Đồng bộ giải pháp để “giải” bài toán… rút bảo hiểm xã hội một lần
Trước tình trạng số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần ngày một gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ, hệ lụy về lâu dài, chuyên gia cho rằng, để “giải” bài toán này, cần đồng bộ các giải pháp…
Việc người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là quyền và được pháp luật cho phép. Không ai có thể trách hay ngăn cản, nhất là trong lúc mất việc, thiếu việc, đời sống khó khăn,... Thế nhưng, trên thực tế, việc người lao động rút BHXH một lần chỉ có “lợi trước mắt”, giải quyết đời sống mang tính thời điểm, nhưng lại có “hại lâu dài”, nhất là khi người lao động hết tuổi lao động, nghỉ hưu, không còn khả năng lao động.
Tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, báo cáo về tình trạng rút BHXH một lần của người lao động thời gian qua, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam - Chu Mạnh Sinh cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021 có khoảng hơn 4 triệu người rút BHXH một lần, chưa tính số người do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giải quyết. Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 800.000 người rút BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Riêng năm 2022, ước khoảng 895.500 người rút BHXH một lần, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguyên nhân người lao động rút BHXH một lần gia tăng được cho là do sau 2 năm đại dịch COVID-19 (2020 - 2021) đã tác động rất mạnh đến thị trường lao động, nhất là mất việc làm, thiếu việc làm và dịch chuyển lao động về địa phương. Sang năm 2022, do khó khăn về kinh tế nên nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng từ các nước trên thế giới.
Khi đơn hàng giảm dẫn tới các doanh nghiệp phải tiến hành các giải pháp tái cấu trúc lực lượng lao động. Trong đó có các doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng và sa thải lao động, có doanh nghiệp giảm giờ làm hay nghỉ luân phiên.
Những yếu tố này dẫn đến người lao động bị tác động trực tiếp, thu nhập thấp đi, thậm chí không có việc, từ đó dẫn đến họ mong muốn rút BHXH một lần để lấy tiền chi tiêu sinh hoạt.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, dịp gần Tết, nhiều người lo không có tiền tiêu dùng nên số người rút tăng hơn. Chưa kể tâm lý một số người lao động lo lắng khi chưa tiếp tục tham gia với những biến động kinh tế như vậy, liệu quỹ BHXH có được bảo toàn, duy trì, phát triển không,...
Chuyên gia cho rằng, cần đồng bộ giải pháp để giữ chân người lao động ở lại với hệ thống BHXH - Ảnh minh họa: Internet
Mặc dù là quyền của người lao động và được pháp luật cho phép, thế nhưng, trước thực trạng người lao động rút BHXH một lần có xu hướng gia tăng, không ít ý kiến tỏ ra quan ngại bởi nguy cơ mất an ninh thu nhập tuổi già, làm tăng gánh nặng ngân sách chi trợ cấp hỗ trợ cho người già sau này.
Và để giải quyết thực trạng đã nêu, các chuyên gia cho rằng, cần sớm có những giải pháp đồng bộ để giữ chân người lao động ở lại với hệ thống BHXH.
Thông tin với báo chí, TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, để giải quyết vấn đề này, thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền giải thích cho người lao động hiểu rằng đó là “của để dành”. Nói cách khác, đây là chính sách an sinh xã hội đảm bảo lâu dài cho người lao động và toàn dân.
“Hôm nay nếu không có việc làm, mất việc, thiếu việc, cắt giảm thì người lao động có thể chốt sổ bảo hiểm để khi có việc, có thu nhập thì tiếp tục đóng. Đến đủ tuổi nghỉ hưu có thể lấy tiền của mình thông qua lương hưu chứ không ai lấy, không mất được. Đồng thời, đây là quỹ trung ương, ngoài việc bảo toàn còn phát triển. Bên cạnh đó, trong quá trình chốt sổ, không tiếp tục đóng nếu chẳng may qua đời hay di chuyển vẫn có thể được trợ cấp, lấy số tiền đó”, ông Lợi bày tỏ.
Theo ông Lợi, thứ hai, các doanh nghiệp trong khả năng của mình nên có biện pháp tích cực cố gắng duy trì, luân phiên việc làm để giữ chân người lao động và dù giảm thu nhập nhưng họ vẫn có việc làm. Điều này cũng giúp doanh nghiệp không mất lao động khi nền kinh tế phục hồi, có đơn hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chuyển đổi cơ cấu, ngành nghề việc làm và nếu khó khăn có thể được trợ cấp bằng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Cùng với đó nên giảm lợi nhuận để tăng cường hỗ trợ cho người lao động.
Thứ ba, Nhà nước cần nghiên cứu chính sách mang tính vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập. Bên cạnh đó có thể giảm, miễn, tạm dừng đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp... Nghiên cứu chính sách để hỗ trợ cho vay không lãi suất, việc làm công để người lao động giải quyết khó khăn trước mắt. Chính quyền địa phương cũng cần đồng hành hỗ trợ người lao động thuê nhà ở, giáo dục, y tế...
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, về lâu dài, khi sửa Luật BHXH, cơ quan soạn thảo cần tăng quyền lợi với người lao động có thời gian tham gia BHXH chưa được hưởng một lần, giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội hưởng lương hưu...
“Khi có đồng bộ các giải pháp, giải thích, hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi, chắc chắn người lao động sẽ yên tâm đóng BHXH và không có số người rút BHXH một lần nhiều như hiện nay”, TS Bùi Sỹ Lợi bày tỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận