Đông Nam Á bất ngờ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Đông Nam Á vừa bất ngờ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020, giữa thời điểm Mỹ nỗ lực giới hạn sự tham gia của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo cơ quan hải quan Trung Quốc hôm 14-7, tổng xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đến 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng 2% trong năm nay, đạt 297,8 tỉ USD.
ASEAN hiện đóng góp 14,7% trong tổng thương mại của Trung Quốc giai đoạn tháng 1 đến tháng 6-2020, tăng so với con số 14% của năm 2019.
"Trung Quốc duy trì quan hệ thân thiết cùng các nước như Việt Nam, Malaysia và Singapore, những nơi góp phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho ngành công nghiệp điện tử", ông Lý Khôi Văn, người phát ngôn Tổng cục Hải quan Trung Quốc, phát biểu ngày 14-7.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, hoạt động thương mại giữa EU và Trung Quốc đã giảm 5% còn 284,1 tỉ USD trong năm nay, một phần vì nước Anh rời khỏi khối này.
Tương tự, đối tác thương mại đứng thứ 3 của Trung Quốc là Mỹ cũng giảm 10% giữa lúc quan hệ song phương trở nên căng thẳng.
EU và Mỹ đóng góp lần lượt 14% và 11,5% vào tổng thương mại của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020.
Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng chuỗi cung ứng mới tại Đông Nam Á trong thời điểm Washington chặn các công ty công nghệ của nước này. Những nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc cũng dần chuyển dịch chuỗi sản xuất đến Đông Nam Á để tránh thuế quan của Mỹ.
Dù Mỹ đã chặn đứng việc bán chip điện tử cho Trung Quốc, nhiều chuyến hàng vẫn tìm tới được quốc gia này thông qua Đông Nam Á.
Hoạt động thương mại còn được củng cố bởi các doanh nghiệp Trung Quốc đặt cơ sở sản xuất tại những nước ASEAN. Trong số đó, nhiều nhà xưởng lắp ráp các linh kiện cần thiết để chuyển tới Trung Quốc.
Trung Quốc và ASEAN đã kích hoạt một thỏa thuận thương mại tự do được sửa đổi vào tháng 10-2019. Theo ông Lý, thỏa thuận này đã "hạ thấp rào cản về quy tắc xuất xứ, tiền tệ, dịch vụ, đầu tư và các lĩnh vực khác, nhân đôi lợi thế của một hiệp định thương mại tự do".
Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư, Việt Nam đã thông qua gói đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc đại lục trị giá 3 tỉ USD vào năm 2019, tăng 75% so với 1 năm trước đó. Quyết định này biến đại lục trở thành nhà đầu tư ngoại lớn thứ 3 của Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận