Động lực nào để bất động sản Sầm Sơn “cất cánh”?
Hạ tầng quy hoạch đồng bộ, nhiều dự án cao cấp xuất hiện và du lịch tăng trưởng ổn định đang là những nhân tố đưa bất động sản Sầm Sơn hút mạnh dòng tiền...
"Lột xác" do chính sách "vàng"
Cách thành phố Thanh Hóa 16 km về phía đông, Sầm Sơn được thiên nhiên ưu đãi với vị trí nằm ở nơi sơn thủy hữu tình, có nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng cùng bãi tắm cát trắng trải dài. Năm 2018, Sầm Sơn đón hơn 4,2 triệu lượt khách, phục vụ ăn nghỉ 8,1 triệu ngày khách, trở thành một trong những thành phố hút khách du lịch nhất tại Bắc Trung Bộ.
Kết quả tăng trưởng du lịch này không đến một cách tự nhiên mà nó bắt nguồn từ hàng loạt các thay đổi bao gồm chính sách, quy hoạch cũng như sự đầu tư của cả nhà nước và doanh nghiệp.
Sớm nhận ra điểm yếu của du lịch Sầm Sơn nằm ở khâu dịch vụ, vài năm trở lại đây, Thanh Hóa thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý dịch vụ du lịch.
Theo đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các cơ sở lưu trú và cá nhân vi phạm trong quá trình kinh doanh dịch vụ du lịch và lưu trú, cũng như các hành vi ứng xử thiếu văn hóa đối với du khách, làm ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch của thành phố.
Cùng với nguồn ngân sách nhà nước bố trí phát triển mạng lưới giao thông kết nối, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông nội thị; chính quyền và doanh nghiệp cùng "bắt tay" để tạo ra một không gian ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương khang trang, sạch đẹp; những hệ thống ki-ốt được sắp xếp, bố trí bảo đảm mỹ quan, khoa học hơn; các trục đường, phân khu chức năng được quy hoạch, quản lý, sử dụng hiệu quả.
Việc khai trương 15 Hubway trên 3,5 km dọc đường Hồ Xuân Hương đã tạo ra một trong những bãi biển được quy hoạch bài bản đẹp nhất Việt Nam.
Cùng với đó, trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm như: Dự án đường giao thông nối thành phố Sầm Sơn với Khu Kinh tế Nghi Sơn, Khu đô thị du lịch sinh thái FLC...
Đến nay, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch và các dự án trên địa bàn thành phố đã hoàn thành theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo bộ mặt đô thị du lịch theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện đối với du khách...
Có thể thấy, từ những chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, Sầm Sơn đang trở thành một đô thị du lịch hiện đại, thân thiện ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng.
Bất động sản sôi động nhờ nâng cấp cơ sở hạ tầng
Như một quy luật tất yếu, khi cơ sở hạ tầng được cải thiện và tốc độ tăng trưởng du lịch tăng đều từng năm, dòng vốn đổ vào bất động sản cũng sẽ theo đó mà tăng mạnh.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa thì nguồn cung bất động sản tại Thanh Hóa, đặc biệt là tại Sầm Sơn đang khá phong phú, chủ yếu đến từ các dự án quy mô lớn, được trang bị nhiều tiện ích đồng bộ và có hạ tầng giao thông thuận lợi.
Trong đó, khu vực dự án FLC Sầm Sơn có thể xem là "điểm nóng" khi sở hữu hệ tiện ích nghỉ dưỡng cao cấp và đồng bộ với hai khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, Trung tâm Hội nghị Quốc tế 1.300 chỗ, sân golf 18 hố đẳng cấp quốc tế cùng hơn 70 tiện ích khác....Đây là dự án có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản Sầm Sơn trong những năm qua.
Theo thống kê, giai đoạn trước năm 2015, giá bất động sản tại khu vực dự án này chỉ vài triệu một m2, thậm chí không có giao dịch. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện FLC Sầm Sơn, giá đất bắt đầu tăng mạnh lên 10 triệu đồng/m2 vào 2015, và hiện tại đã đạt trên 20 triệu đồng/m2.
Một số khu vực khác cũng ghi nhận đà tăng tích cực, như tuyến đường ven biển Hồ Xuân Hương, kể từ khi được chỉnh trang, giá đất cán mốc 130 - 150 triệu/m2 trong hiện tại. Mức giá này đã tăng gần như gấp đôi so với năm 2015.
Song song với đường Hồ Xuân Hương, đất nền mặt đường Thanh Niên chỉ dao động khoảng 7 triệu đồng/m2 vào thời điểm năm 2015 thì nay đã tăng gấp 3 - 4 lần, đạt mức 23 - 30 triệu đồng/m2.
Hay như đất nền tại đại lộ Nam Sông Mã chạm ngưỡng 80 - 100 triệu/m2 so với mức giá 70 triệu/m2 năm 2015. Ngay cả mặt sau đại lộ Nam sông Mã cũng được hưởng "sóng" tăng giá khi được giao dịch ở mốc 25 - 29 triệu đồng/m2, trong khi năm 2015 chỉ có giá 7 triệu đồng/m2.
Khảo sát thị trường mới nhất do Hội môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, đất nền, liền kề, nhà phố tại Sầm Sơn đang ở giai đoạn "tăng nóng" khoảng 10 - 15%, tỷ lệ thanh khoản ở cá biệt một số khu vực sôi động có thể lên tới 70 - 80%.
Với đà tăng trưởng mạnh mẽ này, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng - giải trí tại Sầm Sơn đang không chỉ là cuộc chơi của các ông lớn trong ngành, mà còn là địa hạt rộng mở cho các nhà đầu tư cá nhân đang tìm kiếm cơ hội đầu tư bền vững với lợi nhuận hấp dẫn trong dài hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận