Đóng cửa nhà máy, Nissan và Honda cho hàng nghìn công nhân nghỉ việc
Nissan Motor dự định sa thải khoảng 10.000 công nhân tại các nhà máy ở Mỹ, trong khi Honda quyết định cho hơn một nửa nhân viên nghỉ phép nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.
Hầu như tất cả các công nhân tại nhà máy ở Mỹ của Nissan sẽ bị ảnh hưởng bởi việc sa thải, bao gồm tại các nhà máy ở Tennessee và Mississippi. Trong khi đó, quyết định của Honda cũng sẽ ảnh hưởng đến 5 nhà máy lắp ráp tại Ohio, Alabama và các tiểu bang khác.
Hiện tại, Honda có tổng cộng 20.000 công nhân tại Mỹ, trong đó hơn 10.000 người sẽ được nghỉ phép cho đến cuối tháng Tư.
Các quyết định này đã cho thấy một sự suy giảm lớn trong hoạt động kinh tế, do các biện pháp cứng rắn nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, điều này lại có 'tác dụng phụ' khi đẩy nền kinh tế vào suy thoái và khiến hàng nghìn công nhân bị sa thải hoặc nghỉ việc tạm thời.
Tại thị trường Mỹ, Nissan đã đầu tư rất nhiều vào cả Tennessee (nơi công ty sản xuất xe thể thao đa dụng và xe điện) và Mississippi (nơi họ sản xuất xe SUV và xe thương mại). Nhưng việc sản xuất tại các nhà máy này đã bị đình chỉ kể từ ngày 20/3 để đối phó với sự bùng phát của COVID-19.
Ban đầu, Nissan dự kiến đóng cửa các nhà máy cho đến ngày 6/4. Tuy nhiên, trước bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng và không có dấu hiệu suy giảm, giờ đây họ đã phải kéo dài thời gian ngừng hoạt động đến cuối tháng Tư.
Những công nhân bị sa thải sẽ không được Nissan tiếp tục trả lương, mặc dù có vẻ công ty sẽ thuê lại họ một khi các nhà máy tái hoạt động. Những người này sẽ sử dụng tiền trợ cấp thất nghiệp cho đến thời điểm đó.
Trong tuần qua, Nissan cũng có kế hoạch sa thải hầu hết 6.000 nhân viên tại nhà máy ở Anh và khoảng 3.000 công nhân tại một nhà máy ở Barcelona, Tây Ban Nha.
Honda trong năm 2019 đã sản xuất được 1,2 triệu chiếc xe tại Mỹ, giờ đây cũng phải đình chỉ mọi hoạt động sản xuất kể từ ngày 23/3. Mặc dù vậy, Honda sẽ đảm bảo mức lương đầy đủ cho đến hết Chủ nhật tuần này. Bên cạnh đó, công ty sẽ hướng dẫn người lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp từ chính quyền địa phương của họ bắt đầu từ thứ Hai tuần sau.
Nước Mỹ đang thiếu hụt trầm trọng vật tư y tế, vì vậy Nissan và Honda đã phải sử dụng máy in 3D thường được áp dụng cho các mục đích như sản xuất các bộ phận, để sản xuất khẩu trang.
Ngoài ra, Toyota cũng đã đạt được thỏa thuận hỗ trợ hai nhà sản xuất máy thở và thiết lập một kênh thông tin giúp các nhà sản xuất thiết bị y tế và những người khác có thể tham khảo ý kiến với nhau.
Trước cuộc khủng hoảng COVID-19, các nhà sản xuất ô tô khác cũng đang hành động để cố gắng bảo vệ doanh nghiệp của họ khỏi sự suy thoái kinh tế.
General Motors quyết định hoãn thanh toán 20% tiền lương cho khoảng 69.000 nhân viên tại Mỹ và các nước khác. Theo một cơ quan truyền thông địa phương, Fiat Chrysler Automobiles có kế hoạch giảm lương lên tới 20% trong ba tháng, mặc dù công ty đã tuyên bố sẽ thanh toàn phần tiền bị giữ lại trong vòng một năm.
Hiện tại, yêu cầu bảo hiểm thất nghiệp của Mỹ đã đạt đến mức 6,64 triệu người tính đến ngày 28/3, tăng gấp đôi so với mức kỷ lục 3,3 triệu đạt được trong lần trước đó. Các yêu cầu này chủ yếu đến từ những người làm việc trong các lĩnh vực như nhà hàng, bán lẻ và khách sạn, mặc dù các đơn xin trợ cấp thất nghiệp của công nhân trong các ngành sản xuất, bao gồm cả ô tô, cũng đã tăng.
(Theo Nikkei Asian Review)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận