Đón xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc
Việt Nam hay các nước khác sẽ khó có thể thay ngay được Trung Quốc để đóng vai trò cốt yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng đây là cơ hội để nâng dần vai trò Việt Nam trong chuỗi cung ứng này.
Những ngày qua, chuyện Panasonic sẽ ngừng sản xuất ở Thái Lan với máy giặt (từ tháng 9) và tủ lạnh (từ tháng 10) để hợp nhất sản xuất sang một cơ sở lớn hơn ở Việt Nam đang khiến báo chí quốc tế lẫn các chuyên gia trong nước thảo luận sôi nổi. Cũng trong thời gian này, hình ảnh về chiếc tai nghe không dây AirPods Pro mới nhất của Apple với dòng chữ Assembled in Vietnam (lắp ráp tại Việt Nam) đang gây ra không ít phấn khích cho nhiều khách hàng trong nước. Bởi sau nhiều tin đồn, Apple đã cụ thể hóa chủ trương gia tăng đặt hàng các nhà cung cấp ở Việt Nam cho những sản phẩm của Apple.
Một báo cáo mới đây của Bộ Công thương cũng nhận định, trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển đầu tư ngày càng rõ nét trên toàn cầu, EVIPA và EVFTA sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư đang chuyển hướng, đồng thời hạn chế việc suy giảm nguồn vốn FDI theo xu hướng chung của thế giới.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết khi đại dịch Covid-19 xảy ra, không chỉ các tập đoàn mà chính phủ các nước cũng đã vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nước mình đang có nhà máy tại Trung Quốc dịch chuyển một phần hoạt động sản xuất kinh doanh của họ về nước hoặc sang nước thứ ba.
“Chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỉ USD trong gói kích thích kinh tế 992 tỉ USD nhằm hỗ trợ các DN nước này rút khỏi Trung Quốc, trở về Nhật và chuyển hoạt động sang ASEAN. Tương tự, Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ cũng cho biết chính phủ đang xem xét một chương trình hỗ trợ chi phí cho DN Mỹ nếu họ di chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Động thái này của chính phủ các nước và các tập đoàn đã tạo làn sóng rút lui một phần hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc”, ông Hoài nói và cho rằng với việc EVFTA dự kiến sắp có hiệu lực, ngày càng có nhiều nhà đầu tư EU, đặc biệt là các tập đoàn lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo từ Đức, Pháp, Hà Lan... quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam.
Chia sẻ điều này, PGS-TS Đỗ Đức Định, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, phân tích: Việc Trung Quốc kiểm soát các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay khiến các nước bắt đầu lo ngại. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, Việt Nam hay các nước khác sẽ khó có thể thay ngay được Trung Quốc để đóng vai trò cốt yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng đây là cơ hội để nâng dần vai trò Việt Nam trong chuỗi cung ứng.
Ông Trương Thanh Hoài cũng nhìn nhận việc di chuyển chuỗi cung ứng không đơn giản. Dù các DN cũng mong muốn giảm bớt rủi ro từ Trung Quốc, nhưng nhiều DN đang phải đối mặt với những khó khăn về tiền mặt và vốn từ đại dịch, vì vậy, họ sẽ rất thận trọng trước khi đưa ra những quyết định nhanh chóng. Mặt khác, Trung Quốc cung cấp cơ sở hạ tầng như cảng lớn và hệ thống đường cao tốc, đường sắt chất lượng hàng đầu thế giới, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí ở mức hợp lý và ngành logistics hiện đại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận