lãi suất để cho vay hỗ trợ khách hàng vượt qua đại dịch Covid-19. Đối với khoản vay tại thời điểm 15/07/2021, Agribank giảm tiếp 10% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên, tương ứng giảm từ 0.5 điểm phần trăm và từ 0.7 điểm phần trăm trở lên.

Ước tính, Agribank sẽ dành khoảng 5,500 tỷ đồng cho việc tiếp tục giảm lãi suất lần này và chương trình giảm lãi suất cho vay kéo dài đến hết năm nay.

Việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay dĩ nhiên sẽ có mặt lợi và có mặt hại, một chính sách được đưa ra không thể nào làm hài lòng hết tất cả chủ thể. Một số chuyên gia có những góc nhìn khác nhau về vấn đề này.

Có sự phân hóa trong việc ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp

TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cho biết, có lẽ các ngân hàng cũng sẽ giảm lãi suất cho vay, nhưng sẽ chỉ giảm một mức nào đó. Có ngân hàng nói rằng giảm từ 2-2.5% lãi suất cho vay. Tùy từng ngân hàng có thể giảm nhiều hay ít và có những ngân hàng chỉ ưu tiên cho một số đối tượng khách hàng cụ thể hay đặc biệt ưu đãi ngành nghề đang chịu tác động mạnh của dịch bệnh như du lịch, khách sạn, nhà hàng, trong khi ngân hàng khác có thể tập trung vào những khách hàng lớn như Vietnam Airline hay Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cũng đang gặp khó khăn…

Sẽ có sự phân hóa trong việc các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, giảm lãi suất như thế nào, giảm bao nhiêu, cho loại khách hàng nào. Thế nhưng liệu rằng những động thái này có mang tính bền vững hay không, là một biến số rất lớn. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết hiện tại nền kinh tế đang chịu tác động rất lớn bởi dịch bệnh, ngay cả trong TP.HCM một số cơ sở sản xuất phải đóng cửa, và diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp sẽ tiếp tục tạo ra khủng hoảng. Trong tình cảnh này, liệu rằng các ngân hàng có tiếp tục giảm thêm được lãi suất hay không?

Thứ nhất, ngân hàng cũng sẽ chịu tác động bởi dịch bệnh. Thứ hai, ngân hàng còn chịu tác động bởi chi phí vốn, khi các ngân hàng muốn giảm lãi suất, dĩ nhiên lãi suất huy động cũng sẽ giảm, vì họ muốn giữ lợi nhuận biên ở mức tối thiểu 3%. Mà trong thời gian qua, một số ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất huy động và sắp tới có lẽ rất nhiều ngân hàng cũng phải tăng lãi suất huy động để hấp thụ vốn. Trong trường hợp này, nếu lãi suất huy động tăng, trong khi lãi suất cho vay giảm thì sẽ ảnh hưởng sâu vào lợi nhuận ngân hàng và liệu rằng các ngân hàng này có dám hy sinh lợi nhuận của mình hay không?

Thêm nữa, lợi nhuận hiện tại của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm có một phần ảo, nếu chi phí dự phòng rủi ro được trích đúng với thực tế thì lợi nhuận sẽ không cao như vậy. Và nhất là lợi nhuận biên nhiều ngân hàng lên 4-5%, trong đó chưa trích lập chi phí dự phòng đầy đủ, do theo Thông tư 03 vừa được ban hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép ngân hàng không chuyển nhóm nợ và từ đó không phải trích lập dự phòng rủi ro đúng với thực tế. Chính vì vậy, lợi nhuận ngân hàng đang “phồng to” hơn so với thực tế. Nếu bây giờ các ngân hàng này cắt giảm thêm lãi suất thì sẽ ăn mòn vào lợi nhuận biên, và có thể tạo ra nguy hiểm cho ngân hàng trong tương lai khi các món nợ xấu trở thành hiện thực, ăn sâu vào lợi nhuận và có thể đem đến sự thua lỗ cho ngân hàng.

Chính vì các yếu tố này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các mong muốn cắt giảm lãi suất cho vay có thể sẽ không bền vững.

Lãi suất thực giảm thì doanh nghiệp mới được hưởng lợi

Ông Phan Dũng Khánh – Chuyên gia kinh tế nhận định, nếu thật sự ngân hàng hạ lãi suất thực, chấp nhận bỏ bớt lợi nhuận của mình là tin tốt và doanh nghiệp thật sự tiếp cận được chính sách chứ không phải như thời gian qua.

Ngân hàng liên tục thông báo giảm lãi suất cho vay rất nhiều nhưng hầu như ít ai tiếp cận được những gói vay lãi suất ưu đãi. “Tình hình hiện nay các doanh nghiệp đang kiệt quệ thì ngân hàng có cho vay không khi mà ngân hàng vẫn phải đảm bảo quyền lợi của họ?”, ông Khánh đặt ra câu hỏi.

Nếu ngân hàng hạ lãi suất thực để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi, thì doanh thu ngân hàng chắc chắn sẽ giảm. Trong trường hợp này, ngân hàng sẽ phải tìm cách khác để bù đắp như “bán bia kèm lạc”, chẳng hạn như một số ngân hàng cho vay buộc khách hàng phải mua bảo hiểm.

Không chỉ riêng sản phẩm bảo hiểm, có thể ngân hàng sẽ dùng thêm cách khác bán chéo sản phẩm để cải thiện doanh số. Song, điều này cũng có nghĩa là lãi suất thực sẽ không giảm mà chỉ có lãi suất trên giấy tờ giảm, và nếu vậy thì doanh nghiệp đi vay sẽ khó lại càng khó.

“Còn ngân hàng thật sự giảm được lãi suất thực thì khi đó doanh nghiệp mới thật sự hưởng lợi. Chỉ mong ngân hàng thực sự làm chính xác như vậy để doanh nghiệp và người đi vay tiếp cận được vốn từ đó thúc đẩy kinh tế”, ông Khánh kiến nghị thêm.

Giảm lãi suất sẽ khiến cho lợi nhuận ngân hàng giảm xuống

Ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm Phân tích Thị trường CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSI) cho rằng, dĩ nhiên giảm lãi suất sẽ khiến cho lợi nhuận ngân hàng giảm xuống.

Như Vietcombank vừa rồi cũng tuyên bố có thể giảm khoảng 4,000 tỷ đồng, trong khi những ngân hàng khác có thể giảm từ 500-1,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp giảm lãi suất như vậy thì NHNN cũng sẽ có những hỗ trợ nhất định. Ví dụ như NHNN vừa điều chỉnh tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa cho một số ngân hàng. Thay vì mức tăng trưởng tín dụng cao nhất là 10%-12% được cấp ban đầu, trong đợt cấp tăng trưởng tín dụng lần này, có ngân hàng được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên đến 14%-15%. Mặc dù việc giảm lãi suất sẽ làm biên lợi nhuận ngân hàng bị giảm đi và lợi nhuận bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu tăng thêm tín dụng sẽ có khả năng bù lại phần lợi nhuận bị giảm đó.

Do vậy, về tổng thể ông Khoa nhìn nhận đây là một chính sách tốt vì hỗ trợ cho nền kinh tế chung, giúp doanh nghiệp giảm được chi phí chung.

Còn về phía ngân hàng, đương nhiên sẽ có thiệt hại một chút, ngân hàng phải tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận nhưng bù lại nếu có thể tăng trưởng tín dụng lên thì mức độ ảnh hưởng không lớn.

Bản thân các ngân hàng, họ có những quy định để áp mức lãi suất ưu đãi cho từng nhóm khách hàng riêng, không thể áp dụng chung cho tất cả các nhóm khách hàng. Cho nên, chủ trương miễn giảm lãi suất vay cho khách hàng là đúng, nhưng có đi được vào thực tế hay không lại còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả