Đông Nam Á trong chiến lược của Mỹ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm qua đã đến Singapore, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 3 nước Đông Nam Á nhằm khẳng định sự đề cao của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với khu vực.
Tại Singapore, ông Austin và người đồng cấp Ng Eng Hen khẳng định quan hệ quốc phòng song phương tốt đẹp, bày tỏ hài lòng khi hợp tác quân sự vẫn mạnh mẽ bất chấp đại dịch COVID-19. Hai bên cũng trao đổi về những diễn biến địa chính trị và các vấn đề an ninh khu vực, đồng ý về tầm quan trọng của việc Mỹ tiếp tục tham gia vào khu vực.
Tối qua, ông Austin có bài phát biểu tại khách sạn Fullerton nhằm nhấn mạnh Mỹ là một đối tác đáng tin cậy để giúp các quốc gia ở Ấn Độ - Thái Bình Dương có quyền tự quyết và “xây dựng lại tốt đẹp hơn” sau đại dịch COVID-19. Bài phát biểu của ông Austin cũng nhấn mạnh “trật tự khu vực công bằng, cởi mở và bao trùm hơn”, đồng thời nêu ra những cách mà Mỹ làm việc với mạng lưới đồng minh và đối tác để nâng cao khả năng đối phó với những thách thức an ninh - quốc phòng trong thế kỷ 21, Straitstimes đưa tin.
Ông Austin là quan chức nội các Mỹ đầu tiên đến thăm Đông Nam Á, nhưng đây là chuyến đi thứ hai của ông đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm nhấn mạnh sự coi trọng của chính quyền Biden đối với “khu vực ưu tiên”, một quan chức cấp cao cùng đi với Bộ trưởng Austin cho biết. “Trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, khi các đối tác cần, Mỹ luôn có mặt”, quan chức trên viết trên trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/7.
Tình hình ở Biển Đông khiến các quốc gia ở khu vực lo ngại các quy tắc quốc tế đang bị xói mòn. “Các bạn sẽ thấy chúng tôi rất kiên định rằng, tất cả các quốc gia đều phải tuân theo cùng quy tắc, không quốc gia riêng lẻ nào được quyết định quy tắc mà các nước khác phải tuân theo, và ở khu vực này công lý không thuộc về kẻ mạnh”, quan chức Mỹ nói.
Phòng thủ tích hợp
Trong chuyến đi này, ông Austin dự kiến nói về ý tưởng phòng thủ tích hợp. Tuy nhiên, khái niệm này đã mở rộng ra các lĩnh vực không gian vũ trụ và không gian mạng, vì thế cần sự hợp tác của các đồng minh và đối tác. “Đây là điểm chính trong các cuộc nói chuyện về cách chúng tôi phối hợp với các đồng minh và đối tác để tiếp tục ngăn chặn sự xâm lược hoặc xung đột”, AP dẫn lời một quan chức trong phái đoàn Mỹ cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Việt Nam từ ngày 28 đến 29/7, theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. Chuyến thăm tiếp tục góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa quân đội hai nước cũng như hợp tác song phương,
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
“Những liên minh và quan hệ đối tác mạnh mẽ là chìa khoá để hỗ trợ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đó là lý do tôi sẽ thăm Singapore, Việt Nam và Philippines trong tuần này, và tôi mong chờ cơ hội phát biểu tại buổi nói chuyện Fullerton lần thứ 40 vào tối 27/7”, ông Austin viết trên Twitter tối 26/7.
Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của quan chức cấp cao nội các Mỹ đến Singapore, nơi Mỹ vẫn chưa đề cử đại sứ. Trước đó, ông Austin đã thăm châu Âu hai lần, đã thăm Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ. Điều này khiến một số nhà phân tích băn khoăn rằng chính quyền Biden ưu tiên Đông Nam Á đến mức nào.
“Vì một chiến lược châu Á hiệu quả, vì một cách tiếp cận Ấn Độ - Thái Bình Dương hiệu quả, Mỹ cần làm nhiều hơn ở Đông Nam Á”, ông Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nói tại một sự kiện của Asia Society ngày 6/7.
Các chuyên gia nói rằng, sự hiện diện của ông Austin có vai trò rất quan trọng để khẳng định rõ rằng Đông Nam Á là một thành tố quan trọng trong nỗ lực của Tổng thống Biden. “Chính quyền Mỹ hiểu khu vực này vô cùng quan trọng, vì thế việc cần thiết là phải thể hiện điều đó”, ông Greg Poling, nhà nghiên cứu cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington nói với Reuters.
Lầu Năm Góc mới đây đã hoàn tất đánh giá về chính sách Trung Quốc. Ông Austin tiếp tục có những chỉ đạo nội bộ về việc chuẩn bị nhiều sáng kiến, nhưng chưa có nhiều thông tin chi tiết được công bố. Ưu tiên của ông Austin trong chuyến thăm Philippines sẽ là thúc đẩy gia hạn thoả thuận cho phép Mỹ tiếp tục duy trì lực lượng ở quốc gia này.
Chính quyền Biden đang nỗ lực huy động các đồng minh và đối tác để tạo nên mặt trận thống nhất nhằm đối phó với điều mà Washington coi là chính sách kinh tế và ngoại giao ngày càng chèn ép của Trung Quốc. Một trụ cột quan trọng thiếu vắng trong sự can dự đó là kinh tế và thương mại, sau khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017.
Chính quyền Biden khẳng định không vội vàng quay lại với một thỏa thuận như vậy, vì những người phản đối cho là sẽ làm mất việc làm của Mỹ. Nhưng Washington đang bàn về khả năng đưa ra những thỏa thuận quy mô nhỏ hơn, như thương mại điện tử.
Các nhà phân tích cho rằng Mỹ sẽ cần phải cân bằng giữa một bên là nhấn mạnh mối đe dọa từ Trung Quốc với việc tránh coi Đông Nam Á chỉ là một mặt trận quân sự.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận