Đồng nội tệ mất giá hơn 90%, quốc gia Nam Mỹ dự tính tước quyền in tiền của ngân hàng trung ương
Những kế hoạch đầy táo bạo của tân Tổng thống Argentina Javier Milei đang được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục lại nền kinh tế vốn đang “ốm yếu” vì lạm phát.
Ngay sau khi đắc cử, tân Tổng thống Argentina Javier Milei đã tuyên bố một kế hoạch đầy táo bạo, chính là bỏ đồng peso và sử dụng đồng USD làm đồng nội tệ chính thức của Argentina.
Từng là một chuyên gia về kinh tế, ông cho rằng việc tiết kiệm bằng đồng peso vốn đã mất giá hơn 90% so với đồng USD đang dần trở nên vô nghĩa.
Việc loại bỏ đồng peso đồng nghĩa với việc Argentina sẽ tước bỏ quyền in tiền của Ngân hàng trung ương Argentina và đóng cửa luôn cơ quan này. “Việc đóng cửa Ngân hàng trung ương là một quyết định phù hợp về mặt đạo đức”, Tổng thống Javier Milei nói.
Kế hoạch táo bạo của tân tổng thống Argentina được kỳ vọng sẽ giúp chống lại tình trạng lạm phát vốn đã “ăn mòn” nền kinh tế quốc gia này trong nhiều thập kỷ qua.
Các chuyên gia kinh tế cho biết việc in tiền mất kiểm soát của ngân hàng trung ương để phục vụ cho chi tiêu công đã khiến tỷ lệ lạm phát ở Argentina lên tới 143%, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, không dễ để quốc hội Argentina thông qua kế hoạch của tân Tổng thống. Quốc hội Argentina hiện nay đang bị chia rẽ nghiêm trọng khi không có một phe cánh chính trị nào chiếm đa số đủ để thông qua được một vấn đề. Chưa kể, đối với tòa án, việc thay đồng Peso bằng một đồng tiền ngoại tệ sẽ là hành động vi hiến và vi phạm chủ quyền quốc gia.
Nếu như được thông qua, kế hoạch bỏ tiền peso thay bằng đồng USD vẫn gặp phải trở ngại lớn khác. Trong những năm trở lại đây, Argentina đã mất khả năng tiếp cận thị trường vay vốn quốc tế vì lạm phát quá cao.
Muốn chuyển đồng nội tệ sang USD, “chí ít quốc gia đó phải tiếp cận được thị trường tín dụng quốc tế”, chuyên gia kinh tế Alejandro Werner nhận định. Việc gom đồng USD đủ để lưu thông trong nền kinh tế sẽ là thách thức cực lớn của Argentina nếu không có sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế hay các chính phủ nước ngoài. Một số chuyên gia kinh tế dự tính Argentina sẽ cần vay nợ 30 tỷ USD để thực hiện hóa kế hoạch USD hóa nền kinh tế.
Chưa kể, hầu hết những nhà phân tích đều nhận định việc đô la hóa chỉ mang lại hiệu quả tốt nhất khi một nền kinh tế có tính hội nhập cao trong khi nền kinh tế Argentina lại có tính khép kín. Quốc gia này không có sự linh hoạt để chống lại những cú sốc từ bên ngoài như biến động giá nông sản, giá dầu tăng,… Và như vậy, chỉ cần một sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ, nền kinh tế USD hóa của Argentina sẽ rung chuyển.
Trên thực tế, trước Argentina, đã có nhiều quốc gia như Ecuador, El Salvador hay Panama chuyển đổi USD thành tiền tệ chính thức. Cựu Thống đốc Augusto de la Torre của Ngân hàng trung ương Ecuador từng phát biểu vào thập niên 1990 trước khi nước này chính thức USD hóa rằng: “Việc USD hóa có thể đem lại sự ổn định về mặt danh nghĩa, chẳng hạn như tạo ra một môi trường giao dịch tài chính ổn định hơn, kiềm chế lại tỷ lệ lạm phát".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận