Động lực nào cho các cổ phiếu ngành gạo?
Trong thời gian tới, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể sẽ có những chuyển biến tích cực, tạo động lực tăng trưởng cho các cổ phiếu nhóm ngành này.
Lúa là một trong những cây lương thực chính trên toàn thế giới, sản lượng sản xuất cũng như nhu cầu tiêu thụ gạo tương đối ổn định trong những năm qua, trong khi đó lượng dự trữ tăng dần qua các năm.
Năm 2019, sản lượng lúa gạo thế giới đạt 493,8 triệu tấn, giảm 0,5% so với 2018 do tác động của El Nino gây ra hạn hán ở nhiều khu vực. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, sản lượng lúa gạo thế giới năm 2020 ở mức 501,9 triệu tấn, lượng tiêu thụ đạt 498,1 và dự trữ đạt 184,2 triệu tấn.
Sản lượng sản xuất cũng như nhu cầu tiêu thụ lúa gạo tương đối ổn định trong những năm qua, trong khi lượng dự trữ tăng dần qua các năm
Tại Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có sản lượng lúa lớn nhất, chiếm khoảng 56% tổng sản lượng lúa cả nước. Tiếp theo là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chiếm khoảng 16,1% và Đồng bằng sông Hồng khoảng 14,3%.
Từ năm 2013 đến nay, diện tích trồng lúa cả nước có xu hướng ngày càng giảm. Theo đó, sản lượng lúa cũng giảm nhưng với tốc độ chậm hơn, do năng suất được cải thiện. Vào những năm 2012-2013, năng suất trồng lúa đạt khoảng 56 tạ/ha thì vào 2019 năng suất đạt hơn 58 tạ/ha.
Từ năm 2013 đến nay, diện tích trồng lúa cả nước có xu hướng ngày càng giảm, sản lượng lúa cũng giảm nhưng với tốc độ chậm hơn
Sản lượng lúa năm 2019 đạt 43,45 triệu tấn tương đương hơn 22 triệu tấn gạo.
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Trung bình 5 năm gần đây, sản lượng xuất khẩu gạo ở mức 5,8 triệu tấn/ năm với giá trị khoảng 2,9 tỷ USD.
Tỷ lệ xuất khẩu gạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ngày càng thấp. Nếu như trong những năm 2009-2010, xuất khẩu gạo chiếm khoảng 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thì hiện nay chỉ còn khoảng 1,3%. Tỷ lệ này có thể sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới vì xuất khẩu các mặt hàng khác đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với gạo.
Gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Ghana, Iraq. Riêng 5 thị trường này đã chiếm 76,5% giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020.
Hiện nay, tỷ lệ gạo xuất khẩu qua Mỹ và EU chiếm tỷ trọng thấp, một phần do thói quen sử dụng lúa mì nhiều hơn gạo, một phần do gạo Việt Nam chưa đạt những tiêu chuẩn khắt khe của hai thị trường này. Trong 4 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ xuất khẩu gạo qua Mỹ và EU lần lượt chiếm 0,3% và 0,25% tổng giá trị xuất khẩu gạo cả nước.
Gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Ghana, Iraq với 76,5% giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020
Với đặc thù là ngành nông nghiệp, việc trồng lúa gạo ở Việt Nam không tránh khỏi những tác động của thời tiết khí hậu. Đặc biệt những năm gần đây, các hiện tượng như thiếu nước ở Đồng bằng sông Hồng hay nước mặn xâm lấn ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến nhiều diện tích lúa bị thiệt hại. Trong những năm tới, khí hậu còn nhiều biến đổi, nên đảm bảo được sản lượng sản xuất như những năm qua là điều khó khăn.
Thách thức đặt ra với các doanh nghiệp trồng trọt và sản xuất gạo là phải tạo ra những giống lúa có khả năng chống chịu tốt hơn, áp dụng công nghệ kỹ thuật vào canh tác và phải theo dõi diễn biến khí hậu để kịp thời ứng phó.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và việc Chính chủ tạm ngưng cho xuất khẩu gạo nên sản lượng gạo xuất khẩu mới đạt 2,7 triệu tấn. Nghĩa là vẫn còn khoảng 4 triệu tấn gạo có thể xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm nhưng giá gạo năm nay tăng cao 25-30% so với năm ngoái. Theo chúng tôi, giá gạo xuất khẩu từ nay tới cuối năm vẫn ở mức cao. Từ ngày 01/05 khi Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại, sản lượng xuất khẩu tăng đột biến, trong những tháng còn lại có thể sẽ xuất khẩu hết 4 triệu tấn còn lại.
Trong thời gian tới, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể sẽ có những chuyển biến tích cực nhờ vào việc Nhật Bản đang xem xét chuyển hướng nhập khẩu từ Mỹ sang các nước ký kết hiệp định CPTPP, trong đó có Việt Nam.
Thêm vào đó, theo Hiệp định EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu gạo là 80 nghìn tấn và sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gạo tấm sau 5 năm và các sản phẩm từ gạo sau 3- 5 năm. Tổng lượng xuất khẩu gạo Việt Nam qua EU năm 2019 ở mức 19,85 nghìn tấn, 4 tháng đầu năm 2020 ở mức 2,52 nghìn tấn, cho thấy dung lượng còn lại cho xuất khẩu gạo trong hạn ngạch được hưởng mức thuế 0% qua EU là rất lớn.
Để tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo qua EU theo EVFTA, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải nâng cao chất lượng và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để đáp ứng tiêu chuẩn xuất xuất khẩu sang thị trường này.
Với những diễn biến trên, thị trường chứng khoán cũng chịu tác động nhất định, đặc biệt một số cổ phiếu trong ngành gạo có sự ảnh hưởng với những điểm nhấn rõ rệt. Trong khi cổ phiếu AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang được đánh giá xếp hạng tăng trưởng tích cực với 62% doanh thu tới từ xuất khẩu gạo và mua bán lương thực, thực phẩm, thì 38% còn lại từ kinh doanh xe gắn máy, phụ tùng và hoạt động khác. AGM là một trong những doanh nghiệp với quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu nhỏ nhưng lợi nhuận tốt.
Hay cổ phiếu LTG (CTCP Tập đoàn Lộc Trời) cũng được đánh giá xếp hạng tăng trưởng trung tính với kết quả năm 2019, LTG dẫn đầu thị trường gạo thương hiệu với 5,7% thị phần. Năm 2020, LTG định hướng tập trung vào phân khúc gạo với giá bán cao tại thị trường nội địa và là doanh nghiệp tiên phong xây dựng chuỗi giá trị ngành lúa gạo, từ phân phối giống, vật tư nông nghiệp tới canh tác và chế biến gạo. Điều này đảm bảo được chất lượng gạo cũng như giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ngược lại, cũng có một số cổ phiếu đang bị xếp hạng tăng trưởng tiêu cực như TAR (CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An) và NSC (CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận