Đồng ruble yếu tác động đến kinh tế Nga thế nào
Việc ruble mất giá hơn 20% so với USD năm nay được cho là con dao hai lưỡi với kinh tế Nga.
Vài tháng gần đây, giá ruble liên tục đi xuống so với USD. Từ đầu năm, ruble đã mất giá 22% so với đôla Mỹ và là một trong 3 đồng tiền có diễn biến tệ nhất nhóm nước mới nổi.
Đầu tuần này, có thời điểm ruble xuống thấp nhất 17 tháng so với đôla Mỹ, khi 1 USD đổi được hơn 100 ruble. Việc này khiến Ngân hàng Trung ương Nga phải tổ chức họp khẩn, nâng lãi suất tham chiếu từ 8,5% lên 12%.
Giá ruble đi xuống do Nga đang xuất khẩu ít hơn, thể hiện qua nguồn thu từ dầu khí giảm so với năm ngoái. Bên cạnh đó, nước này cũng tăng nhập khẩu, đồng nghĩa người Nga phải bán ruble để lấy ngoại tệ như USD và EUR.
Năm ngoái, Nga đạt thặng dư thương mại lớn, nhờ giá dầu cao và nhập khẩu lao dốc đầu chiến sự. Điều này giúp nội tệ được hỗ trợ đáng kể.
Nhưng sang năm nay, giá dầu bắt đầu đi xuống. Hoạt động bán dầu của Nga cũng gặp nhiều rào cản hơn do các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong đó có trần giá bán dầu thô và các sản phẩm từ dầu.
Nhập khẩu cũng bắt đầu hồi phục sau gần 1,5 năm chiến sự và người Nga đã tìm được cách thích nghi với lệnh trừng phạt. Một số tuyến thương mại mới được mở với các nước châu Á không tham gia trừng phạt Nga. Các hãng nhập khẩu cũng tìm được cách mua hàng thông qua các nước lân cận như Armenia, Georgia và Kazakhstan.
Bên cạnh đó, Nga còn tăng chi cho quốc phòng, bơm tiền cho các công ty sản xuất vũ khí. Các doanh nghiệp thì phải nhập khẩu nguyên liệu thô.
Ruble giảm là con dao hai lưỡi. Ngân sách Nga hưởng lợi khi nguồn thu xuất khẩu từ đôla Mỹ, euro hay nhân dân tệ quy đổi sang ruble nhiều hơn. Điều này sẽ giúp họ có thêm ngân sách chi cho việc xoa dịu tác động của lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, nó cũng khiến người Nga tốn kém hơn khi mua hàng nhập khẩu, từ đó đẩy cao lạm phát. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga dự báo lạm phát lên 6,5% năm nay, một phần vì ruble giảm mạnh.
Một rủi ro khác khi ruble yếu đi là Nga kém hấp dẫn hơn với lao động nhập cư, đặc biệt từ các nước Trung Á lân cận. Việc này sẽ là bất lợi trong bối cảnh Nga thiếu lao động trầm trọng nhất nhiều thập kỷ.
Ruble yếu vì thế đang là mối quan tâm hàng đầu của giới chức Nga, trong bối cảnh Điện Kremlin vừa phải giải quyết chi phí quân sự tăng, vừa phải tìm cách bảo vệ người dân khỏi các hậu quả của chiến sự.
Giới phân tích cho rằng Nga sẽ gặp nhiều thách thức khi niềm tin vào đồng ruble đang đi xuống. Người Nga vẫn tiếp tục chuyển tiền ra nước ngoài trong năm nay. Dòng tiền chảy ra đã lên tới 1 tỷ USD chỉ vài ngày sau cuộc nổi loạn của Tập đoàn Quân sự Tư nhân Wagner hồi tháng 6, theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga.
Tình hình kinh tế Nga hiện tại cho thấy các lệnh trừng phạt ít nhiều có tác động đến kinh tế Nga. Tuy nhiên, Chris Weafer - CEO Macro Advisory Partners khẳng định Nga không rơi vào khủng hoảng kinh tế. "Đồng ruble yếu đi phản ánh tác động từ lệnh trừng phạt. Nhưng nó không có nghĩa một cuộc khủng hoảng đang hình thành", ông cho biết trên AP.
Chi tiêu của chính phủ đang giúp kinh tế Nga diễn biến tốt hơn kỳ vọng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng trước dự báo kinh tế Nga tăng trưởng 1,5% năm nay.
Weafer cũng cho rằng tỷ giá gần như nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Trung ương Nga. Họ có thể yêu cầu các hãng xuất khẩu lớn đổi doanh thu bằng ngoại tệ sang nội tệ. "Việc yếu đi này nằm trong kế hoạch của họ, nhưng mọi chuyện đang đi quá đà và họ muốn kéo lại", chuyên gia này nhận định.
Janis Kluge – nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Quốc tế và An ninh Đức cũng cho rằng Điện Kremlin "không chào đón" việc đồng ruble mất giá. Dù đây không phải là một cuộc khủng hoảng toàn diện, "nó cũng là vấn đề kinh tế đáng ngại nhất kể từ đầu chiến sự", ông nói.
Dù ngân sách được hỗ trợ nhờ ruble yếu, chi tiêu cho lương nhân công và lương hưu của chính phủ tăng lên sẽ kéo lạm phát lên cao. "Bất kỳ điều gì đem lại cảm giác nền kinh tế yếu hoặc bất ổn đều không được chính phủ Nga chào đón. Tại Nga, tỷ giá luôn được coi là chỉ báo quan trọng nhất về sức khỏe của nền kinh tế", Kluge cho biết.
Lạm phát sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến người có thu nhập thấp, do họ chủ yếu mua nhu yếu phẩm, như lương thực. Hoạt động du lịch nước ngoài cũng sẽ đắt đỏ hơn với nhiều người Nga.
"Nội tệ biến động không bao giờ mang lại tác động tốt. Nó sẽ ảnh hưởng đến người dân bình thường, vì giá mọi thứ chắc chắn sẽ tăng theo", Dina Solovyova (51 tuổi) – một bác sĩ thú y cho biết trên AP.
Dù vậy, Nikolay Rubtsov – một sinh viên 20 tuổi – lại không mấy bận tâm đến đồng ruble giảm. "Việc này chỉ là tạm thời thôi mà. Tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ quay về bình thường sớm. Chuyện này không thể kéo dài", anh cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận