Động thái mới của ông Lê Viết An sau khi “quay xe” từ chối bồi thường thay Nguyễn Thái Luyện
Diễn biến bất ngờ trong phiên tòa phúc thẩm vụ Alibaba, ông Lê Viết An đã liên lạc với bị cáo Võ Thị Thanh Mai trong giờ nghỉ giải lao, đồng ý khắc phục thay bị cáo nộp 12 tỷ đồng khắc phục đối với tội rửa tiền sau khi từ chối bồi thường 2.400 tỉ đồng cho các bị hại trong vụ “lừa đảo”.
Phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nguyễn Thái Luyện cùng các đồng phạm liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” tại Công ty địa ốc Alibaba tiếp tục có những diễn biến mới gây xôn xao dư luận.
Chỉ khắc phục thay tội "rửa tiền"
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: VNExpress
VTC thông tin, bị cáo Võ Thị Thanh Mai tiếp tục đưa ra lời khai phái trong phần xét hỏi, cho biết sẽ có cá nhân đứng ra khắc phục số tiền liên quan đến tội rửa tiền để làm căn cứ giảm nhẹ hình phạt.
"Trong lúc tòa giải lao, ông Lê Viết An liên lạc và đồng ý nộp khắc phục thay tôi số tiền 12 tỉ đồng đối với tội rửa tiền", bị cáo Mai nói.
Đáng chú ý, trong phiên xét xử sáng cùng ngày, HĐXX đã thông báo về việc cá nhân này rút đề nghị thay Nguyễn Thái Luyện bồi thường hơn 2.400 tỉ đồng cho 4.500 bị hại liên quan đến vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cụ thể, trong phiên tòa ngày 9/5, HĐXX thông báo, trước ngày diễn ra phiên phúc thẩm, một người tên Lê Viết An có đơn đề nghị thay vợ chồng Nguyễn Thái Luyện bồi thường thiệt hại cho các bị hại (hơn 2.400 tỉ đồng) và nộp thay cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) 12 tỷ đồng để khắc phục hậu quả trong tội rửa tiền.
Đổi lại, quyền sở hữu bất động sản của Luyện đang bị kê biên trong vụ án sẽ được chuyển cho ông An. Bị cáo Luyện cũng đã có văn bản đồng ý với các nội dung trên.
Luật sư trao đổi với bị cáo Nguyễn Thái Luyện. Ảnh: PLO
Theo báo Tuổi trẻ, HĐXX đã mời ông An đến làm việc và giải thích các yếu tố pháp lý xung quanh đề nghị thay các bị cáo bồi thường thiệt hại của vụ án. Theo đó, HĐXX sẽ ghi nhận việc khắc phục thiệt hại như là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Tuy nhiên phía Tòa không thể hủy lệnh kê biên tài sản. Giao dịch mua bán tài sản là quan hệ dân sự giữa bị cáo và ông An, không nằm trong phạm vi xét xử của vụ án.
HĐXX cũng cho biết đã có thư mời ông An tham dự phiên tòa với tư cách là người có liên quan đến yêu cầu kháng cáo của bị cáo Luyện nhưng ông An không đến. Người này sau đó đã rút đề nghị bồi thường thay do rủi ro khi bỏ ra số tiền quá lớn.
Nguyễn Thái Luyện có thể tự bồi thường 2.400 tỉ đồng?
Liên quan đến việc bồi thường, khắc phục hậu quả của vụ án, bị cáo Nguyễn Thái Luyện tiếp tục có ý kiến về việc định giá tài sản đã kê biên và khả năng bồi thường cho các bị hại trong vụ án.
Cũng theo Tuổi trẻ, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho biết toàn bộ tài sản bị kê biên là 652 thửa đất, với tổng diện tích gần 500ha, được định giá 1.600 tỉ đồng, trong khi bản án sơ thẩm xác định trách nhiệm bồi thường của bị cáo lên đến 2.500 tỉ đồng và hỏi bị cáo Nguyễn Thái Luyện về khả năng bồi thường.
Nguyễn Thái Luyện tự tin vào khả năng bồi thường nếu được giải tỏa kê biên. Ảnh: PLO
Báo Người lao động ghi nhân phản hồi của Nguyễn Thái Luyện, bị cáo này không đồng ý với kết quả định giá tài sản là 448ha đất mà Công ty Alibaba đã có "sổ đỏ". Bị cáo nói rằng số đất này bán ra thị trường, rẻ nhất cũng được hơn 2.000 tỉ đồng nên nếu được giải toả kê biên, bị cáo có thể dùng số tài sản này khắc phục cho các bị hại trong vụ án. Cũng theo Luyện, thông qua luật sư, được biết còn hơn 1.000 khách hàng không có trong danh sách bị hại.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thái Luyện lãnh án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Võ Thị Thanh Mai lãnh 30 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền. Về trách nhiệm dân sự, cả hai vợ chồng bị cáo có trách nhiệm bồi thường 2.500 tỉ đồng cho 4.548 bị hại bị lừa đảo, bị cáo Mai phải nộp 12 tỉ đồng khắc phục hành vi “rửa tiền”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận