Đồng Nhân dân tệ vẫn khó thâm nhập thương mại toàn cầu
Trung Quốc muốn đồng Nhân dân tệ đóng vai trò lớn hơn trong thương mại toàn cầu, nhưng những nỗ lực đó đã bị cản trở, vì đồng tiền này gần như không thể chuyển đổi như USD hoặc Euro.
Rủi ro cho tài chính Nga
Giới chuyên gia tại Trung Quốc cho rằng, để củng cố đồng Nhân dân tệ trong hệ thống tiền tệ quốc tế và chống lại sự thống trị toàn cầu của đồng đô la Mỹ, Trung Quốc phải mạnh dạn đổi mới không chỉ về công nghệ mà còn cả chính sách.
Nga tích cực thúc đẩy tích hợp hệ thống thanh toán trong nước với hệ thống thanh toán của Trung Quốc
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh nhà chức trách Trung Quốc đang tăng cường khả năng ứng phó với các biến động kinh tế và quốc phòng, trước sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Bắc Kinh đang có động thái giảm tốc độ cải cách tài chính, nâng cao cảnh giác với các rủi ro trong nước và bất ổn quốc tế, sau sự sụp đổ bất ngờ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và Ngân hàng Signature ở Mỹ.
Chia sẻ trên tạp chí International Finance, GS. Ju Jiandong, chuyên gia về xung đột thương mại Mỹ-Trung cho rằng, các vấn đề chính cần được xem xét hiện nay là làm thế nào để thiết lập lợi thế, tạo ra những bước đột phá táo bạo, giúp Trung Quốc có thể nắm bắt thế chủ động và giành được vị thế trong cuộc cạnh tranh tiền tệ quốc tế.
Mối đe dọa tách rời tài chính của Hoa Kỳ đã và đang gây áp lực đáng kể và dai dẳng lên Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi đối tác chiến lược Nga bị loại khỏi hệ thống đồng đô la Mỹ sau cuộc tấn công vào Ukraine năm ngoái.
Để tránh bị bóp nghẹt về tài chính, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ đa dạng hóa tài sản ngoại hối hiện đang thống trị bằng đồng đô la Mỹ, đồng thời trao quyền cho Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới do nước này phát triển và cố gắng thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài.
Theo đó, Nga đã tăng cường sử dụng Nhân dân tệ. Đây là một trong số không nhiều lựa chọn đối với Nga, bởi khoảng 300 tỷ tài sản quốc tế của Nga đã bị đóng băng do lệnh trừng phạt, chưa kể việc các ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế.
Tháng 3 này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có động thái mang tính chất “phê chuẩn” việc tăng cường sử dụng Nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế của Nga. Khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Putin nói rằng ông ủng hộ “việc sử dụng Nhân dân tệ trong thanh toán giữa Nga và các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ Latin”.
Hơn 50 ngân hàng Nga hiện đã cung cấp dịch vụ tiền gửi Nhân dân tệ, thu hút người gửi tiền bằng mức lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi USD.
Bà Alexandra Prokopenko, một cựu cố vấn của Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng, những vấn đề mà Nga gặp phải chính là “món quà lớn nhất cho Trung Quốc” xét đến mong muốn của nước này trong việc quốc tế hoá đồng tiền của mình trong giao dịch ngoại thương. Tuy nhiên, rủi ro chính đối với Nga nằm ở việc Bắc Kinh có thể có những động thái tiền tệ khó lường mà Moscow không thể phòng hộ trước vì quá khó dự báo.
“Nếu Trung Quốc quyết định phá giá tiền tệ chỉ sau 1 đêm, như đã từng làm trước kia, dự trữ ngoại hối của Nga sẽ giảm sút, các giao dịch thương mại sẽ bị gián đoạn, mà Moscow chẳng thể làm được gì”, bà nhận định.
Trung Quốc tìm bước đột phá NDT
Mặc dù vậy, tham vọng biến đồng Nhân dân tệ thành một loại tiền tệ quốc tế của Trung Quốc vẫn bị hạn chế, bởi thực tế là nó không có khả năng chuyển đổi như đồng đô la Mỹ hoặc đồng Euro, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng vẫn lo ngại về những rủi ro tài chính tiềm tàng.
Tham vọng biến đồng Nhân dân tệ thành một loại tiền tệ quốc tế của Trung Quốc vẫn bị hạn chế (ảnh: Bloomberg)
Về giải pháp, GS. Ju Jiandong đã đưa ra khái niệm về thuế lũy tiến đối với dòng vốn xuyên biên giới để chống lại rủi ro bên ngoài, sau khi dòng vốn của đất nước chảy ra từ năm 2015-2017, làm chậm đáng kể tốc độ tự do hóa tài chính. “Thiết kế chính sách như vậy sẽ giống như cài đặt một bức tường lửa, từ đó giải quyết vấn đề nan giải về tự do hóa tài khoản vốn và khả năng chuyển đổi của đồng Nhân dân tệ”. Tuy nhiên, ông đã không đưa ra đề xuất về các mức thuế có thể có, hoặc chi tiết về tiền thuế đối với bất kỳ thỏa thuận thuế nào như vậy.
Có thể thấy, việc sử dụng Nhân dân tệ ở nước ngoài đã có những bước tiến mạnh mẽ kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu dàn xếp thương mại bằng đồng Nhân dân tệ cách đây một thập kỷ. Song, quy mô của đồng tiền này chỉ chiếm 2,19% thanh toán toàn cầu, 3,5% giao dịch ngoại hối toàn cầu, 2,76% dự trữ do các ngân hàng trung ương nắm giữ và 12,28% trong tiền tệ có quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trong khi đồng USD chiếm tỷ lệ 41,1% trong thanh toán toàn cầu, 88% giao dịch ngoại hối toàn cầu và 41,73% trong rổ SDR.
Có ý kiến đánh giá, đồng đô la Mỹ được đại diện quá mức so với sức mạnh kinh tế của nó. Vẫn còn một điểm sáng đối với đồng tiền của Trung Quốc là đồng Nhân dân tệ điện tử. Trung Quốc đã thực hiện các chương trình nghiên cứu và thử nghiệm trong vài năm qua và là quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Nếu Trung Quốc có thể đổi mới toàn bộ hệ thống thông qua tiền kỹ thuật số và thiết lập một hệ thống tiền kỹ thuật số quốc tế, thì họ có thể có cơ hội để tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), áp lực hiện nay đối với các quốc gia là phải đảm bảo ổn định tài chính. Thế giới cần tăng trưởng mạnh mẽ hơn, điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải có một bước nhảy vọt về niềm tin, mở ra các biện pháp kích thích chứ không phải hạn chế chính sách. Khi cuộc suy thoái toàn cầu cùng tất cả những rủi ro liên quan đến kinh tế và sự đổ vỡ của thị trường diễn ra hoàn toàn, các ngân hàng trung ương sẽ sửa đổi cách thức điều hành của họ, để bước sang một trang mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận