'Đóng BHXH nên như gửi tiền ngân hàng'
'Một người bạn Malaysia chia sẻ với tôi rằng BHXH bên nước họ như một ngân hàng, minh bạch, trả lãi hàng năm, ai muốn rút sẽ được tư vấn'.
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) ở nước ta chỉ dừng lại ở mức 38% lực lượng lao động, và số người rút một lần tăng kỷ lục trong hai năm qua. Phải chăng người lao động không quan tâm đến lương hưu khi về già, hay họ thờ ơ với quỹ bảo hiểm này vì một lý do nào khác? BHXH có phải một công cụ bảo vệ cho cuộc sống của người lao động sau khi về hưu, hay nó đang trở thành gánh nặng, khiến họ mất đi một phần thu nhập hàng tháng mà chưa biết lợi lộc về sau thế nào?
Độc giả Phuong Vu Chinh cho rằng, sự thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình cần thiết về hoạt động đầu tư của quỹ là nguyên nhân chính khiến người lao động quay lưng với BHXH: "Tham gia BHXH 15 năm, nhưng mình cũng chưa thấy sự minh bạch trong điều hành cũng như về hoạt động của quỹ. Mức đóng góp 6% thu nhập mỗi tháng thực ra không nhiều với người lao động. Nhưng nếu cộng dồn lại trong suốt mấy chục năm tham gia BHXH thì đây sẽ là một con số không nhỏ. Trong khi các sản phẩm tài chính ngày càng đa dạng với những lợi ích vượt bậc, tôi tin người ta sẽ lựa chọn thứ dễ dàng rút tiền và dễ dàng quản lý hơn là BHXH. Đã đến lúc cần minh bạch trong chính sách điều hành của BHXH, đa dạng hóa các sản phẩm để người tham gia tự lựa chọn hình thức mà mình thích".
Đồng quan điểm, bạn đọc Phuong Ne chia sẻ: "Tôi và công ty của mình đóng BHXH ở mức cao nhất, tổng cộng 6,4 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, số tiền đóng BHXH của tôi sau 15 năm là khoảng 1,1 tỷ đồng. Nhiều khi tôi cũng muốn rút ra vì chẳng biết đến lúc nghỉ hưu có được hưởng đủ số tiền đó không? Trong khi đó, tham gia bảo hiểm phi nhân thọ còn được trả lãi hàng năm (vì họ dùng vốn của mình), có vấn đề gì rủi ro thì con cái còn được hỗ trợ một khoản không hề nhỏ. Còn đợi BHXH, tôi lo chỉ nhận được 50% mức lương cơ sở (745.000 đồng một tháng).
Một người bạn Malaysia chia sẻ với tôi rằng BHXH bên nước bạn như một ngân hàng, minh bạch, trả lãi hàng năm, nếu muốn rút họ sẽ tư vấn cho người lao động như một chuyên gia tài chính (có nên rút hay để nhận lãi đều hàng năm như sổ tiết kiệm). Nếu BHXH Việt Nam cũng làm được vậy, tôi tin người lao động sẽ không quay lưng".
Nhấn mạnh ý nghĩa của việc công khai thu, chi trong hoạt động của BHXH, độc giả Nguyen Tuan Anh bình luận: "Tại sao BHXH không thí điểm việc thu, chi, công bố tài chính đến tay người tham gia cho các ngân hàng. Các ngân hàng có tiềm lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý và thông tin đến khách hàng. Họ còn giỏi trong việc thanh sát các công ty nợ BHXH. Nếu đưa vào nợ xấu, các công ty đó không được tiếp cận nguồn vay mới nếu chưa nộp đủ BHXH. Tỷ giá lãi suất cũng được cập nhật thường xuyên như một tài khoản ngân hàng và sẽ có chu kỳ rút nhận... Sao BHXH không làm vậy mà cứ tự làm khó mình vậy?".
"Nếu quỹ BHXH không chỉ đơn thuần là gửi tiết kiệm mà còn đi đầu tư thì sẽ có rủi ro. Nhưng khách hàng lại không được thông báo việc này lúc đóng tiền. Nếu lợi nhuận cao, liệu họ có được tăng tiền lương hưu không, hay chẳng may quỹ gặp sự cố thì lấy gì ra để đền? Nên làm rõ vấn đề này. Còn nếu mục đích là an sinh xã hội thì cần phải tính toán lại, mục tiêu an toàn phải là số một, quỹ chỉ được phép giữ hộ tiền chứ không được đem đi đầu tư", bạn đọc Kính Lúp nói thêm.
Minh bạch hóa báo cáo tài chính của BHXH, đó là quan điểm của độc giả Tô Thức: "Tổng thu ba quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2018 đạt hơn 728.000 tỷ đồng, tương đương 31 tỷ USD. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đầu tư vào trái phiếu chính phủ khoảng 620.800 tỷ đồng, đầu tư vào các ngân hàng thương mại 107.200 tỷ đồng. Vì thế, cần minh bạch báo cáo tài chính để người dân yên tâm là tiền của họ vẫn còn ở đó".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận