Động thái của Apple: Thiệt hại của Trung Quốc là lợi ích của Việt Nam
Theo trang Australian Financial Review của Australia ngày 1/6, tập đoàn Apple của Mỹ được cho là đã chuyển nhiều hoạt động hơn ra khỏi Trung Quốc và sang Việt Nam nhằm thúc đẩy đa dạng hóa sản xuất, tăng cường thúc đẩy Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới.
Các nhà sản xuất khác đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam gồm có Pegatron của Đài Loan, chuyên sản xuất thiết bị cho những “gã khổng lồ” công nghệ như Microsoft, Apple, Sony, Foxconn.
Sự thay đổi này bắt đầu từ vài năm trước khi chi phí lao động tại Trung Quốc bắt đầu tăng lên, thậm chí còn tăng hơn nữa do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tình trạng đình trệ sản xuất tại Trung Quốc do chính sách “Không COVID-19” đã cho thấy rõ những lợi ích của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Sian Fenner, chuyên gia kinh tế hàng đầu châu Á tại Oxford Economics, cho rằng Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này ở Đông Nam Á: “Chúng tôi coi đây là điểm đến hấp dẫn nhất trong khu vực đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất”.
Chính quyền Biden cũng đang nói về lợi ích của việc các công ty chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia có quan hệ tốt với Washington. Tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi kết nối các chuỗi cung ứng “đến nhiều quốc gia đáng tin cậy hơn đối với nhiều loại sản phẩm, để Mỹ có thể tiếp tục mở rộng khả năng tiếp cận thị trường một cách an toàn, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế Mỹ cũng như các đối tác thương mại”.
Việt Nam đang làm tất cả những gì có thể để thu hút các nhà đầu tư Mỹ. Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết sẽ “dọn đường” cho những công ty có tư duy chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam. Tại cuộc gặp các công ty hàng đầu của Mỹ bao gồm Google, UPS, Blackstone, GGV Capital và Ford Motors bên lề Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN mới đây ở Washington, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết sẽ “giải quyết triệt để” các mối quan ngại của nhà đầu tư.
Hà Nội xem các dự án đầu tư nước ngoài là yếu tố then chốt trong quá trình tăng trưởng của Việt Nam và mong muốn phát triển trên cơ sở xây dựng các cơ sản xuất hàng may mặc do Nike, Adidas và các thương hiệu khác điều hành thành các cơ sở sản xuất hàng điện tử cao cấp, năng lượng tái tạo và xe điện tử.
Những nhà đầu tư có mạng lưới cá nhân sâu rộng ở Trung Quốc cho biết động lực cho việc dịch chuyển sản xuất là sở thích cá nhân cũng như lợi thế chi phí. Henry Nguyen, Chủ tịch Phoenix Holdings - công ty đầu tư tập trung vào hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ tài chính, thể thao, truyền thông và lĩnh vực bán lẻ/tiêu dùng, cho biết tác động của lệnh phong tỏa tại Trung Quốc vẫn đang hiện hữu: “Trung Quốc đi sau một năm so với các nước khác và đối với những người kinh doanh, điều đó thực sự thất vọng… Nền kinh tế Trung Quốc sẽ ở trong tình trạng tồi tệ trong phần còn lại của năm nay”.
Lần đầu tiên sau 30 năm, các nhà kinh tế kỳ vọng các nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á sẽ tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc trong năm 2022.
Các nhà phân tích của Maybank dự đoán GDP của các nền kinh tế ASEAN-6 (Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) sẽ tăng trưởng ở mức 4,9% vào năm 2022, so với mức 4,5% của Trung Quốc. Nếu không tính Singapore, quốc gia đang đi trước hơn nữa trong việc khôi phục hậu COVID-19, nhóm 5 nước còn lại được dự đoán sẽ tăng trưởng tổng cộng 5,2%. ASEAN đang áp dụng chiến lược ‘Sống chung với COVID-19’ trong điều kiện bình thường mới, trái ngược với chiến lược ‘Không COVID-19’ của Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận