Dòng khí đốt qua Nord Stream 1 dự kiến sụt giảm, giá dầu đi lên
Giá dầu Brent và WTI tương lai tăng lần lượt 1,9% và 2,1%.
Trong phiên giao dịch 25/7, giá dầu Brent tương lai giao tháng 9 tăng 1,95 USD, tương đương 1,9%, lên 105,15 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 2 USD, tương đương 2,1%, lên 96,7 USD/thùng.
“Đồng USD suy giảm và chứng khoán Mỹ đi lên là những yếu tố hỗ trợ giá dầu”, Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo tới từ UBS, nhận định. Tuy nhiên, giá dầu liên tục giằng co khi nhà đầu tư gia tăng tâm lý thận trọng trước cuộc họp của Fed trong tuần này và kết quả kinh doanh quý II của một số doanh nghiệp đáng chú ý.
Đây là xu hướng chung trong vài tuần gần đây trước quan ngại việc các ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất có thể khiến nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, nhu cầu nhiên liệu sụt giảm. Tuy nhiên, nguồn cung dầu hạn chế, đặc biệt sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, chính là động lực kéo giá dầu đi lên.
“Kinh tế Mỹ và các quốc gia châu Âu đang chậm lại. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất 0,75% trong tuần này, đó là lý do nhà đầu tư duy trì quan điểm thận trọng”, theo Dennis Kissler, Phó Chủ tịch phụ trách khối giao dịch tại BOK Financial. Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, chỉ tăng trưởng “khiêm tốn” 0,4% trong quý II so với cùng kỳ năm 2021.
National Oil Corporation của Libya cho biết họ đặt mục tiêu cung cấp cho thị trường khoảng 1,2 triệu thùng/ngày trong vòng hai tuần tới, tăng hơn 300.000 thùng so với mức sản lượng 860.000 thùng ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo Libya khó có thể hiện thực hóa được mục tiêu này trong bối cảnh căng thẳng chính trị tại đây vẫn tương đối phức tạp.
Giá dầu còn nhận được sự hỗ trợ từ “kỳ vọng rằng cung dầu của Nga đi xuống trong một vài tháng tới đẩy giá dầu toàn cầu lên cao, sau khi kế hoạch áp giá trần của các quốc gia phương Tây chính thức được áp dụng”, theo Warren Patterson, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại ING. Trong ngày 22/7, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết Nga sẽ không bán dầu cho các quốc gia thực hiện áp giá trần.
Tập đoàn Gazprom cho biết lưu lượng khí đốt qua hệ thống đường ống Nord Stream 1 giảm khoảng 20%, tương đương với 33 triệu m3/ ngày, kể từ thời điểm từ 4h00 giờ GMT ngày 27/7.
Điều đó buộc các quốc gia châu Âu phải sử dụng nhiều dầu hơn để bù đắp lượng thiếu hụt khí đột này, qua đó hỗ trợ giá dầu, theo Andrew Lipow tới từ Lipow Oil Associates.
Kim loại quý
Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex giảm giảm 8,3 USD, tương đương 0,5%, xuống 1.719,1 USD/ounce.
Trong tuần trước, vàng nhận được sự quan tâm lớn từ phía nhà đầu tư khi rơi xuống vùng giá dưới 1.700 USD/ounce, kéo giá vàng chốt tuần đi lên sau hơn một tháng. Tuy nhiên, không ít người vẫn tỏ ra hoài nghi về đà hồi phục của giá vàng.
“Chúng ta chờ đợi quyết định của Fed trong ngày 37/7 để có thể có cái nhìn rõ hơn về diễn biến giá vàng trong thời gian tới”, Craig Erlam, Chuyên gia phân tích tới từ OANDA, nhận định.
Vàng thường được coi là kênh đầu tư phòng ngừa lạm phát. Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2020, giá vàng liên tục suy giảm do đồng USD liên tục mạnh lên, hiện tăng 11% chỉ tính trong năm 2022. Bên cạnh đó, môi trường lãi suất cao cũng ảnh hưởng tiêu cực tới giá vàng, một loại hình tài sản phi lợi suất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận