Dòng chảy phương Bắc 2: Cuộc chiến đường ống dẫn khí đốt chưa có hồi kết
Đường ống dài 1.200 km, có khả năng vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt đến châu Âu, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
Dự án đường ống dẫn khí đốt chạy từ Nga đến Đức sẽ không được hoàn thành đúng thời gian dự kiến. Theo nhận định của báo Le Monde, việc này có thể dẫn đến những khó khăn trong việc cung cấp khí đốt cho khu vực Tây Âu trong mùa Đông tới.
Phải chăng cuộc chiến đường ống dẫn khí đốt sắp lan tới châu Âu? Đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) nối Nga với Đức qua biển Baltic đang trở thành trung tâm của một trận chiến kinh tế và địa chính trị, giữa một bên là người khổng lồ Gazprom của Nga và các đối tác châu Âu, với bên kia gồm Ủy ban châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quốc gia khác trên “lục địa già”.
Đường ống dài 1.200 km, có khả năng vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt đến châu Âu, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay. Tuy nhiên, nhiều nguồn thông tin xác nhận dự án sẽ bị kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng, dưới áp lực từ Chính quyền Đan Mạch.
Một thành viên trong ban dự án cho biết, để chắc chắn hoàn thành đúng hạn, dự án phải nhận được giấy phép của Đan Mạch trước ngày 1/8. Và cứ mỗi tháng bị trì hoãn trôi qua, thời gian đi vào hoạt động sẽ bị chậm tương ứng.
Cho đến nay, nguy cơ chậm tiến độ vẫn luôn được phía tập đoàn Dòng chảy phương Bắc 2 bác bỏ. Người phát ngôn của tập đoàn khẳng định toàn bộ công trình sẽ sẵn sàng đi vào vận hành trước khi năm 2019 kết thúc.
Liên quan đến số vốn đầu tư, ngoài Gazprom của Nga, 50% được 5 đối tác châu Âu tài trợ với số tiền lên đến 9,5 tỷ euro bao gồm Engie của Pháp, Shell của Anh-Hà Lan, OMV của Áo và Uniper và Wintershall của Đức.
Dự án đường ống dẫn khí này bị đình chỉ theo một quyết định của Chính quyền Đan Mạch. Tuyến đường ban đầu đi song song với đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1, đã đi vào hoạt động từ năm 2012 và đi qua lãnh hải của Đan Mạch gần đảo nhỏ Bornholm.
Tuy nhiên, Đan Mạch đã không cấp giấy phép, khiến tập đoàn Dòng chảy phương Bắc 2 phải tìm kiếm một tuyến đường khác, chỉ đi qua Vùng đặc quyền kinh tế và không cần sự đồng ý của Copenhagen. Ngay cả khi đã dự án đã thay đổi lộ trình, Cơ quan năng lượng Đan Mạch cũng chậm trả lời và không đưa ra thời hạn để thực hiện.
“Cuộc chiến” quanh hòn đảo rộng 500 km2 ở giữa biển Baltic này sẽ gây ra nhiều hậu quả đáng kể trong những tháng tới, khi sự chậm trễ có thể ngăn đường ống đi vào hoạt động vào cuối năm 2019.
Về phía Gazprom, một trong những mục tiêu của Dòng chảy phương Bắc 2 là thay thế một phần việc vận chuyển quá cảnh khí đốt qua Ukraine. Cần nhắc lại rằng hợp đồng giữa Nga và Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12.
Nói cách khác, nếu đường ống chưa hoàn thành và không có thỏa thuận nào đạt được giữa Moskva và Kiev vào ngày đó, vấn đề nguồn cung khí đốt cho châu Âu có thể hiển hiện vào thời điểm lạnh nhất của mùa Đông tới.
Năm 2018, 43% lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu phải đi qua Ukraine. "Đây là một vấn đề có thể nhắc lại những khó khăn trong cuộc chiến khí đốt năm 2006, sau đó là năm 2009, khi mà việc vận chuyển khí đốt bị gián đoạn trong vài ngày", theo ông Francis Perrin, Giám đốc nghiên cứu của Viện quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS).
Tại Pháp, khối lượng dự trữ khí đốt hiện khá lớn và có thể chống chọi được trước nguy cơ nguồn cung bị gián đoạn tạm thời. Trong thực tế, người tiêu dùng phải đối mặt với sự tăng giá. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong việc giao hàng bằng đường ống sẽ buộc người châu Âu phải mua với giá cao khí đốt được giao bằng tàu, đến từ Mỹ hoặc Qatar.
Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, đã đề nghị Kiev gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt thêm một năm, nhưng không có bất cứ sự đảm bảo nào về khối lượng khí sẽ đi qua Ukraine.
Mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước là tâm điểm của cuộc tranh cãi về Dòng chảy phương Bắc 2. Tại Liên minh châu Âu, các nước vùng Baltic, Ba Lan và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker luôn phản đối dự án, cho rằng đó là một mối nguy đối với nền kinh tế Ukraine và có thể khiến châu Âu quá phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.
Ngược lại, Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn bảo vệ Dòng chảy phương Bắc 2, trong khi Pháp vẫn tỏ thái độ thận trọng khi đề cập đến vấn đề này.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 cũng phải đối mặt với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người công khai chỉ trích bà Angela Merkel vì đã tham gia vào một dự án như vậy.
Nghị viện Mỹ cũng phản đối dự án này, khi ngày 31/7, Ủy ban đối ngoại Thượng viện đã thông qua một văn bản quy định xử phạt đối với các cá nhân và công ty liên quan đến việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2.
Văn bản hiện đang được trình lên tất cả các Thượng nghị sĩ, nhưng quyết định áp dụng hay không các biện pháp trừng phạt sẽ thuộc quyền Tổng thống Mỹ.
Ở châu Âu, những người đề xuất dự án cáo buộc Mỹ phản đối đường ống này là nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu sang lục địa già lượng khí đá phiến do Mỹ sản xuất. Họ cũng tin rằng sự ngăn cản của Đan Mạch được thúc đẩy dưới sức ép từ phía Mỹ.
Tập đoàn Dòng chảy phương Bắc 2, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nga, đang cố gắng hoàn thành dự án càng sớm càng tốt. Trên thực tế, gần 75% đường ống dẫn khí đã được lắp đặt và công việc diễn ra trôi chảy cả từ phía Đức và phía Nga.
Một phần giải pháp nằm trong tay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người vừa giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua. Theo đánh giá của ông Simon Perani thuộc Viện nghiên cứu năng lượng Oxford ở Anh, những trở ngại chính đối với thỏa thuận Nga - Ukraine “mang tính chính trị nhiều hơn là thương mại".
Mọi việc sẽ phụ thuộc vào cuộc “đàm phán” giữa hai nhà lãnh đạo - Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận