Đông Anh 'hút' loạt dự án, có nên xuống tiền gom đất nhỏ lẻ?
Thêm nhiều doanh nghiệp địa ốc muốn triển khai dự án ở Đông Anh. Dẫu vậy, chuyên gia vẫn khuyến nghị nhà đầu tư nhỏ lẻ cẩn trọng khi xuống tiền mua bất động sản tại đây.
Trước thềm Đông Anh (Hà Nội) lên quận, nhiều doanh nghiệp địa ốc đăng ký thực hiện dự án tại đây. TP Hà Nội cũng kêu gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển loạt khu đô thị mới ở huyện này.
Trước thông tin này, thị trường địa ốc Đông Anh có dấu hiệu ấm lên khi lượng quan tâm của các nhà đầu tư tăng trở lại, giá bán cũng rục rịch tăng.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc muốn gia nhập thị trường
Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (WTO) vừa đăng ký thực hiện dự án Xây dựng Khu đô thị mới G8 tại xã Kim Chung. Diện tích khu đất nghiên cứu dự án vào khoảng 47 ha và tổng mức đầu tư dự kiến là 12.600 tỷ đồng.
Liên danh CTCP Tập đoàn Vingroup - CTCP Đầu tư Xây dựng Thái Sơn - CTCP Đầu tư và Phát triển Thương mại Long Hải gần đây cũng đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị thông minh - sinh thái tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh (thuộc quy hoạch phân khu sông Hồng). Dự án này có tổng diện tích nghiên cứu khoảng 268 ha, tổng mức đầu tư gần 34.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội còn đang kêu gọi nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới G19 tại Kim Nỗ, quy mô 26 ha, vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng.
Trong danh mục dự án thu hút đầu tư của UBND TP Hà Nội đợt 1 năm nay có 4 dự án khu đô thị tại Đông Anh với tổng diện tích gần 200 ha, phân bổ tại các xã Kim Chung, Đại Mạch, Mai Lâm, Đông Hội, Kim Nỗ, Nam Hồng.
Loạt ông lớn cùng hiện diện
Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đã từng công bố kế hoạch triển khai dự án tại Đông Anh như BRG, Vingroup, Sun Group, Eurowindow Holding...
Đầu tiên là BRG với dự án Thành phố thông minh. Với dự án này, BRG hợp tác với một doanh nghiệp Nhật Bản là Sumitomo để cùng phát triển.
Dự án có diện tích hơn 270 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD. Tháng 10/2019, nhà đầu tư đã tổ chức lễ động thổ khu đô thị này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án vẫn chưa triển khai thêm vì phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500.
Vingroup hiện diện tại thị trường Đông Anh thông qua công ty con VEFAC - chủ đầu tư dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia và Khu đô thị mới tại huyện Đông Anh (Vinhomes Cổ Loa). Dự án đã được UBND TP Hà Nội duyệt Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 từ năm 2020.
Dự án này có quy mô hơn 261 ha, tổng vốn đầu tư gần 34.880 tỷ đồng. Trong báo cáo mới đây, VEFAC cho biết đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó có các thủ tục về pháp lý dự kiến đến hết tháng 9 năm nay sẽ hoàn thành. Sau đó, dự án bắt đầu triển khai thi công. Chủ đầu tư dự kiến vận hành dự án vào quý đầu năm 2030.
Một dự án khác là Công viên Kim Quy với quy mô khoảng 190 ha thuộc Vĩnh Ngọc do Sun Group làm chủ đầu tư. Dự án này được động thổ vào tháng 9/2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Theo thông tin từ chủ đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.600 tỷ đồng.
Eurowindow Holding tham gia thị trường Đông Anh với dự án Eurowindow River Park. Dự án này gồm 200 biệt thự, liền kề và 2.058 căn hộ chung cư.
Nhiều tiềm năng nhưng không dễ
Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy trong quý I năm nay, mức độ quan tâm đối với đất nền tại Đông Anh đang gần chạm đến mức quan tâm của quý I/2022 - giai đoạn thị trường bất động sản sôi động.
Sang đến quý II, đất nền Đông Anh ghi nhận giá bán và mức độ quan tâm tăng trưởng mạnh nhất trong số các huyện vùng ven của Hà Nội. Cụ thể, so với quý trước đó, giá chào bán đất nền Đông Anh tăng 24%, mức độ quan tâm tăng 104%.
Một môi giới nhà đất tại Đông Anh cũng cho biết lượng khách quan tâm đến bất động sản huyện này đã có xu hướng tăng trở lại. Tuy nhiên, so với một năm trước, giá bán chỉ ở mức tương đương hoặc tăng nhẹ 3-5%.
Theo lý giải của ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Batdongsan.com.vn, sự quan tâm trở lại đối với đất nền Đông Anh diễn ra trong bối cảnh địa phương này đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án mới, một số chủ đầu tư cũng thể hiện ý định gia nhập thị trường này.
Bên cạnh đó, so sánh với các khu Tây Hà Nội hay các huyện cùng ở phía Đông Hà Nội như Gia Lâm và Long Biên, mặt bằng giá tại Đông Anh vẫn ở mức thấp hơn, có dư địa tăng giá tốt hơn.
Dù vậy, dưới góc nhìn thận trọng, ông Quốc Anh nhìn nhận những cơn "sốt giá" của bất động sản Đông Anh thường đi kèm với các thông tin quy hoạch hạ tầng hay việc các đại dự án sắp triển khai. Tuy nhiên, sau nhiều năm, ngoài các dự án hạ tầng đã hoàn thiện, hầu hết dự án khu đô thị vẫn đang "đắp chiếu" chờ ngày khởi công.
Vị chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư cẩn trọng trước những đợt "sóng" đất theo thông tin quy hoạch dự án, bởi tiến độ triển khai các dự án luôn nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Phó giám đốc Batdongsan.com.vn cũng chia sẻ thêm ưu thế của Đông Anh là quỹ đất rộng, còn nhiều tiềm năng khai thác. Còn nhược điểm, Đông Anh vẫn là một huyện ở bờ bên kia sông Hồng.
"Tâm lý người Hà Nội thường không thích qua cầu, khác với người Đà Nẵng và TP.HCM. Điều này cản trở khá nhiều đến thị trường địa ốc những quận, huyện như Đông Anh, Gia Lâm hay Long Biên", ông Quốc Anh nói, đồng thời nhấn mạnh với đặc điểm của Đông Anh, đầu tư dài hạn sẽ là phương án an toàn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận