menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bá Phú

Đóng băng tuyển dụng

Iris Dang là người Việt, đang học năm cuối Đại học Minnesota, Mỹ. Cô đã nhận được thư mời làm việc của một hãng công nghệ có trụ sở tại New York, chỉ đợi tốt nghiệp là bắt đầu trở thành nhân viên chính thức.

Nhưng vừa bước sang năm mới, công ty thông báo cắt giảm nhân sự hàng loạt. Điều Iris lo lắng cuối cùng đã xảy ra, ngày bắt đầu làm việc của cô bị hoãn vô thời hạn. Tình trạng của Iris Dang được mô tả bằng thuật ngữ "đóng băng tuyển dụng" (Hiring Freeze).

Trong khủng hoảng sa thải nhân sự của các hãng công nghệ lớn gần đây, dường như mọi sự chú ý dồn vào những người đang đi làm đột nhiên bị mất việc ở giữa sự nghiệp. Thế nhưng, có một thế hệ cũng bị tổn thương không kém, là Gen Z, những người chuẩn bị tốt nghiệp, đang sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.

Tình trạng bất ổn kinh tế đi kèm với cơn bão sa thải nhân sự trong lĩnh vực công nghệ ở quy mô toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến cơ hội việc làm cho những Gen Z trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Những công ty không sa thải quy mô lớn thì cũng "đóng băng" quá trình tuyển dụng mới. Do đó, số lượng việc làm mức sơ cấp (entry-level) vốn chỉ dành cho sinh viên mới tốt nghiệp đã ít, giờ đây lại phải chia sẻ với những người nhiều năm kinh nghiệm vừa bị mất việc trong các đợt cắt giảm. GenZ yếu thế hơn cả về trình độ, mạng lưới quan hệ, lẫn kinh nghiệm làm việc.

Gen Z không chỉ phải cạnh tranh với những người nhiều kinh nghiệm làm việc, mà còn phải cạnh tranh gián tiếp với những nền tảng AI như ChatGPT. Trước đây, ở các công ty, mỗi đội nhóm đều có nhiều nhân viên sơ cấp để hỗ trợ các nhân viên trình độ cao. Những nhân viên sơ cấp sẽ được tham gia dự án, thực hiện các tác vụ đơn giản để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Giờ đây, sự phát triển của nền tảng AI trong thực hiện các tác vụ đơn giản khiến cho cơ cấu nhân sự có thay đổi. Các đội nhóm sẽ còn lại một số người trình độ cao, nhiều kinh nghiệm với sự hỗ trợ của AI và còn lại rất ít vị trí cho mức sơ cấp.

Trong những năm trước, nếu không kiếm được việc làm ở các hãng lớn, sinh viên công nghệ có thể dễ dàng kiếm được công việc trong các công ty khởi nghiệp (startup). Tuy nhiên, nhiều tháng trở lại đây, lãi suất ngân hàng tăng cao, giá cổ phiếu của các hãng công nghệ giảm mạnh, khiến cho nguồn vốn đầu tư cho các công ty khởi nghiệp càng trở nên khan hiếm. Do đó, cơ hội cho Gen Z làm việc ở các công ty khởi nghiệp để lấy kinh nghiệm cũng không nhiều.

Tình trạng này dẫn đến ảnh hưởng lâu dài là Gen Z sẽ ít có cơ hội học hỏi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm và chứng minh năng lực của mình.

Nhưng nếu biết thay đổi kỳ vọng, cơ hội việc làm công nghệ ở các công ty phi công nghệ vẫn còn nhiều, như trong lĩnh vực công, xây dựng, tài chính. Tại Mỹ, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư công nghệ của các cơ quan chính phủ tăng 36% so với năm trước đó. Trong lĩnh vực xây dựng nhu cầu tuyển dụng chuyên gia công nghệ cũng tăng 28%. Tất cả lĩnh vực tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều khiến cho nhu cầu nhân sự công nghệ trong các công ty phi công nghệ sẽ vẫn tiếp tục tăng trong những năm tới.

Nhưng dù ở đâu, họ vẫn phải cạnh tranh với công cụ trí tuệ nhân tạo trong các việc làm sơ cấp. Để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với "người máy" hay các nền tảng AI này, GenZ cần trang bị thêm những kỹ năng không thể "tự động hóa" được.

Kỹ năng quản trị cảm xúc: Con người luôn có ưu thế trong việc hiểu về ngữ cảnh cuộc trò chuyện và nắm bắt cảm xúc của người đối diện. Trong một thế giới sống gấp càng đòi hỏi kỹ năng hiểu và quản trị cảm xúc của chính mình và đồng cảm với người xung quanh. Nếu chúng ta đánh mất kỹ năng rất người này thì sẽ sớm bị máy móc thay thế.

Kỹ năng giao tiếp hiệu quả: Máy có khả năng truyền tải thông tin chính xác và logic nên có lợi thế khi giao tiếp giữa máy-với-máy. Nhưng trong giao tiếp với người, cảm xúc đóng vai trò quan trọng. Vì thế ở những công việc cần giao tiếp với người, con người sẽ vẫn có lợi thế hơn. Trang bị các kỹ năng để giao tiếp hiệu quả giữa người với người là việc không bao giờ là thừa.

Kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề: máy móc và các nền tảng AI luôn bị hạn chế trong việc tạo ra những thứ mới hoặc sáng tạo ra giải pháp mới để giải quyết vấn đề. Đây là một yêu cầu liên quan đến khả năng xác định, phân tích và tìm giải pháp cho các vấn đề phức tạp. Nó đòi hỏi sự kết hợp của tư duy phản biện, tính sáng tạo và kinh nghiệm thực tế. Đây là một kỹ năng mà con người có lợi thế hơn và có thể trang bị được.

Cơ hội nghề nghiệp trong các hãng công nghệ của Gen Z ngày càng giảm. Để thích nghi Gen Z cần thay đổi kỳ vọng của mình và sớm trang bị những kỹ năng mới. Đó là sự chuẩn bị cần thiết để hội nhập vào thị trường lao động khi quá trình tuyển dụng được "rã đông".

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả