Động lực nào giúp Trung Quốc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số
Trung Quốc sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế. Điều này được nêu trong kế hoạch hành động phát triển nền kinh tế số đến năm 2025 do Chính phủ Trung Quốc công bố.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, giá trị gia tăng của các ngành then chốt nền kinh tế số đạt 10% GDP và có đến 60 triệu người người sử dụng Internet băng thông rộng tốc độ tối đa từ 1 Gbps. Trọng tâm sẽ là đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin, bao gồm các trung tâm dữ liệu tích hợp quốc gia, các cấu trúc điều phối phân chia sức mạnh tính toán, tạo ra các thuật toán và phát triển các ứng dụng để sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Trên cơ sở luật bảo mật dữ liệu được thông qua hồi mùa Hè năm ngoái, đến năm 2025, Trung Quốc lên kế hoạch tạo ra một hệ thống trao đổi dữ liệu thị trường chính thức theo quy định của pháp luật. Để thực hiện điều này, điều cần thiết là phải tạo ra các cơ chế mới để phát triển và sử dụng dữ liệu như một yếu tố mới trong sản xuất.
Theo Liu Dian, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Phúc Đán, để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, Trung Quốc cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chuyên sâu - tức là nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số đang phát triển nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình của các ngành khác, do vậy, chuyển đổi kỹ thuật số cần tạo ra các điều kiện cho quá trình chuyển đổi này.'
Hiện Trung Quốc vẫn đi sau các nước dẫn đầu thế giới, bao gồm cả Mỹ, về một số công nghệ cơ bản, chẳng hạn như sản xuất chất bán dẫn. Lợi dụng tình hình này, Washington gây áp lực trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc, đưa họ vào "danh sách đen" và hạn chế quyền tiếp cận công nghệ Mỹ. Một số doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc, bao gồm Huawei, SMIC, Sensetime và những công ty khác, đã gặp khó khăn nghiêm trọng do lệnh cấm này của Mỹ.
Tài liệu do Chính phủ Trung Quốc công bố nêu rõ tầm quan trọng của việc tạo ra sản phẩm của chính mình trong nghiên cứu cơ bản. Ngoài ra, sự phát triển của nền kinh tế số tự nó mang theo những rủi ro trong xã hội. Liu Dian nhấn mạnh điều quan trọng là phải đảm bảo phân phối công bằng các nguồn tài nguyên kỹ thuật số để tình trạng bất bình đẳng không trở nên trầm trọng hơn. Cũng theo chuyên gia này, nhiệm vụ hàng đầu là đẩy nhanh sự phát triển của Internet công nghiệp để quá trình chuyển đổi kỹ thuật số không chỉ ảnh hưởng đến phân khúc người dùng mà cả toàn bộ ngành công nghiệp nói chung.
Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng trạm sạc cho xe điện với hơn 1 triệu trạm vào năm 2019, trong khi Liên minh châu Âu (EU) chỉ hướng tới con số này vào năm 2025. Trung Quốc đã lắp đặt hơn 1,3 triệu trạm thu phát 5G, đến năm 2025, mật độ phủ sóng dự kiến sẽ là 25 trạm cho mỗi 10.000 người. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có những thành tựu tốt trong nghiên cứu cơ bản. Năm 2021, nước này đã thu hút 131 tỷ USD đầu tư mạo hiểm, gấp 1,5 lần so với một năm trước đó. Mặc dù chỉ số này của Mỹ vẫn lớn gấp đôi Trung Quốc, nhưng trong các lĩnh vực quan trọng như sản xuất chip, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào triển vọng của Trung Quốc. Các công ty sản xuất chip và chất bán dẫn cũng như các công ty khởi nghiệp Trung Quốc đã huy động được 8,8 tỷ USD đầu tư vào năm 2021, trong khi các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ chỉ huy động được 1,3 tỷ USD trong cùng kỳ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận