Dòng chảy phương Bắc 2 sắp hoàn thành, chính quyền Biden khó làm “vẹn lòng” đôi bên
Không muốn mạnh tay trừng phạt Đức vì dự án Dòng chảy phương Bắc 2 nhưng chính quyền Tổng thống Biden không muốn bị cho là yếu đuối hoặc “lép vế” trước Nga.
Không muốn làm mất lòng Đức
Mỹ có thể sẽ trì hoãn việc trừng phạt các thực thể của Đức liên quan đến dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 giữa bối cảnh chính quyền ông Biden đang tìm cách ngăn chặn dự án trên mà không làm "mất lòng" đồng minh châu Âu thân cận này.
Một báo cáo quan trọng về dự án này sẽ được công bố sớm nhất vào 19/2 (giờ Mỹ), dự kiến sẽ bao gồm danh sách một số thực thể liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2, 4 nguồn tin thân cận cho hay.
Dòng chảy phương Bắc 2 trở thành nguồn cơn chia rẽ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời Tổng thống Trump khi dự án vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu này gần hoàn thành. Các quan chức trong chính quyền ông Trump cho rằng, dự án này sẽ hủy hoại an ninh châu Âu và khiến châu lục này phụ thuộc nhiều hơn vào Nga.
Những nguồn tin thân cận với vấn đề cũng cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không muốn nhắm vào các công ty và các cá nhân từ những quốc gia như Đức bởi ông cho rằng việc quan trọng hơn vào lúc này là tìm kiếm giải pháp ngoại giao và hàn gắn những rạn nứt do chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump gây ra.
Sự yên ắng này đã vấp phải sự chỉ trích từ một số người khi cho rằng luật pháp Mỹ yêu cầu trừng phạt bất kỳ thực thể nước ngoài nào hỗ trợ xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2. Họ cũng cho rằng, trong khi Mỹ đang tìm cách làm giảm căng thẳng với Đức thì Washington dường như đang xa rời các đồng minh khác như Ukraine, Ba Lan và các nước vùng Baltic.
Chỉ 1 tháng sau khi nhậm chức, các cuộc tranh luận về dự án này đang buộc chính quyền ông Biden phải cân bằng giữa việc duy trì sức ép với Nga và xây dựng quan hệ thân thiết hơn với Đức, một đồng minh NATO. Thời gian đang cạn dần với Mỹ khi mà Dòng chảy phương Bắc sắp hoàn thành.
Hai nguồn tin thân cận với vấn đề cho biết mặc dù chính quyền Tổng thống Trump từng cố gắng tránh trừng phạt các thực thể của Đức nhưng chính quyền này đã chuẩn bị cho động thái trừng phạt trên trong những tuần cuối cùng. Trong số các mục tiêu có khả năng bị nhắm tới có ông Matthias Warnig, giám đốc điều hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Đức.
Các nguồn tin cũng cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời chính quyền Tổng thống Trump đã có một kế hoạch chi tiết với mục tiêu cuối cùng là chấm dứt dự án này song lý do duy nhất mà lệnh trừng phạt các thực thể của Đức vẫn chưa diễn ra là do chúng đã hết hạn thực hiện.
Dù vậy, 2 nguồn tin khác đánh giá rằng các kế hoạch của chính quyền Tổng thống Trump thiếu sự cụ thể và chưa bao giờ vượt qua được vòng thảo luận.
Bộ Ngoại giao vẫn từ chối bình luận về vấn đề này nhưng các quan chức Mỹ đã nhiều lần khẳng định Tổng thống Biden phản đối Dòng chảy phương Bắc 2.
"Tổng thống Biden đã khẳng định rằng Dòng chảy phương Bắc 2 là một thỏa thuận tồi. Đây là một thỏa thuận tồi bởi nó chia rẽ châu Âu, đồng thời đặt Ukraine và Trung Âu vào tình thế nguy hiểm trước Nga và sự thao túng của Nga", người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm 16/2.
Cuộc tranh luận về Dòng chảy phương Bắc 2 đã nóng lên trong những ngày đầu nhiệm kỳ của chính quyền Mỹ mới sau khi Quốc hội yêu cầu nộp một bản báo cáo ngày 16/2 - hạn chót bị bỏ lỡ - nhằm liệt kê các thực thể có liên hệ với đường ống này, vốn có thể trở thành các mục tiêu bị trừng phạt.
Báo cáo trên dự kiến cũng sẽ liệt kê một số thực thể của Nga có thể đối mặt với lệnh trừng phạt.
Tiến thoái lưỡng nan
Câu hỏi lớn hiện nay là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Đức vấn đang tìm cách duy trì dự án trên và nối lại những đề xuất từng bị chính quyền Tổng thống bác bỏ, với ý định cho phép khí đốt đi qua đường ống này song sẽ hạn chế ảnh hưởng của Nga.
Tuy nhiên, nếu điều này diễn ra, Mỹ sẽ bị cho là yếu đuối trước Nga và dễ dàng đáp ứng các yêu cầu của nước này. Việc đó cũng có thể bị cho là dấu hiệu Mỹ đang từ bỏ các đồng minh khác khi các nhà lãnh đạo của những nước này phản đối đường ống trên. Đáp ứng đề xuất của Đức còn khiến cho chính quyền ông Biden vấp phải sự phản đối dữ dội từ các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa như ông Ted Cruz.
"Thượng nghị sĩ Cruz hy vọng rằng chính quyền ông Biden sẽ đáp ứng các yêu cầu pháp lý bắt buộc nhằm áp lệnh trừng phạt lên bất kỳ tàu thuyền hoặc công ty bảo hiểm nào liên quan đến các hoạt động lắp đặt đường ống trên, một phần bởi ông ấy biết Bộ Ngoại giao đã có tất cả thông tin cần thiết để áp đặt các lệnh trừng phạt. Ông Cruz đã sẵn sàng sử dụng tất cả quyền của ông ấy ở Thượng viện để đảm bảo họ đáp ứng yêu cầu này", người phát ngôn của ông Cruz là Jessica Skaggs cho hay./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận