Động lực từ tuyến metro số 1
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tạo trục phát triển hạ tầng đô thị dọc chiều dài gần 20 km của tuyến, đặc biệt là tại các nhà ga ở địa bàn TP Thủ Đức.
Gần 10 năm qua có hơn 30 dự án bất động sản, chủ yếu gồm những tòa chung cư, cao ốc, khu đô thị... có vị trí cách nhà ga metro từ 500-1.000 m mọc lên. Dù cuối năm 2023 dự án mới chính thức đi vào hoạt động nhưng hiện nay, “hệ sinh thái metro” đã hình thành rõ nét dọc tuyến đường này.
Với quy mô 14 nhà ga phân bố đều trong 20 km, tuyến metro số 1 đi qua nhiều khu vực từ trung tâm tới ngoại ô của TP HCM. Theo đó, rất nhiều dự án xây dựng chung cư, cao ốc, khu dân cư... đã đón đầu, “ăn theo” tuyến metro này với vị trí nằm cách nhà ga từ 500 tới 1.000 m. Trong đó, các nhà ga như An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Ngã tư Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Suối Tiên, Bến xe miền Đông mới là những địa điểm thu hút nhiều dự án nhất.
Ngoài các khu đô thị đã hình thành, cách đây ít lâu, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM đã lập quy hoạch về 10 khu đô thị quanh các nhà ga của tuyến metro số 1 với tổng phạm vi lên đến gần 600 ha. Theo đánh của Sở Quy hoạch Kiến trúc, dọc tuyến metro số 1 có quỹ đất lớn để phát triển các trung tâm dịch vụ đa chức năng và chuyên ngành, khu nhà cao tầng. Việc phát triển các khu đô thị dọc metro nhằm cải thiện không gian, cảnh quan theo hướng hiện đại, văn minh, phát huy các di sản văn hóa.
Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM cho rằng, việc phát triển các khu đô thị dọc metro số 1 đi theo xu thế chung của thế giới với mô hình phát triển định hướng. Theo đó, ở những đầu mối giao thông sẽ phát triển đô thị, dân cư và các loại hình dịch vụ. Việc tập trung dân cư xung quanh các nhà ga vừa tạo môi trường sống tiện ích cho người dân và cũng là nguồn khách dồi dào sử dụng metro, tạo thói quen sử dụng phương tiện công cộng cho người dân.
Tuy nhiên, ông Cương cũng cho rằng, giao thông công cộng phải phát triển đồng bộ với các khu đô thị xung quanh. Việc xây dựng nhà ở, trung tâm thương mại một cách ồ ạt, nhưng hạ tầng giao thông kèm theo chưa tương xứng sẽ xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe kéo dài. Do đó, cùng với tập trung phát triển đô thị thành phố cần chú ý phát triển các trục giao thông.
Trong khi đó, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đánh giá, phát triển hạ tầng giao thông huyết mạch như metro, đại lộ, đường cao tốc... sẽ mở ra những cơ hội tăng giá trị đất ở khu vực lân cận. Theo ông Sơn, trước đây tư duy làm dự án hạ tầng để phục vụ việc đi lại của người dân mà “quên” không tạo ra các khu đô thị, dân cư để đồng bộ với dự án hạ tầng. Vì vậy việc phát triển các khu đô thị dọc theo metro số 1 là cần thiết và quan trọng, phù hợp với nhu cầu trong ít năm tới.
Ngoài những khu đô thị, chung cư, cao ốc... đã và sắp hình thành, hiện nay TP HCM cũng đang xây dựng nhiều hạ tầng nhằm kết nối tại các nhà ga để tăng hiệu quả khai thác của tuyến metro này. Theo đó, hàng trăm tỉ đồng đã được đầu tư xây dựng các nhà để xe, khu vực đậu xe ô tô cùng việc điều chỉnh mạng lưới dừng đỗ xe buýt thông thường để tạo hiệu ứng tốt nhất dành cho tuyến metro.
Dù còn khoảng hơn một năm nữa mới chính thức vận hành thương mại nhưng hiện nay những hiệu ứng mà tuyến đường sắt metro số 1 tạo ra với khu vực phía Đông Bắc thành phố là rất lớn. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực giúp dự án khổng lồ này đạt hiệu quả cao khi đưa vào sử dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận