Đồng nghiệp mất hai căn nhà khiến tôi nhận ra mình tiêu tiền vô tội vạ
'Em hôm nay đã tiêu cái gì, bao nhiêu?', câu hỏi của chồng khiến tôi ức chế, nhưng rồi tôi nhận ra sự dễ dãi trong chi tiêu của mình.
Sáng sớm choàng tỉnh giấc, tôi chợt bần thần nghĩ lại về người em đồng nghiệp cũ. Tôi từng nhắc em: "Cố gắng mà trả hết nợ nần, sống lại bình thường để làm người, tiếp tục như vậy em sẽ mất tất cả". Đến hôm nay, lời khuyên của tôi không may đã đeo bám cuộc đời em. Em đã mất hai căn nhà, xa lìa vợ con và cả công việc nữa. Tháng ngày sau này thực sự không biết em sẽ đi về đâu?
Đồng tiền thật sự có ma lực ghê gớm, một cú sảy chân với tiền bạc có thể sẽ cuốn đi tất cả, kể cả cuộc sống, người thân và của cải. Ngày tôi khuyên can, tôi không biết em đã lún sâu đến mức nào, giây phút đó chắc em cũng bừng nhận ra điều đó, nhưng vũng lầy đó quá sâu, thực sự đã mất kiểm soát. Cuộc đời em chỉ còn những ngày nợ nần không thể dứt ra được. Tâm trí hoảng loạn, em tìm cách vùng vẫy, được hai năm thì đến đường cùng.
Từ bài học của em đồng nghiệp, tôi suy nghĩ về ba vấn đề liên quan đến tiền bạc để bản thân và mọi người không mắc sai lầm:
1. Ý thức (understanding)
Có thể nói, các nước phương Tây, Mỹ, hay các nước đã phát triển đang có cách hiểu về tiền bạc nâng cao hơn chúng ta. Trên nền cao đó, chẳng qua là sự cân bằng được rèn luyện mỗi ngày, rèn luyện để có cách hiểu hợp lý nhất về tiền đối với mỗi người, không được quá "thờ ơ", cũng không được quá "cuốn", vì chính nó sẽ dẫn dắt đến lựa chọn: tiền bạc sẽ ở lại với chúng ta (được sở hữu chúng) hay là chỉ tồn tại bên đời (không thuộc về bạn).
Thực tế, tiền bạc như "chiếc bẫy" chắn ngang cuộc đời mỗi người, tiềm thức về tiền bạc luôn luôn trong tâm trí mỗi người, nhưng có nhiều cách hiểu, khiến cho tiền bạc tồn tại ở nhiều dạng thức, "chiếc bẫy" này sẽ ám vào người tôn thờ cảm xúc bằng trạng thái thái quá ở dạng thức "nỗi sợ, xa lánh" hay "đam mê, chiếm hữu".
2. Kiểm soát (Controlling)
"Tiêu tiền mà không biết nó sẽ đi đâu, có thể dẫn đến nợ nần, phí thấu chi và căng thẳng tài chính liên tục. Theo dõi chi tiêu của bạn giúp ưu tiên những thứ cần thiết, xác định những khoản chi tiêu lãng phí và tìm cách cắt giảm và tiết kiệm" (Henry). Phần kiểm soát tiền bạc đòi hỏi bạn phải nắm vững thu – chi tài chính cá nhân của chính mình.
Kinh nghiệm đầu tiên để tôi quản lý tốt tiền bạc, là lập bảng theo dõi thu – chi. Nói thì dễ nhưng việc thực hiện nó riêng tôi cũng gặp phải những rào cản nhất định về tâm lý như sự gò bó, dễ dãi, thiếu niềm tin. Khi mới bắt đầu, tôi vô cùng giận dữ khi người chồng thân yêu của mình đặt câu hỏi: "Em hôm nay đã chi tiêu cái gì? Bao nhiêu?". Tôi tức giận, ức chế như thể mình không được tin tưởng, phải khai báo số chi tiêu hàng ngày. "Lẽ nào anh ấy không tin mình?", tôi tự hỏi.
Nhưng nhiều ngày sau đó, cảm giác tức giận được xoa dịu dần, tôi cảm thấy sự dễ dãi trong chi tiêu như trước kia sẽ không thể giúp mình phân loại, cũng như khó nhìn thẳng vào các vấn đề tài chính đang xảy ra trong gia đình mình và giải pháp để giải quyết khó khăn. Chúng tôi tự lập bảng thống kê các chi tiêu theo cảm nhận cá nhân để dễ hiểu nhất, thông qua việc chia các loại chi tiêu thành ba loại: cần thiết, hỗ trợ và thỏa mãn; với tỷ lệ 50%, 20% và 30% (sau khi đã trừ 10-30% thu nhập để tiết kiệm đầu tư).
Chúng ta sẽ tìm ra các khoản chi tiêu lãng phí, thiếu hiệu quả để cắt giảm và tiết kiệm. Những thứ cần thiết có thể kể đến như ăn uống, quần áo, tiền điện, nước, cước phí Internet... là thành phần bắt buộc phải ưu tiên trong cuộc sống; và các thứ hỗ trợ như sách, chất bổ, thuốc, quan hệ và dành một phần khá nhiều cho thỏa mãn như du lịch, nâng cấp quan hệ, khách đến chơi đột xuất, các thú vui, đam mê...
Có một kết quả tôi muốn chia sẻ với các bạn là sau khi lập bảng thống kê, tôi thật sự rất bất ngờ, khi số tiền phải chi cho quan hệ, nâng cấp quan hệ và các cuộc đi chơi, tiếp khách là lớn nhất. Không thể nói đây là khoản tiền lãng phí được, nhưng nó khiến số tiền chi tiêu hàng tháng của gia đình tôi tăng lên gấp đôi. Nhưng may mắn là các khoản chi này mang tính thời vụ, một năm sẽ có tầm 3-4 tháng đột biến như thế.
Vì thế, khi nhận ra được vấn đề, tôi chi tiêu các tháng còn lại một cách kiểm soát hơn và nó đã trở về mức cơ bản, mức chấp nhận được. Trước đây nếu không lập bảng thu chi, tôi đã ngộ nhận việc ăn uống, quần áo cơ bản là lớn nhất, bất ổn nhất, nhưng thực tế nó lại là khoảng chi tiêu thấp, ổn định, giúp tôi nhận ra các thứ quan trọng cần kiểm soát tập trung hơn.
Thu nhập có lẽ sẽ tăng lên theo thời gian, bạn mơ uớc sẽ có được mức lương cao, tuy nhiên thu nhập tăng lên chưa chắc bạn đã có số dư trong tài khoản nhiều hơn. Một thuật ngữ lý giải cho trường hợp này chính là "lạm phát lối sống". Nhiều người than thở "ngày xưa làm ít tiền, sao lại có dư sống thoải mái, nhưng hiện nay lương cao hơn, tiền nhiều hơn mà cuộc sống lại không mấy dư dả mà gò bó đến khó chịu?".
Một khi tăng thu nhập mà việc kiểm soát không được duy trì, bạn sẽ cảm thấy đời sống nên được nâng cấp, bản thân chăm chút hơn, không chỉ là ăn ngon, mặc đẹp mà còn là tăng mức hưởng thụ, mua sắm các thiết bị phục vụ cuộc sống tiện lợi hơn, qua đó góp phần cho việc chi tiêu tăng lên đáng kể, tiền tiết kiệm cũng bị bào mòn, gây cảm giác thiếu thốn bởi sự gia tăng nhu cầu bản thân. Nên, thu nhập và chi tiêu cần được đặt lên bàn cân một cách kỹ lưỡng, vẫn tạo ra một đời sống thoải mái, nhưng phải đảm bảo "thu lớn hơn chi" để có khoảng tiết kiệm cho tương lai.
Có một phần nhỏ, tôi muốn nhắc các bạn để tránh sai lầm trong chi tiêu, đó là kiểm soát thẻ tín dụng, việc sử dụng app mua sắm, mua sắm online; như mọi người đều biết thẻ tín dụng ra đời và sự thuận tiện trong mua sắm để kích cầu tiêu dùng. Nếu không khéo, việc kích thích tiêu xài, tôi không đánh giá nó hoang phí hay không nhưng vô tình sự tiện lợi đã đánh vào tâm lý được cung cấp tức thời các ham muốn, thỏa mãn thì mọi nỗ lực kiểm soát dễ "đổ sông đổ bể", khi muốn sửa chữa các sai lầm có khi đã quá muộn.
3. Tiết kiệm (Saving)
Tiết kiệm đề phòng những rủi ro là việc làm thường xuyên, rất hay của rất nhiều thế hệ ông bà cha mẹ ta đi trước. Việc làm dễ dàng ấy, nay lại trở thành một thứ khá khó khăn đối với thế hệ chúng ta hiện tại. Mỗi khi tôi cho lời khuyên hoặc hỏi về tương lai, có quá nhiều thứ văn hóa đã du nhập vào thế hệ trẻ đến mức tôi không biết người trẻ đã học qua những gì trong quá trình lớn lên?
Trở lại với bài viết, mấu chốt của việc tiết tiết kiệm là các khoản rủi ro, những điều bất ngờ, khó đoán trong tương lai, hay đơn giản là để mua nhà, sắm sửa thì điều cần thực hiện tiết kiệm. Sau khi đã kiểm soát được thu – chi thì tài chính cá nhân của bạn đã trở nên lành mạnh hơn.
Sau một biến cố bệnh tật của một thành viên trong gia đình và sự sụt giảm bất ngờ về lương đã khiến tôi trở nên thức tỉnh và coi trọng việc tiết kiệm phòng thân để có thể trang trải dài ngày hơn, đặc biệt là không lún sâu vào nợ nần. Lập một kế hoạch chi tiêu thông minh cho bản thân hay gia đình tuy không khó nhưng nó đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, kỷ luật, đó là quá trình lâu dài, việc trải nghiệm liên quan đến tiền bạc giúp chúng ta thấu tỏ hơn về tính cách, nhận thức về tiền bạc của mọi người xung quanh.
Cá tính của chúng ta sẽ quyết định lựa chọn cách chi tiêu của mỗi người sao cho phù hợp nhất. Lời khuyên của tôi là các bạn đừng chi tiêu theo cảm tính cá nhân, hay ước chừng việc chi tiêu mà thiếu kiểm soát. Nợ nần không trừ bất cứ một ai, vòng xoáy tài chính vô cùng đặc biệt nó có thể nâng bạn lên, nhưng cũng có thể nhúng bạn vào vũng bùn không thương tiếc. Hãy lựa chọn để không mắc sai lầm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận